Chủ nhật, 24/11/2024 08:26 (GMT+7)
Thứ tư, 10/08/2022 06:50 (GMT+7)

Kế hoạch đấu giá lại 4 lô đất Thủ Thiêm: Vẫn trình tự, thủ tục cũ?

Theo dõi KTMT trên

Giám đốc Sở KT&MT TP.HCM cho biết, kế hoạch đấu giá lại 4 lô đất Thủ Thiêm bị bỏ cọc vẫn dựa trên trình tự, thủ tục hiện hành. Nếu tiếp tục tái diễn tình trạng doanh nghiệp bỏ cọc như đợt trước đã có quy định đã đưa ra.

"Doanh nghiệp đưa ra giá nào và giá cao sẽ trúng đấu giá"

Ngày 9/8/2022, bên lề hội nghị "Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố", Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng thông tin với báo chí, hiện nay các sở, ngành của TP.HCM đang báo cáo UBND TP.HCM để phê duyệt kế hoạch, sau đó sẽ công khai tiến độ và đưa ra đấu giá lại các lô đất tại Thủ Thiêm.

Theo ông Thắng, qua đợt đấu giá tại Thủ Thiêm, TP.HCM đã chỉ đạo rà soát để xây dựng một kế hoạch, có phương án cụ thể và lộ trình đấu giá cũng như kiểm tra trình tự, thủ tục một cách chặt chẽ. Điều này nhằm đảm bảo các doanh nghiệp trúng đấu giá sẽ đưa các khu đất trúng đấu giá vào sử dụng đúng theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đã đấu giá rồi thì việc doanh nghiệp đưa ra giá nào và giá cao sẽ trúng đấu giá, đó là quy định tại thời điểm này", ông Thắng cho hay.

Nhìn nhận lại đợt đấu giá vừa qua, ông Thắng cho hay thành phố làm theo đúng trình tự thủ tục và khi nào trình tự, thủ tục có thay đổi thì thành phố mới thay đổi.

Kế hoạch đấu giá lại 4 lô đất Thủ Thiêm: Vẫn trình tự, thủ tục cũ? - Ảnh 1
4 lô đất ở Thủ Thiêm từng được đấu giá hồi cuối năm 2021 sẽ được TP.HCM lên kế hoạch đấu giá lại.

"Thành phố đã làm đúng trình tự, các cơ quan trung ương đã kiểm tra việc thực hiện và cũng khẳng định thành phố làm đúng quy trình. Còn lại một số quy trình, quy định cần phải điều chỉnh cho chặt chẽ thì đến khi nào các cơ quan ban hành, thành phố sẽ thực hiện", ông Thắng nói.

Nói về lo ngại với quy trình cũ sẽ tái diễn tình trạng đấu giá cao, bỏ cọc như đã từng xảy ra, ông Thắng cho hay, việc xử lý đã có quy định và đây là những giả định, các cơ quan cũng không thể làm khác khi các quy định pháp luật chưa thay đổi. "TP.HCM là cơ quan thực thi nên Thành phố phải thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật. Tôi thấy pháp luật đã quy định rõ ràng, đơn vị nào bỏ cọc thì thu hồi số tiền đặt cọc", ông Thắng nói.

Trước đó, tháng 12/2021, 4 lô đất với diện tích 30.014 m2 ở Thủ Thiêm được UBND TP.HCM đưa ra đấu giá. Có 4 doanh nghiệp trúng đấu giá với tổng số tiền lên tới 37.346 tỉ đồng.

4 công ty trúng đấu giá gồm: Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, trúng đấu giá lô đất số 3-12, có diện tích 10.059,7 m2 với giá 24.500 tỉ đồng (đây là công ty có giá cáo nhất, với hơn 2,4 tỉ đồng/m2). Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh nhà thương mại Bình Minh, lô số 3-9, diện tích 5.009,1 m2, giá 5.026 tỉ đồng. Công ty Cổ phần Sheen Mega lô số 3-8, diện tích 8.500 m2, giá 4.000 tỉ đồng và Công ty Cổ phần Dream Repubic lô số 3-5, diện tích 6.446 m2, giá 3.820 tỉ đồng.

Ngày 17/12/2021, đại diện các công ty trên ký kết hợp đồng với các cơ quan chức năng TPHCM, gồm 3 bên, 4 công ty trúng đấu giá, Trung tâm Phát triển Quỹ đất TPHCM và Trung tâm Dịch vụ Đấu giá tài sản TPHCM. Buổi ký kết diễn ra có phần long trọng, tặng hoa và nhiều lời tán dương, khen ngợi.

Theo quy định, 30 ngày sau, cơ quan thuế sẽ ra thông báo và 4 công ty trúng thầu nêu trên phải nộp 50% giá trúng thầu vào tài khoản của ngân sách Nhà nước và 60 ngày tiếp theo phải thanh toán đủ số tiền còn lại. Thế nhưng, 2 công ty thì bỏ cọc đấu thầu, còn lại 2 công ty cơ quan thuế kiểm tra tài khoản ngân hàng thì đều... không có tiền.

Cụ thể, tháng 1/2022, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá lô đất 3-12 với số tiền 24.500 tỉ đồng, chấp nhận bỏ cọc số tiền 600 tỉ đồng. Một tháng sau đó, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh đã có văn bản xin bỏ cọc lô đất 3-9 trị giá 5.026 tỉ đồng.

Đến tháng 7/2022, thời hạn cuối cùng của 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm là Công ty Cổ phần Dream Republic và Công ty Cổ phần Sheen Mega nộp tiền nhưng 2 đơn vị này vẫn không nộp nên mất cọc do hợp đồng bị hủy.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi mới đây cũng cho biết sau thời điểm hai doanh nghiệp đấu giá đất Thủ Thiêm quá hạn 180 ngày, địa phương đã giao các sở ngành chuyên môn tham mưu về việc hủy kết quả trúng đấu giá.

Khi có quyết định thu hồi quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá, Cục Thuế TP.HCM sẽ thu hồi thông báo tiền sử dụng đất, thông báo lệ phí trước bạ đối với các khu đất nêu trên.

Vá lỗ hổng trong đấu giá đất thế nào?

Sự kiện trúng đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm với số tiền lớn sau đó các doanh nghiệp trúng đấu giá bỏ cọc, không nộp tiền đã khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn, cho rằng các doanh nghiệp đang lợi dụng kẽ hở trong đấu giá để thổi giá đất, trục lợi.

Kế hoạch đấu giá lại 4 lô đất Thủ Thiêm: Vẫn trình tự, thủ tục cũ? - Ảnh 2
 Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh: Trục lợi đấu giá đất diễn ra phổ biến ở nhiều nơi.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng hồi tháng 2/2022, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận định hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất, rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường, mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá, thu lợi bất chính đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi, một số vụ việc có tổ chức.

Kết quả trúng đấu giá đất cao gấp nhiều lần giá khởi điểm đã tác động đến thị trường bất động sản khu vực. Với trường hợp đấu giá đất vàng Thủ Thiêm, kết quả trúng đấu giá 4 lô đất đã tác động đến mặt bằng giá đất, nhà ở, thị trường bất động sản khu vực Thủ Thiêm.

Để chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất tại các địa phương, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng giao các bộ Tài nguyên và môi trường, Tư pháp, Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về đấu giá đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đấu giá, trục lợi trong đấu giá đất.

Chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền đấu giá đất để đảm bảo an toàn tín dụng.

Nghiên cứu, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành theo hướng quy định thống nhất hình thức, trình tự, thủ tục trong tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất.

Bổ sung quy định về số tiền đặt trước khi tham gia đấu giá và số tiền đảm bảo thực hiện hợp đồng khi trúng đấu giá, đồng thời quy định rõ thời hạn người, tổ chức trúng đấu giá phải nộp đủ số tiền trúng đấu giá để hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá đất để đầu cơ, "thổi giá" đất.

Trong khi đó, TS Nguyễn Hữu Nguyên - Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, cho rằng cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở Thủ Thiêm không thành công thời gian qua là một bài học lớn và cần rút ra kinh nghiệm. Vấn đề quan trọng nhất là tiền ở đâu mà các nhà đầu tư tham gia đấu giá?

Theo ông Nguyên, ai cũng hiểu thuận mua vừa bán. Mua được thì bán ra phải có lời, chẳng ai mua cái gì đó rồi bán ra lỗ vốn cả. Ngay cả người bán ve chai cũng tính toán mua đi bán lại có lời. Vậy các nhà đầu tư đưa ra giá khủng thì phải đi tìm mục đích của người đưa giá thật cao để làm gì? Chắc chắn là không thể để bán có lời!

TS Nguyễn Thanh Hải - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, nhận định: Việc tham gia đấu thầu với giá cao và sau đó bỏ cọc có thể là một kế hoạch đã được nhà đầu tư tính toán trước. Có những kẽ hở trong quy định như mức đặt cọc quá thấp, nếu bỏ cọc thì chỉ bị mất cọc thôi chứ chưa có hình thức chế tài nào khác. Nhà nước cần sửa đổi quy định để vá các lỗ hổng này, đừng để nhà đầu tư đưa cơ quan quản lý vào tình thế bất ngờ.

Bà Phạm Thị Bình - Giám đốc Công ty thẩm định giá Hoàng Gia, chỉ rõ: Một trong những lỗ hổng cần phải khắc phục ngay là việc tra xét năng lực triển khai dự án và năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá. Bên cạnh quy định bắt buộc số tiền đặt cọc 20% giá khởi điểm, còn phải yêu cầu doanh nghiệp chứng minh năng lực tài chính khi trúng giá; Xem xét quá trình hoạt động, triển khai các dự án mà doanh nghiệp đó đã đầu tư để đánh giá chính xác tiềm lực của họ.

Thực tế cho thấy, các nội dung này hoàn toàn chưa được đề cập tới, dẫn đến tình trạng có những doanh nghiệp mới vừa được thành lập cách đó vài tháng, vốn chỉ vài trăm tỉ đồng nhưng tham gia đấu giá đất lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Ban chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Nghị quyết 18-NQ/TW đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp nổi bật là, thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua ĐGQSDĐ, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định cụ thể về ĐGQSDĐ, đấu thầu dự án có sử dụng đất; hạn chế và quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua ĐGQSDĐ, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Từ Nghị quyết 18-NQ/TW, có thể thấy rằng chế định ĐGQSDĐ sẽ là nội dung trọng tâm trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Bộ TN&MT chủ trì soạn thảo (dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tháng 10/2022).

Th.S Nguyễn Văn Đỉnh - chuyên gia pháp lý bất động sản cho rằng, Bộ TN&MT cũng đang chủ trì soạn Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai trong đó bổ sung Điều 17a Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định về ĐGQSDĐ.

Dự thảo bổ sung Điều 17a vào Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, quy định về ĐGQSDĐ. Theo đó, Bộ TNMT đề xuất tổ chức tham gia đấu giá đất phải đáp ứng yêu cầu về năng lực tài chính (vốn sở hữu) cũng như năng lực kinh nghiệm để thực hiện dự án. Dự thảo cũng quy định tổ chức phải nộp tiền đặt trước tối thiểu là 20% giá khởi điểm của lô đất nhằm tránh việc tiền đặt trước quá thấp khiến doanh nghiệp trả giá cao rồi “bỏ cọc”.

Cũng theo Dự thảo, tổ chức tham gia đấu giá sẽ phải bồi thường 50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá nếu tự ý hủy kết quả trúng đấu giá không có lý do chính đáng.

Như vậy, theo Th.S Nguyễn Văn Đỉnh, nếu Nghị định được ban hành thì trường hợp doanh nghiệp bỏ giá cao rồi tự ý “bỏ cọc” như ở Thủ Thiêm sẽ mất toàn bộ tiền đặt trước (tối thiểu 20% giá khởi điểm của lô đất) và chịu phạt thêm 50% giá đã trả. “Đây là chế tài hết sức nặng nề, đòi hỏi doanh nghiệp phải hết sức thận trọng khi tham gia đấu giá đất. Sự việc xảy ra với cuộc đấu giá các lô đất ở Thủ Thiêm khó tái diễn”, vị này nhấn mạnh.

Ngọc Lan

Bạn đang đọc bài viết Kế hoạch đấu giá lại 4 lô đất Thủ Thiêm: Vẫn trình tự, thủ tục cũ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới