Hưởng ứng Ngày Trái Đất 22/4: ‘Hãy đầu tư vào hành tinh của chúng ta’
Biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất và vấn đề khẩn cấp đối với nhân loại trên toàn cầu. Với chủ đề “Đầu tư vào Hành tinh của Chúng ta”, Ngày Trái Đất năm 2022 nhằm nâng cao nhận thức của con người trong việc bảo vệ môi trường sống.
Giảm thiểu sự nóng lên của Trái Đất
Biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất và vấn đề khẩn cấp đối với nhân loại trên toàn cầu. Do đó, Ngày Trái Đất mang ý nghĩa vô cùng tích cực, giống như ngày môi trường thế giới. Đây là thời điểm quan trọng để cổ động, làm sống dậy và cùng nhìn lại những gì con người, các cá nhân, tổ chức đã làm được cho môi trường sống chúng ta năm qua. Và là ngày định hướng cho việc khắc phục, bảo vệ môi trường trong năm tới.
Với chủ đề “Đầu tư vào Hành tinh của Chúng ta”, Ngày Trái Đất năm 2022 nhằm nâng cao nhận thức của con người trong việc bảo vệ môi trường sống. Mỗi người đều có thể góp sức vào việc giảm thiểu sự nóng lên của Trái Đất bằng những việc làm thiết thực hàng ngày.
Theo đó, Ngày Trái Đất diễn ra vào ngày 22/4 hàng năm, là ngày lễ thường niên được kỷ niệm rộng rãi nhất trên toàn cầu. Trong khi EarthDay.org nhấn mạnh rằng chúng ta nên đầu tư vào hành tinh mỗi ngày trong năm nay, Ngày Trái Đất được coi là một ngày để làm nổi bật hành động này. Hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới đánh dấu kỳ nghỉ lễ bằng cách làm việc để thúc đẩy sự thay đổi chính sách khí hậu và thay đổi hành vi hàng ngày của con người để cải thiện thế giới của chúng ta.
Ngày Trái Đất được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 22/4/1970 tại Mỹ. Vào năm 2009 Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố ngày 22 tháng 4 là Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất (International Mother Earth Day), phổ biến với tên gọi Ngày Trái Đất, nhằm nâng cao nhận thức và giá trị về môi trường tự nhiên của hành tinh xanh.
Theo EarthDay.org, nhóm này đã chọn ngày 22/4 với hy vọng thu hút tối đa sự tham gia của học sinh vì đây là một ngày rơi vào giữa kỳ nghỉ xuân và kỳ thi cuối kỳ. Ngày Trái Đất đầu tiên đã truyền cảm hứng cho hơn 20 triệu người Mỹ biểu tình chống lại những tác động có hại của phát triển công nghiệp đối với cả hành tinh và sức khỏe con người.
Hiện tại, Ngày Trái Đất được tổ chức hằng năm ở hơn 190 quốc gia. Bên cạnh Ngày Trái Đất còn có Giờ Trái Đất và Tuần Trái Đất. Trong những năm qua, Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tự nhiên của Trái Đất và đang áp dụng một trong những biện pháp thiết thực là tiết kiệm năng lượng, cũng là cách giảm chi tiêu ngân sách, bảo vệ nguồn nhiên liệu hóa thạch cho thế hệ tương lai.
Ứng phó biến đổi khí hậu là nhiệm vụ trọng tâm
Biến đổi khí hậu được cho là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại thế kỷ 21. Và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng gia tăng, việc vận động và hành động vì môi trường là rất quan trọng, càng nhấn mạnh sự cần thiết phải "Đầu tư vào Hành tinh của Chúng ta" như chủ đề chính của Ngày Trái Đất 2022.
Điều đó cũng đã được thể hiện qua khẩu hiệu “Đoàn kết thế giới để ứng phó với biến đổi khí hậu” của Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) được tổ chức thành công tại Vương quốc Anh với những cam kết hành động mạnh mẽ cùng với sự quyết tâm cao của toàn nhân loại.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Để chiến thắng trong cuộc chiến toàn cầu với biến đổi khí hậu, đoàn kết toàn cầu là cách thức duy nhất, chúng ta cùng bàn, cùng làm và cùng chiến thắng: Bắt đầu từ ý chí, nhận thức và giải pháp, tổ chức thực hiện cho đến đảm bảo nguồn lực. Những cam kết và hành động mang tính lịch sử của tất cả chúng ta hôm nay sẽ giúp để lại một hành tinh xanh, một không gian sinh tồn bền vững và hạnh phúc cho tất cả các thế hệ mai sau".
Trao đổi về việc triển khai các kết quả Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhưng trọng tâm, cấp bách. Với cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và hành động nhanh chóng, mạnh mẽ, tổng thể, toàn diện, Việt Nam tích cực, chủ động tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và coi đây là cơ hội để chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng xanh, tuần hoàn, carbon thấp. Thủ tướng nêu rõ tinh thần hợp tác trên cơ sở tình cảm, chân thành, tin cậy, tôn trọng, bình đẳng và các bên đều có lợi, hợp tác từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ tới khó, từ nhỏ tới lớn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội.
Ngay sau COP26, Việt Nam đã nghiêm túc và nhanh chóng triển khai cam kết của mình thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban. Việt Nam đang tiếp tục tích cực để sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan, dùng một luật để sửa nhiều luật; nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch, biện pháp, lộ trình cụ thể; rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch có liên quan; huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu… để thực hiện các cam kết này. Trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam đang rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, thúc đẩy phát triển mạnh các nguồn năng lượng điện tái tạo, chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch một cách phù hợp, bền vững, bảo đảm công bằng. công lý.
Nhìn nhận về vấn đề này, theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, quan điểm xuyên suốt trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 khẳng định, biến đổi khí hậu là xu thế không thể đảo ngược và là thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Thích ứng với biến đổi khí hậu và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân.
Việt Nam sẽ ứng phó với biến đổi khí hậu trên nguyên tắc công lý, công bằng, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế.
Lan Anh