Chủ nhật, 24/11/2024 07:53 (GMT+7)
    Thứ tư, 30/03/2022 17:00 (GMT+7)

    Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cao tốc Bắc - Nam

    Theo dõi KTMT trên

    Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có văn bản chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, kịp thời xử lý, tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thi công Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông.

    Tháo gỡ các vướng mắc ảnh hưởng tiến độ

    Trong các ngày gần đây, trên một số trang tin truyền thông phản ánh tình trạng giá nguyên vật liệu tăng cao; người dân cản trở máy móc vào mỏ đất khai thác vật liệu; năng lực một số nhà thầu yếu kém…  đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

    Trước thực trạng đó, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công văn số 1918/VPCP-CN ngày 29/3/2022 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thi công Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

    Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các địa phương liên quan khẩn trương kiểm tra, kịp thời xử lý, tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc theo phản ánh nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

    Được biết, Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 là công trình trọng điểm quốc gia, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, là mong mỏi của nhân dân cả nước.

    “Chưa có giai đoạn nào, Quốc hội, Chính phủ lại tập trung ý chí và quyết tâm cao để hình thành hệ thống cao tốc hoàn chỉnh, trong đó ưu tiên các dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông như hiện nay. Đối với Bộ Giao thông Vận tải cũng chưa thời kỳ nào chúng ta triển khai đầu tư một tuyến cao tốc dài đến 654 km nằm rải đều ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam.

    Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải luôn nhận thức rõ đã đến giai đoạn cần tập trung phát triển đường cao tốc. Bởi, chỉ có đường cao tốc mới có thể vận chuyển hàng hóa, hành khách một cách an toàn, thuận tiện, giúp cho kinh tế các địa phương nói riêng và cả nước nói chung phát triển” - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhận định.

    Thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành họp giao ban hằng tháng với các địa phương để cùng nhau giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc Dự án. Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản xong. Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết về cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác, nâng công suất khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án.

    Phó Thủ tướng giao các địa phương đã tổ chức thực hiện hiệu quả 2 nghị quyết này với mục tiêu từ nay đến cuối năm 2022 hoàn thành 361 km đường cao tốc, đưa vào khai thác, sử dụng.

    Theo nhận định của Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, "cao tốc Bắc – Nam sẽ là trục xương sống của mạng lưới giao thông quốc gia, do khả năng tiếp cận đa dạng của các đối tượng khai thác. Sự xuất hiện của cao tốc Bắc – Nam với những tiêu chuẩn của đường chất lượng cao sẽ khắc phục được hạn chế này của mạng lưới giao thông hiện nay”.

    Cao tốc Bắc - Nam đứng trước nhiều thách thức 

    Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (giai đoạn 1), hiện nay, trong 11 dự án hiện có một dự án đã hoàn thành (Cao Bồ - Mai Sơn), 7/10 dự án cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu. Trong đó, 4 dự án gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45; Cam Lộ - La Sơn; Dầu Giây - Phan Thiết; Phan Thiết - Vĩnh Hảo phải hoàn thành trong 2022.

    Trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1, hiện nay, mới chỉ có dự án Cao Bồ - Mai Sơn hoàn thành, 10 dự án còn lại đang triển khai thi công xây dựng; lũy kế khối lượng xây lắp hoàn thành đến nay khoảng 31,1% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 1,41% so với kế hoạch.

    Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 1
    Khó khăn từ giá nguyên vật liệu gia tăng đã khiến nhiều nhà thầu thi công chùng bước, ảnh hưởng tới tiến độ thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam.

    Bộ Giao thông Vận tải đã liên tục đôn đốc, yêu cầu Chủ đầu tư Dự án phải ý thức được trách nhiệm của mình đối với Dự án quan trọng của quốc gia, khẩn trương kiện toàn bộ máy quản lý, chỉ đạo các nhà thầu phải khẩn trương bố trí nhân lực, máy móc, thiết bị để triển khai thực hiện; lập tiến độ tổng thể, chi tiết kế hoạch từng tháng, từng tuần và kiểm soát tiến độ thực hiện hằng tuần đối với từng gói thầu.

    Tuy nhiên, hiện nay, khó khăn từ giá nguyên vật liệu tăng giá đã khiến nhiều nhà thầu thi công chùng bước. Và như một hệ quả tất yếu, hàng loạt mặt hàng thiết yếu cho công tác thi công cao tốc Bắc – Nam phía Đông như: vật liệu xây dựng, vật liệu nền, dịch vụ vận tải...  tăng theo giá xăng, dầu.

    Các chuyên gia dự báo, giá các loại vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022. Hoạt động sản xuất của Việt Nam liên thông với thế giới và chịu tác động trực tiếp từ các đợt tăng giá nguyên liệu nhập khẩu cũng như cung cầu tại từng thời điểm. Do đó, việc điều chỉnh tăng giá là đương nhiên. 

    Đầu tiên là giá vật liệu xây dựng. Nhiều nhà thầu tại các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 đang đứng trước nguy cơ lỗ nặng vì giá vật liệu xây dựng tăng gấp nhiều lần so với thời điểm bỏ thầu.

    Đơn cử, tại đoạn tuyến Mai Sơn – QL45, vào cuối năm 2020, giá thép xây dựng khoảng 11.000 đồng/kg thì hiện nay đã tăng gấp đôi, vào khoảng hơn 20.000 đồng/kg. Với mức trượt giá này, đa số các nhà thầu thi công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đều lỗ nặng, càng thi công càng lỗ. Nếu tính theo giá hiện tại nhà thầu sẽ lỗ khoảng 30 - 40 tỷ đồng.

    Đại diện nhà thầu nhận định, giá thép như hiện nay đã vượt quá 50% so với dự toán. Dù dự án được phép điều chỉnh giá nhưng mức điều chỉnh giá phải theo chỉ số của tỉnh, chủ yếu dao động bù giá khoảng 5 - 8%. Bởi thế, dù có được điều chỉnh cũng không thể giúp nhà thầu bù được giá thực tế.

    Hay như tại gói thầu số 3 đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, tại thời điểm ký hợp đồng, giá thép chỉ 12.121 đồng/kg, vật liệu đất 85.500 đồng/m3, cát 330.000 đồng/m3, nhựa đường 10 triệu đồng/tấn.

    Theo tính toán, giá vật liệu xây dựng từ đầu năm 2021 tới nay tăng quá nhanh, ước tính đội giá thêm 20 - 30% so với đơn giá ban đầu trong hợp đồng ký kết. Với mức trượt giá này, đa số các nhà thầu thi công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đều đang lỗ nặng.

    Giám đốc Ban QLDA Thăng Long Dương Viết Roãn cho biết, dù các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông có áp dụng hình thức hợp đồng đơn giá điều chỉnh theo chỉ số giá, trong hợp đồng cũng đã cộng dự trù trượt giá song do giá nguyên vật liệu các loại tăng quá nhanh, nên phần dự phòng không đủ bù đắp.

    “Một số loại nhiên vật liệu có mức tăng đột biến, chỉ số giá địa phương công bố chưa phản ánh đúng giá thực tế thị trường nên các nhà thầu gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ dự án” – ông Dương Viết Roãn cho hay.

    Lan Anh

    Bạn đang đọc bài viết Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cao tốc Bắc - Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới