Chủ nhật, 24/11/2024 06:39 (GMT+7)
    Thứ sáu, 25/03/2022 15:00 (GMT+7)

    “Ì ạch” lập danh mục ao hồ không được san lấp: Bộ TN&MT chỉ đạo “nóng"

    Theo dõi KTMT trên

    Trước tình trạng chậm trễ trong việc lập, công bố các danh mục hồ ao không được san lấp, mới đây, Bộ TN&MT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc thực hiện.

    Quy định gần 10 năm nhưng mới chỉ có 30/63 tỉnh thực hiện

    Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sau 10 năm triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012, tính đến nay, trên cả nước mới có 30/63 tỉnh, thành phố lập, công bố danh mục “hồ ao không được san lấp”. Cụ thể gồm: Bắc Kạn, Lai Châu, Lạng Sơn, Quảng Nam, Sơn La, Điện Biên, Kiên Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long, Kon Tum, Hà Giang, Trà Vinh, Gia Lai, An Giang, Lào Cai, Hậu Giang, Bắc Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Tuyên Quang, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Cao Bằng, Tiền Giang, Đắk Nông, Hà Nam, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Sóc Trăng với hơn 4.480 hồ, ao, đầm, phá theo quy định của luật.

    “Ì ạch” lập danh mục ao hồ không được san lấp: Bộ TN&MT chỉ đạo “nóng" - Ảnh 1
    Sau 10 năm triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012, tính đến nay, trên cả nước mới có 30/63 tỉnh, thành phố lập, công bố danh mục “hồ ao không được san lấp” với hơn 4.480 hồ, ao, đầm, phá theo quy định của luật.

    Theo khoản 7 Điều 60 của Luật tài nguyên nước năm 2012: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp để phòng, chống ngập, úng và bảo vệ nguồn nước trong phạm vi địa phương. Bộ TN&MT có trách nhiệm công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp nằm trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên

    Nhiều tỉnh thành lớn, có sự phát triển kinh tế xã hội như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… vẫn chưa ban hành danh mục.

    Ngoài ra, thống kê cho thấy cả nước hiện mới chỉ có 42/63 tỉnh, thành phố đã công bố danh mục nguồn nước cần phải lập hành lang bảo vệ; và 12/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh mục nguồn nước nội tỉnh.

    Phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc chậm trễ trong việc lập, công bố các danh mục nêu trên là do tại một số địa phương, công tác bảo vệ, phát triển tài nguyên nước còn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa được quan tâm, chú trọng…

    Đáng chú ý, thời gian qua, tại một số địa phương, tình trạng san, lấp hồ ao, kè bờ, lấn sông, cải tạo cảnh quan, sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đang diễn ra ngày càng phổ biến, phức tạp và chưa được kiểm soát chặt chẽ.

    Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngoài việc gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa - tình trạng san, lấp hồ ao, kè bờ, lấn sông còn dẫn đến việc các nguồn nước ngày càng bị suy thoái, cạn kiệt, gia tăng tình trạng ngập, úng, giảm khả năng trữ nước mưa; ảnh hưởng đến các hoạt động vui chơi, giải trí, bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, tín ngưỡng…

    Bộ TN&MT đề nghị các tỉnh, thành phố đôn đốc thực hiện

    Trước tình trạng trên, Bộ TN&MT đã nhiều lần có văn bản đôn đốc, nhắc nhở. Ngày 10/6/2021, Bộ TN&MT đã có Văn bản số 3129/BTNMT-TNN gửi UBND tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các Sở, ban ngành khẩn trương rà soát, lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp để phê duyệt, công bố.

    Mới đây, ngày 24/3, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã ký văn bản số 1493/BTNMT-TNN gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đôn đốc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp; danh mục nguồn nước nội tỉnh và danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ phục vụ công tác lập quy hoạch cấp tỉnh.

    Bộ TN&MT thấy rằng, hiện nay, vấn đề đảm bảo an ninh tài nguyên nước và bảo vệ tài nguyên nước đang được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Tuy nhiên, một số địa phương, công tác bảo vệ, phát triển tài nguyên nước còn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa được quan tâm, chú trọng, đặc biệt là trong quá trình xây dựng quy hoạch cấp tỉnh. Tình trạng san lấp hồ ao, kè bờ, lấn sông, cải tạo cảnh quan, lấn chiếm, sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đang diễn ra ngày càng phổ biến, phức tạp và chưa được kiểm soát chặt chẽ.

    Ngoài việc gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh rạch, hồ chứa dẫn đến việc các nguồn nước ngày càng bị suy thoái, cạn kiệt, giảm khả năng cấp nước cho dân sinh, các hoạt động phát triển kinh tế -xã hội, gia tăng tình trạng ngập, úng, giảm khả năng trữ nước mưa... ảnh hưởng đến các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, tín ngưỡng,..

    Vì vậy, để đẩy mạnh công tác quan trọng này, Bộ TN&MT đề nghị UBND tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo, thực hiện đôn đốc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp; danh mục nguồn nước nội tỉnh và danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ phục vụ công tác lập quy hoạch cấp tỉnh.

    Việc sớm phê duyệt, ban hành các danh mục nêu trên nhằm tuân thủ các quy định về quản lý tài nguyên nước, trách nhiệm điều phối giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, đồng thời là cơ sở quan trọng trong việc tổ chức, lập quy hoạch vùng, tỉnh, đặc biệt liên quan đến phần đất có mặt nước, đất hành lang sông hồ để bảo vệ nguồn nước, đất có hồ ao thuộc danh mục cấm san lấp và phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra theo quy định của pháp luật về Quy hoạch.

    Lo ngại mất không gian xanh

    PGS.TS Đào Trọng Tứ, Trưởng Ban điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, hồ tự nhiên rất quý bởi diện tích mặt nước ngày một thu hẹp do lấn chiếm, đô thị hóa trong nhiều năm qua.

    Do vậy, không nên lấy lý do này lý do khác để lý giải, làm sai lệch đi chức năng của hồ tự nhiên. “Nếu hồ tự nhiên mà không chống ngập, điều hòa nguồn nước thì để làm gì?” ông Tứ đặt câu hỏi và nói rằng nhân dân sống cạnh hồ là những người cảm nhận rõ nhất chức năng hồ đã điều hòa nguồn nước, chống ngập ra sao.

    “Lấp hồ tự nhiên là một cách đánh đổi có hại cho môi trường cảnh quan, chứ không phải là báo động nữa. Bởi hồ tự nhiên đã lấp thì sẽ mất luôn, không bao giờ có thể khôi phục được. Chúng ta đã có rất nhiều bài học...,” ông Tứ chia sẻ thêm.

    Cũng cho ý kiến về vấn đề này, TS.Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đưa ra quan điểm không đồng tình với việc lấp hồ: “Tôi được biết đến nay Hà Nội đã có nhiều lần quy hoạch về không gian hồ nước, gần đây nhất là năm 2016. Qua các quy hoạch đều xác định cần giữ lại hồ tự nhiên, nhiều hồ còn tiếp tục được khơi thông tạo độ sâu mới để đảm bảo điều tiết nước mưa, chống ngập úng.”

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết “Ì ạch” lập danh mục ao hồ không được san lấp: Bộ TN&MT chỉ đạo “nóng". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới