Chủ nhật, 24/11/2024 06:34 (GMT+7)
Thứ sáu, 11/11/2022 15:44 (GMT+7)

Khai mạc Tuần lễ Nước Việt Nam 2022

Theo dõi KTMT trên

Tuần lễ Nước Việt Nam 2022 (Vietnam Water Week 2022) đã chính thức được khai mạc vào sáng 10/11 do Hội Cấp thoát nước Việt Nam chủ trì tổ chức, với sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Cổng thông tin Điện tử Chính phủ.

Tuần lễ Nước Việt Nam 2022 gồm 2 hội thảo chuyên đề và triển lãm trưng bày các tiến bộ công nghệ ngành nước Việt Nam và quốc tế...

Khai mạc Tuần lễ Nước Việt Nam 2022 - Ảnh 1
Các đại biểu cắt băng khai mạc Tuần lễ Nước Việt Nam 2022.

Trong đó, hội thảo “Chính sách ngành nước – Phát triển bền vững” tập trung vào các vấn đề của chính sách ngành nước đang quan tâm, liên quan đến việc xây dựng Luật Cấp thoát nước, chuyển đổi số ngành nước, mô hình PPP trong đầu tư ngành nước...

Hội thảo “Biến đổi khí hậu – An ninh nguồn nước – Cấp nước an toàn” chia sẻ các kết quả và kinh nghiệm trong triển khai thực hiện, cũng như giới thiệu một số tiến bộ kỹ thuật của ngành nước trong nước và quốc tế.

Tại triển lãm trưng bày quy mô 40 gian hàng, các doanh nghiệp giới thiệu các thiết bị công nghệ, tiến bộ công nghệ ngành nước của Việt Nam và quốc tế.

Phát biểu khai mạc Tuần lễ Nước Việt Nam 2022, ông Nguyễn Ngọc Điệp – Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết: Vấn đề an ninh an toàn trong hoạt động ngành nước là một trong những nhân tố quan trọng gắn với giảm đói nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhân dân, làm nền tảng cho các mục tiêu phát triển khác của mỗi Quốc gia.

Khai mạc Tuần lễ Nước Việt Nam 2022 - Ảnh 2
Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp phát biểu tại lễ khai mạc.

Cùng với các khó khăn chung của các nước, ngành Nước Việt Nam còn có nhiều thách thức riêng như: Thể chế chính sách chưa được hoàn thiện (đến nay Việt Nam chưa ban hành Luật Cấp thoát nước); Việc đảm bảo thực hiện cấp nước an toàn cho cả khu vực đô thị và nông thôn; Vấn đề thoát nước và xử lý nước thải còn đạt ở mức quá thấp đến nay mới 15% nước thải được xử lý; Vấn đề ngập lụt ở các đô thị lớn…

Để giải quyết những khó khăn thách thức, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực trong việc hoàn thiện thể chế chính sách thông qua ban hành và bổ sung chỉnh sửa nhiều luật liên quan đến ngành nước như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Luật PPP…, góp phần thu hút các nguồn lực cho đầu tư, nâng cao năng lực chất lượng nguồn nhân lực, áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực cấp thoát nước và xử lý nước thải.

Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác quốc tế cũng được tăng cường bằng nhiều hình thức đa dạng, nhằm tranh thủ sự hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm từ Quốc tế.

Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Điệp cũng cho rằng: Để đạt được các mục tiêu Chính phủ đặt ra, các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến 2030 và giải quyết những thách thức nêu trên, ngành Nước Việt Nam cần phải nỗ lực rất nhiều trong thời gian tới.

“Tuần lễ Nước Việt Nam 2022 thực sự là cơ hội để các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nghiệp ngành nước trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, cùng đưa ra các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp có tính lâu dài, thích ứng được với những tác động bất lợi của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu… Đặc biệt là đóng góp ý kiến, kinh nghiệm xây dựng thể chế chính sách, xây dựng Luật Cấp Thoát nước, cũng như định hướng chính sách phù hợp để giúp cho Việt nam cùng các nước sớm đạt được mục tiêu phát triển của Liên hợp Quốc đến 2030 về đảm bảo cung cấp nước và vệ sinh, hướng tới sự phát triển Ngành nước một cách bền vững trong tương lai” – ông Nguyễn Ngọc Điệp nhận định.

Khai mạc Tuần lễ Nước Việt Nam 2022 - Ảnh 3
Tuần lễ Nước Việt Nam 2022 thu hút sự quan tâm của đông đảo những người đang tham gia hành động trong lĩnh vực cấp và thoát nước.

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện nay, Việt Nam có trên 750 nhà máy nước sạch phục vụ đô thị và nông thôn phụ cận với tổng công suất là 11,6 triệu m3/ngày đêm. Tỉ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch 92%, tỉ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm còn khoảng 17,2%.

Tuy nhiên về thoát nước và xử lý nước thải, cả nước mới có khoảng 71 nhà máy xử lý nước thải tập trung đã đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế khoảng 1,38 triệu m3/ngày; tỉ lệ thu gom xử lý nước thải sinh hoạt đô thị chỉ đạt khoảng 15%. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, hạn hán thiên tai và xâm nhập mặn, cùng với việc gia tăng dân số và tốc độ đô thị hóa tăng nhanh đã tác động không nhỏ đến sự phát triển của ngành nước ở Việt Nam. Do đó, việc giải quyết bài toán an ninh, an toàn cấp nước, tình trạng ngập úng đô thị và vấn đề xử lý nước thải là những thách thức đối với ngành nước Việt Nam.

Để giải bài toán này,  bà Mai Thị Liên Hương mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về cấp, thoát nước, ban hành cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống cấp thoát nước, bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt là các cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp với Bộ Xây dựngtập trung xây dựng Luật Cấp thoát nước trình Quốc hội thông qua trước năm 2025.

Đồng thời ngành cấp thoát nước, đặc biệt là Hội Cấp thoát nước Việt Nam và các hội viên tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế về việc chia sẻ kinh nghiệp quản lý ngành nước cũng như nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ về vật tư, vật liệu, thiết bị ngành nước. Các doanh nghiệp trong ngành cấp thoát nước thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiến tiến, thân thiện với môi trường trong hoạt động xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống cấp thoát nước, góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên nước, thích ứng biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững.

Nhân Tuần lễ Nước Việt Nam và nhằm hướng tới phát triển lĩnh vực cấp thoát nước bền vững, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật đề nghị: Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về cấp, thoát nước; Ban hành cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống cấp thoát nước, bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Các cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp với Bộ Xây dựng tập trung xây dựng Luật Cấp thoát nước, trình Quốc hội thông qua trước năm 2025.

Các doanh nghiệp trong ngành cấp thoát nước tiếp tục quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ tiến tiến, thân thiện với môi trường trong hoạt động xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống cấp thoát nước, góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên nước, thích ứng biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững.

Ngành cấp thoát nước, Hội Cấp thoát nước Việt Nam và các hội viên tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệp quản lý ngành nước cũng như nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ về vật tư, vật liệu, thiết bị ngành nước...

Trước đó, ngày 09/11, Triển lãm trưng bày Vietwater 2022 đã chính thức mở cửa, đón chào hàng nghìn lượt khách tham quan.

Tạ Nhị

Bạn đang đọc bài viết Khai mạc Tuần lễ Nước Việt Nam 2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới