Chủ nhật, 24/11/2024 07:47 (GMT+7)
Thứ bảy, 22/10/2022 07:15 (GMT+7)

Kế thừa và phát triển hiệu quả di sản tốt đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo dõi KTMT trên

Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định: “Cách tốt nhất để tưởng nhớ di sản nhân văn của Hồ Chí Minh là tiếp tục hợp tác để bảo vệ giáo dục, văn hóa và di sản như là giá trị chung của nhân loại".

Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Những dòng đánh giá trên được trích trong Nghị quyết số 24C/18.65 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) năm 1987 về việc kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng Giải phóng dân tộc, Nhà Văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.

Kế thừa và phát triển hiệu quả di sản tốt đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh 1
Quang cảnh hội thảo Di sản Hồ Chí Minh đối với nhân loại. (Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân)

Nhìn lại lịch sử, năm 1987, Việt Nam đang bắt đầu tiến hành công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước. Việc UNESCO ra Nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào thời điểm đất nước Việt Nam đứng trước vô vàn khó khăn, thử thách, có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Đó thực sự là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần lớn lao của bạn bè quốc tế, tiếp thêm sức mạnh để cả dân tộc Việt Nam quyết tâm, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Sau 35 năm, một lễ kỷ niệm trọng thể đã diễn ra tại Hà Nội với chuỗi các hoạt động míttinh, lễ ra mắt sách “Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh,” Triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp” và Hội thảo quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh đối với nhân loại” để tái khẳng định làm rõ hơn những giá trị to lớn di sản mà Người để lại cho dân tộc và thế giới.

Tham dự sự kiện có các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam cùng Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, hơn 30 Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

Sự kiện đã thu hút sự tham dự của hơn 200 đại biểu gồm các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (tham gia trực tuyến); các nhân chứng lịch sử, chuyên gia, nhà nghiên cứu uy tín về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong và ngoài nước cùng 94 Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.

Tại các hoạt động trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, các đại biểu đã khẳng định đối với nhân dân thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là "Anh hùng Giải phóng dân tộc," đã truyền cảm hứng, cổ vũ cho các dân tộc bị áp bức, khát khao tự do và đứng lên đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới, mà Người còn là "Nhà văn hóa kiệt xuất.”

Người là hiện thân sinh động về việc coi trọng, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc, tôn trọng sự khác biệt, đa dạng và thúc đẩy sự hiểu biết, đoàn kết.

Tôn vinh Hồ Chí Minh - tôn vinh di sản văn hóa của Người

Bày tỏ niềm vinh hạnh được có mặt tại Việt Nam đúng dịp kỷ niệm 35 năm UNESCO thông qua Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nhấn mạnh trích dẫn Nghị quyết của UNESCO về lý tưởng của Hồ Chí Minh đã thể hiện khát vọng của cả dân tộc trong việc khẳng định bản sắc văn hóa cũng như thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau.

Tổng Giám đốc UNESCO cho rằng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người khai sinh nước Việt Nam độc lập, mà ảnh hưởng của Người còn vươn xa ra ngoài biên giới đất nước". Bởi trong suốt cuộc đời mình, Người đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ và liên tục với nhiều nền văn hóa khác nhau.

Theo Tổng Giám đốc UNESCO, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa giáo dục, văn hóa, những giá trị nền tảng của UNESCO, trở thành trọng tâm trong cuộc đời cũng như sự nghiệp chính trị của mình. Với UNESCO, giáo dục, văn hóa chính là trụ cột của một nền độc lập và giải phóng phụ nữ.

Về mặt này, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một tầm nhìn sâu rộng và đúng đắn. Người đã chống lại những định kiến về giới, luôn nỗ lực để bảo đảm phụ nữ được đi học. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật, phụ nữ được hưởng mọi quyền bình đẳng với nam giới về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, gia đình…

Rất nhiều bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện cho lý tưởng này. “Những Di sản của Hồ Chí Minh chắc chắn đã đóng góp vào một Việt Nam hiện đại hiện nay, rất coi trọng văn hóa, giáo dục trong những chính sách phát triển của mình, như tôi đã được chứng kiến trong chuyến thăm…” - Tổng Giám đốc UNESCO chia sẻ.

Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định: “Cách tốt nhất để tưởng nhớ di sản nhân văn của Hồ Chí Minh là tiếp tục hợp tác để bảo vệ giáo dục, văn hóa và di sản như là giá trị chung của nhân loại".

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mẫu mực điển hình

Nhấn mạnh Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng thân thiết, núi liền núi, sông liền sông, như một lẽ tự nhiên, nhân dân hai nước đã có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó từ lâu đời, Phó Đại sứ Lào tại Việt Nam Chanthaphone Khammanichanh cho rằng, cùng với Hoàng thân Souphanouvong, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng nền móng, vun đắp cho tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt Việt - Lào trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng hiếm có trên thế giới.

Kế thừa và phát triển hiệu quả di sản tốt đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh 2
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với Trưởng đoàn đại biểu Đảng và Mặt trận Lào yêu nước Kaysone Phomvihane sang thăm hữu nghị Việt Nam (1966). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

“Theo dòng chảy của lịch sử, nhiều sự kiện đã trôi dần vào quá khứ, nhưng tình cảm sâu đậm mà người dân Lào dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên vẹn, còn mãi với thời gian. Người đã trở thành biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị Việt-Lào”, Phó Đại sứ Lào tại Việt Nam chia sẻ.

Theo Phó Đại sứ Chanthaphone Khammanichanh, trên đất nước Lào đã hình thành các khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh do người dân đóng góp. Một trong số đó là Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Xiềng Vang, huyện Nong Bok, tỉnh Khammouane, cách thủ đô Vientiane gần 400km, được xây dựng năm 2010 và khánh thành vào tháng 12/2012 nhân kỷ niệm “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào 2012”.

Phó Đại sứ Chanthaphone Khammanichanh cho biết "không chỉ người dân Việt Nam, những người dân nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào chúng tôi đều dành tình cảm quý trọng đặc biệt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ bày tỏ tình cảm bằng cách treo ảnh của lãnh tụ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của nhân dân Việt Nam tại chỗ trang trọng nhất trong nhà của mình".

Các nhà lãnh đạo đất nước Lào từng có dịp gặp gỡ Người đều khẳng định rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mẫu mực điển hình phấn đấu cho sự phát triển tình đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc, kết hợp một cách nhuần nhuyễn, tài tình chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân.

Di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lĩnh vực quân sự

Đề cập đến di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lĩnh vực quân sự, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Vladimir N. Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, Trưởng tổ bộ môn Lịch sử các nước Viễn Đông, Khoa Phương Đông, Đại học Quốc gia St.Petersburg ( Liên bang Nga) nhấn mạnh tên tuổi Hồ Chí Minh, không nghi ngờ gì, là một trong những vị Anh hùng dân tộc. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Hồ Chí Minh là làm sao tìm ra được chiến lược bảo vệ đất nước. Để thực hiện nhiệm vụ này, Người đã nghiên cứu, hiện đại hóa giới quân sự Việt Nam.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Vladimir N. Kolotov, “ Di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung trong lĩnh vực quân sự là một trong những đề tài hết sức hấp dẫn và quan trọng".

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu các nguyên lý của binh pháp và truyền đạt lại những kiến thức này cho các thế hệ lãnh đạo Việt Nam để họ biết cách dựa vào tình hình thực tế lập kế hoạch chiến lược, biết cách dự đoán kết quả của cuộc chiến tranh tương lai.

“Hồ Chí Minh tin tưởng vào chiến thắng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Qua những trang viết này, Người truyền niềm tin và kiến thức chiến thắng đến các chiến sĩ, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và toàn dân tộc. Như vậy, chiến lược dùng "binh pháp'"chống Pháp đã thành công”, “Bài học Việt Nam vẫn còn mang tính thời sự trong thế giới của vũ khí chính xác cao hiện nay, của công nghệ thông tin và những siêu máy tính” - Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Vladimir N. Kolotov khẳng định.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản vô cùng quý báu, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thể hiện trên nhiều lĩnh vực đa dạng. Đây là tài sản quý báu không chỉ của dân tộc ta, mà còn của toàn thể nhân dân tiến bộ yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Đối với nhân dân thế giới, Hồ Chí Minh là Việt Nam và Việt Nam là Hồ Chí Minh. Do đó, như Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam nhấn mạnh trong tham luận tại Hội thảo quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh đối với nhân loại”: “Lan tỏa giá trị di sản Hồ Chí Minh là một trong những phương thức hiệu quả nhất để quảng bá, giới thiệu đất nước, con người, lịch sử, văn hóa Việt Nam với nhân dân thế giới".

Theo TTXVN/Vietnam+

Bạn đang đọc bài viết Kế thừa và phát triển hiệu quả di sản tốt đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới