Chủ nhật, 24/11/2024 05:24 (GMT+7)
Thứ hai, 06/12/2021 11:00 (GMT+7)

Indonesia liên tục hứng chịu thiên tai

Theo dõi KTMT trên

Indonesia liên tục xảy ra những thiên tai được đánh giá là do tác động của biến đổi khí hậu. Gần đây nhất là núi lửa Semeru phun trào và trận động đất diễn ra ngày 5/12.

Núi lửa Semeru phun trào

Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia (BNPB) ngày 5/12 cho biết ít nhất 13 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương sau khi núi lửa Semeru trên đảo Java của Indonesia phun trào trở lại.

Trước đó 1 ngày, núi lửa Semeru - ngọn núi cao nhất trên đảo Java, đã phun cột tro bụi và khí nóng bao phủ các ngôi làng xung quanh, khiến người dân hoảng loạn sơ tán. 

Quan chức BNPB Abdul Muhari cho biết 13 người đã thiệt mạng với danh tính của 2 người đã được xác định.

Indonesia liên tục hứng chịu thiên tai - Ảnh 1
Núi lửa Semeru phun trào. (Ảnh: An ninh Thủ đô)

98 người bị thương, trong đó có 2 người phụ nữ mang thai. Lực lượng chức năng cũng đã sơ tán được tổng cộng 902 người. Trong khi đó, giới chức địa phương cho biết nhiều người khai thác cát đã bị mắc kẹt tại nơi làm việc và đã có ít nhất 41 người bị bỏng nặng.

Vụ phun trào cũng đã phá hủy nhiều tòa nhà và cây cầu quan trọng nối 2 khu vực của huyện Lumajang với thành phố Malang. Do đó, việc tiếp cận của lực lượng cứu hộ tới các khu vực ảnh hưởng đang gặp nhiều khó khăn.

Theo Cơ quan Địa vật lý và Khí tượng Indonesia, các hình ảnh vệ tinh cho thấy tro của núi lửa đã lan ra Ấn Độ Dương ở khu vực phía Nam đảo Java.

Núi lửa Semeru, cao hơn 3.600 m, là một trong gần 130 ngọn núi lửa đang hoạt động ở Indonesia. Núi lửa này đã từng phun trào vào tháng 1 năm nay, không gây thương vong song khiến hàng nghìn người cũng đã phải sơ tán.

Trận động đất ngày 5/12

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) thông báo sáng 5/12, một trận động đất có độ lớn 6,0 đã xảy ra ở khu vực cách thị trấn Tobelo của Indonesia 259 km về phía Bắc.

Indonesia liên tục hứng chịu thiên tai - Ảnh 2
Những trận động đất gây nhiều thiệt hại cho Indonesia. (Ảnh: 24H)

USGS cho biết tâm chấn của trận động đất nằm ở độ sâu 174,26 km, ban đầu được xác định có tọa độ 4,0681 vĩ Bắc và 128,1359 độ kinh Đông. Trong khi đó, theo Trung tâm Địa chấn học châu Âu - Địa Trung Hải (EMSC), tâm chấn của trận động đất ở độ sâu 151 km. Trận động đất không có khả năng gây ra sóng thần.

Vì sao Indonesia xảy ra nhiều trận động đất?

Vành đai lửa Thái Bình Dương là vòng cung kéo dài 40.000 km nơi phần lớn vụ động đất xảy ra trên Thế giới. Đây là nơi các mảng địa chất dịch chuyển nhiều nhất trên hành tinh, từ Nhật Bản kéo dài xuống Indonesia ở bờ Tây Thái Bình Dương. Còn ở bờ Đông của đại dương này, vành đai lửa áp sát dọc từ bang California (Mỹ) kéo xuống khu vực Nam Mỹ.

CNN dẫn lời nhà khí tượng học - Allison Chinchar giải thích các mảng kiến tạo không ngừng dịch chuyển, nôm na là bề mặt trái đất bên dưới những khu vực này liên tục thay đổi, dịch chuyển bên trên lớp mắc ma nóng chảy bên dưới. Chúng có thể va vào nhau hay tách khỏi nhau, trượt lên nhau và mỗi lần như vậy sẽ gây động đất và núi lửa phun. Lực va chạm giữa 2 mảng kiến tạo nếu xảy ra dưới lòng biển sẽ đẩy các tầng nước trồi lên trên gây ra những đợt sóng thần. Đất luôn dịch chuyển bên dưới, các tầng địa chất không ổn định khiến động đất xảy ra như cơm bữa ở Indonesia.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Indonesia liên tục hứng chịu thiên tai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới