Chủ nhật, 24/11/2024 11:52 (GMT+7)
Thứ ba, 05/10/2021 13:15 (GMT+7)

Hồi chuông báo động về nguồn lao động ở TP.HCM

Theo dõi KTMT trên

Niềm vui được nới lỏng giãn cách chưa được trọn vẹn đối với nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM khi phải đối mặt với khủng hoảng nhân sự, thiếu lao động trầm trọng.

Quá khó khăn, người lao động bỏ phố về quê

“Tác động của dịch Covid-19 lần thứ tư đến doanh nghiệp và người lao động ở các tỉnh, thành phố phía Nam vô cùng lớn”, chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi.

Không chỉ những người mất việc, mà cả người lao động đang có việc cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch. Việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng giấy đi đường đã khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn.  

Nhiều doanh nghiệp đang loay hoay trong việc thực hiện thủ tục xin giấy đi đường cho người lao động. Bởi việc di chuyển giữa các huyện, thị xã thành phố phải được sự đồng ý của 2 địa phương nơi đi và nơi đến. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp không thể đưa công nhân vào nhà máy để sản xuất.

Hồi chuông báo động về nguồn lao động ở TP.HCM - Ảnh 1
TP.HCM: Người lao động "rồng rắn" bỏ về quê (Ảnh:TTXVN)

Theo như tìm hiểu, có 4 nhóm lực lượng lao động: lao động làm cho các doanh nghiệp FDI; lao động làm cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; lao động làm ngoài các khu công nghiệp; lao động tự do. Cả 4 nhóm lao động trên đều ở trong những khu trọ có mật độ dân số cao.

Hơn nữa, hàng ngàn doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, tạm nghỉ việc để phòng chống dịch. Điều này, khiến người lao động lâm vào cảnh không có lương, mà vẫn phải chi trả tiền thuê nhà, điện nước sinh hoạt.

Khi dịch xảy ra, người lao động đều ở nhà, do vậy quy tắc 5K gần như không có. F0 bắt đầu phát sinh ngay trong khu trọ. Với môi trường sống như vậy thì cộng đồng lao động sống trong tâm trạng lo lắng, sợ hãi. Người lao động từ các tỉnh thành đã quyết định trở về quê do gặp khó khăn để giảm bớt gánh nặng chi tiêu.

Khi hình ảnh cả nghìn người di chuyển trên những chiếc xe máy chở theo toàn bộ đồ đạc gia đình hướng về các tỉnh, càng thấy rõ quyết định khăn gói rời khỏi TP.HCM của những lao động ngụ cư này. Áp lực khi thất nghiệp, áp lực duy trì sinh tồn rồi cũng khiến họ đầu hàng sau thời gian dài giãn cách.

Khả năng thiếu hụt lao động cao

Sau 3 ngày TP.HCM thực hiện Chỉ thị 18 của UBND TP.HCM, dịch bệnh dần được kiểm soát tốt hơn, có 5.279 doanh nghiệp đăng kí hoạt động trở lại. Nhiều doanh nghiệp khác đang chuẩn bị về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, máy móc,… Nhiều quận, huyện đang làm việc với các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn để nắm thực trạng, tạo điều kiện hỗ trợ các đơn vị này nhanh chóng trở lại sản xuất. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã nhanh chóng sắp xếp bố trí lực lượng lao động, điều kiện sản xuất để trở lại hoạt động.  

Tuy nhiên, tại buổi họp báo chiều 4/10, ông Phạm Đức Hải - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM chia sẻ: “Hiện nay, các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố đang rất thiếu lao động. Các doanh nghiệp đang rà soát để tuyển dụng, bổ sung thêm nguồn lao động thiếu hụt này”.

Trước ngày 1/10, các khu công nghiệp, khu chế xuất có 288.000 lao động, trong đó có hơn 70.000 lao động làm việc theo phương thức "3 tại chỗ", hoặc "1 cung đường 2 điểm đến".  Do nhiều bất cập, số lao động "3 tại chỗ" đang giảm xuống còn 45.000 người.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đăng ký mới 33.000 lao động. Hiện nay, tổng lao động đang làm việc tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất là 135.000 lao động, chiếm 46%. Do vậy, các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất còn thiếu rất nhiều người lao động và đang rà soát để tiếp tục bổ sung nguồn lao động.

Riêng Khu công nghệ cao TP.HCM,  có khoảng 50.000 lao động. Trong đó, có 25.000 lao động theo "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến" và số lao động này đã giảm xuống. Ban quản lý đang rà soát, để doanh nghiệp nào thiếu thì bổ sung. Trong 50.000 người thì có đến 40.000 người ở TP.HCM và khoảng 10.000 người còn lại đa phần ở 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Nên hiện nay Khu công nghệ cao TP.HCM đang khẩn trương mời gọi người lao động phục vụ cho khu công nghệ cao.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở TP.HCM chiếm 98%, nên lượng lao động bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là ngành may mặc, giày da, dịch vụ thương mại, giao thông…. trong đó, nhiều doanh đang chật vật để trụ lại nhưng nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận phá sản, rút tên khỏi thị trường.

Cho nên, để đảm bảo nguồn cung lao động, các doanh nghiệp cần có chế độ phúc lợi cũng như bố trí nơi ăn, ở chu đáo cho công nhân; thực hiện tốt các giải pháp an sinh xã hội để họ yên tâm công tác; tăng cường đào tạo lại lao động là điều rất quan trọng, cấp thiết để phục hồi thị trường lao động sau đại dịch.

Thu Hà

Bạn đang đọc bài viết Hồi chuông báo động về nguồn lao động ở TP.HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới