Khánh Hòa: Độc đáo mô hình biến rác thải nhựa thành ghế đá, gạch lát đường
Sản phẩm ghế đá từ nhựa được nghiên cứu và chế tạo dựa trên công thức vụn nhựa, nylon kết hợp với xi măng, chất phụ gia. Sản phẩm này hoàn toàn thân thiện với môi trường.
Ô nhiễm từ rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa tại đại dương ngày càng trở nên đáng lo ngại, trong khi sản xuất các sản phẩm nhựa vẫn tiếp tục gia tăng. Rác thải nhựa làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của con người và sinh vật.
Tình trạng ô nhiễm nhựa lên mức đáng báo động. Hiện nay, mỗi năm cả nước thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nylon, hơn 80% số túi nylon đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.
Việt Nam đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở top đầu, với khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới.
Tính chung toàn thế giới, sản lượng nhựa từ 234 triệu tấn vào năm 2000 đã tăng lên thành 460 triệu tấn vào năm 2019. Chỉ 9% lượng nhựa thải ra được tái chế, còn lại mỗi năm có khoảng 19-23 triệu tấn rác thải nhựa được đổ ra môi trường, chủ yếu là các hồ, sông và biển. Các hạt nhựa nhỏ (Microplastic) có đường kính chỉ 5 mm – có thể lẫn vào thức ăn, nước và không khí.
Vì vậy, ước tính rằng mỗi người trên hành tinh tiêu thụ hơn 50.000 hạt nhựa mỗi năm và còn nhiều hơn nữa nếu tính đến việc hít phải hạt nhựa nhỏ trong không khí. Nhựa dùng một lần thường bị vứt bỏ hoặc đốt gây hại cho sức khỏe con người và đa dạng sinh học, đồng thời gây ô nhiễm hệ sinh thái từ đỉnh núi đến đáy đại dương.
Trước thực trạng trên, nhiều công trình khoa học công nghệ liên quan đến việc bảo vệ môi trường cũng được ra đời. Ông Nguyễn Văn Xuân, Công ty Cổ phần năng lượng Resa (sinh năm 1960, trú tại phường Phước Hòa, thành phố Nha Trang) mới đây đã tái chế thành công sản phẩm ghế đá, đá lát đường từ rác thải nhựa, nylon.
Sản phẩm ghế đá từ nhựa được ông Xuân nghiên cứu và chế tạo dựa trên công thức vụn nhựa, nylon kết hợp với xi măng, chất phụ gia. Mỗi ghế đá có thể chịu sức nặng khoảng 300 kg và hoàn toàn thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Năng lượng Resa đã nghiên cứu tái chế rác thải nhựa theo công nghệ không chất thải, có hiệu quả bước đầu trong việc tái chế rác thải nhựa lẫn bảo vệ môi trường. Với phương pháp nhiệt phân rác thải nhựa, hiện nay, công ty đã xây dựng dây chuyền chiết xuất dầu, quy mô pilot; bước đầu sản xuất ra dầu nhiệt phân từ rác nhựa.
Đối với phương pháp nhốt nhựa, quy trình xử lý đơn giản hơn. Rác nhựa được thu gom, làm sạch sơ bộ, cho vào máy băm để nghiền thành vụn nhựa. Trộn vụn nhựa với tỷ lệ thích hợp vào xi măng, phụ gia, cốt sợi, nước tạo thành hỗn hợp vữa, đổ vào khuôn và chờ đông kết cứng, làm nguội và hoàn thiện sản phẩm. Dây chuyền công nghệ chỉ đầu tư hệ thống máy băm nhựa, máy trộn, máy mài…
Đặc biệt, phương pháp này không gây ô nhiễm môi trường và có thể tái chế tất cả các loại rác nhựa. Hiện tại, phân xưởng của công ty đã làm ra rất nhiều sản phẩm, như: Bàn, ghế đá, đôn kệ, chậu kiểng, ghế đá công cộng, gạch lát, tấm bê tông giả đá làm bậc cầu thang, tấm bàn bếp, tấm ốp trang trí…
Ngoài ra, bê tông rác nhựa có thể sử dụng để làm đường tải trọng thấp, đường đi bộ, dải phân cách, kênh mương nội đồng... Mới đây, công ty phối hợp với Tỉnh đoàn lắp đặt 30 ghế đá tại Công viên bờ biển nhân dịp Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2023. Ghế đá làm từ xi măng, cát biển, nước, sợi, chất phụ gia và chất thải nhựa.
Theo tính toán của ông Xuân, để tạo nên một cái ghế đá có trọng lượng 150kg cần 50kg nhựa, giá thành bán ra khoảng 1,5 triệu đồng/cái. Giá này so với ghế đá bằng bê tông 100% sẽ rẻ hơn từ 20-30%.
Ước tính, các sản phẩm tái chế từ rác thải, nhựa nylon tồn tại trên 50 năm và hiện đang được bố trí, lắp đặt ở công viên bãi biển Nha Trang, như một cách tuyên truyền về bảo vệ môi trường đến người dân và du khách.
Việt Nam đang quản lý rác thải nhựa theo mô hình Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Đây là tập hợp nhiều công cụ chính sách hỗ trợ quản lý chất thải rắn hiệu quả. Theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất không dừng ở việc đưa sản phẩm ra thị trường mà còn mở rộng đến giai đoạn tiêu hủy nó. Mô hình này dựa trên nguyên tắc: người gây ô nhiễm phải trả tiền.
Lan Anh