Chủ nhật, 24/11/2024 09:37 (GMT+7)
Chủ nhật, 02/08/2020 08:40 (GMT+7)

Khoảng 800 triệu trẻ em có nguy cơ cao phơi nhiễm chì

Theo dõi KTMT trên

Khoảng 800 triệu trẻ em, chủ yếu ở các nước đang phát triển, sẽ có nguy cơ phơi nhiễm chì và lượng chì trong máu cao.

Cứ 3 trẻ em thì 1 trẻ có nồng độ chì trong máu cao

Theo một nghiên cứu mới đây, cứ 3 trẻ em trên khắp thế giới thì có 1 trẻ có nồng độ chì trong máu ở mức có khả năng gây tổn hại sức khỏe lâu dài nghiêm trọng.

Theo nghiên cứu, khoảng 800 triệu trẻ em và thanh thiếu niên dưới 19 tuổi có khả năng có nồng độ chì trong máu ở mức bằng hoặc trên 5 microgam mỗi decilitre (5μg/dl).

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), không có mức độ an toàn khi tiếp xúc với chì, bởi vì ngay cả ở nồng độ rất thấp, nó vẫn hoạt động như một chất độc nguy hiểm, nhưng mức độ trên 5μg/dl được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Mỹ cho là mức nguy hiểm, cần phải hành động.

Các phát hiện, từ nghiên cứu của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe, và được Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) ​​công bố ngày 30/7 đã nhấn mạnh những mối nguy hiểm đang diễn ra đối với trẻ em từ chì trong khi chì đã được loại bỏ khỏi việc sử dụng phổ biến trong xăng, sơn và ống nước trong nhiều thập kỷ.

“Đây là một con số hoàn toàn gây sốc. Chúng ta đã biết từ lâu về chất độc này (chì), nhưng chúng ta không biết nó lan rộng như thế nào và có bao nhiêu trẻ em bị ảnh hưởng”, ông Nicholas Rees, chuyên gia chính sách tại UNICEF ​​- tác giả của nghiên cứu cho biết.

Chì là một chất độc thần kinh mạnh và nếu phơi nhiễm cao có thể gây chết người, trong khi mức độ thấp hơn gây ra các triệu chứng từ đau đầu, buồn nôn và co giật đến chậm phát triển, khó khăn về tinh thần và rối loạn cảm xúc. Các cấp độ thấp hơn cũng có thể khiến trẻ sinh non.

Theo các nhà nghiên cứu, việc tiếp xúc ở các cấp độ được nghiên cứu có thể làm giảm khả năng nhận thức, tình trạng bạo lực gia tăng và các tác động sức khỏe lâu dài như bệnh tim mạch.

Khoảng 800 triệu trẻ em có nguy cơ cao phơi nhiễm chì - Ảnh 1
Trẻ em tị nạn Rohingya chơi ở một ống nước. Các nước kém phát triển và những người thiệt thòi phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm chì không cân xứng. (Ảnh: Ed Jones/AFP)

Trẻ em rất dễ bị phơi nhiễm chì vì nó gây tổn hại cho não bộ và hệ thần kinh đang phát triển, tích tụ theo thời gian và các tác động không thể hiện ngay lập tức. Chì tương tự canxi trong xương, tích tụ trong cơ thể người và gây tổn thương cho các cơ quan quan trọng khác, bao gồm thận, tim và phổi.

Richard Fuller thuộc Pure Earth, một tổ chức phi chính phủ hợp tác với UNICEF ​​trong báo cáo cho biết mọi người chưa hiểu biết nhiều về thiệt hại do chì gây ra, sau các chiến dịch loại bỏ chất độc khỏi nhiều mục đích sử dụng phổ biến ở các nước phát triển cách đây nhiều thập kỷ.

“Chúng tôi đã triển khai được một công việc tuyệt vời là lấy chì ra khỏi xăng, nhưng việc sử dụng chì đã giảm dần sau những năm 1970 và 1980”, ông Fuller nhấn mạnh.

“Lượng chì trong máu ở mức 5μg/dl có thể quét sạch khoảng 3-5 điểm từ chỉ số IQ của trẻ em và ở mức được tìm thấy trong báo cáo của UNICEF ​​có thể tăng gấp đôi mức độ bạo lực trong xã hội. Nó cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, vì khoảng 900.000 ca tử vong mỗi năm có liên quan đến nhiễm độc chì” - Fuller cho biết thêm.

“Mặc dù nồng độ chì có thể nhỏ, nhưng trong dân số, thiệt hại là rất đáng kể. Điều đó cho thấy gấp đôi số người bị suy giảm trí tuệ. Đây chắc chắn không phải là một vấn đề bình thường”, ông Fuller cho hay.

Ông cho biết khoảng 30 nghiên cứu học thuật đã chỉ ra mối liên quan giữa nồng độ chì cao với những người có hành vi bạo lực.

Thải bỏ ắc quy xe hơi là nguyên nhân lớn nhất gây ngộ độc chì

Các nhà khoa học hiểu biết nhiều hơn về các nguyên nhân chì gây thiệt hại ngay cả ở nồng độ nhỏ so với trước đây. Cho đến gần đây, Mỹ đánh giá rằng mức trên 10μg/dl là một nguyên nhân gây lo ngại, nhưng đã thay đổi mức này thành 5μg/dl vào năm 2012 khi có thêm bằng chứng.

Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ngộ độc chì là việc thải bỏ ắc quy xe hơi, sử dụng chì và axit để tạo ra điện tích và chiếm 85% lượng chì được sử dụng trên toàn cầu. Khi được xử lý an toàn, chúng gây ra ít rủi ro, nhưng ở nhiều quốc gia, khoảng một nửa số ắc quy xe được tái chế mà không có biện pháp phòng ngừa an toàn.

Khi điều này xảy ra, một lượng lớn hợp chất chì và chì bị đổ ra, gây nhiễm độc cho những người tiếp xúc với các sản phẩm lỏng và rắn, và làm ô nhiễm đất trong nhiều năm.

Một nguyên nhân nữa gây ngộ độc chì là việc sử dụng các hợp chất chì, chẳng hạn như chì oxit và chì cromat, làm phụ gia thực phẩm để tạo màu sắc cho gia vị. Các hợp chất được sử dụng để làm cho nghệ có màu vàng sáng, và đôi khi được dùng cho ớt bột. Báo cáo đã tìm thấy các ví dụ về việc sử dụng hợp chất này ở Ấn Độ, Bangladesh, Georgia, Balkans, Bắc Phi và châu Phi cận Sahara.

Trẻ em ở các nước phát triển cũng có nguy cơ nhiễm độc chì, từ các nguồn bao gồm ống nước cũ, sơn chì và đất bị ô nhiễm. Ở Mỹ, trẻ em sống trong các hộ nghèo và chỗ ở dột nát đã được phát hiện có nguy cơ nhiễm chì cao hơn. Theo UNICEF, tại Anh, khoảng 200.000 trẻ em có thể bị ảnh hưởng.

Khoảng 800 triệu trẻ em có nguy cơ cao phơi nhiễm chì - Ảnh 2
Một người đàn ông ở Tegal, Indonesia sử dụng búa đập ắc quy cũ để lấy chì bên trong. Việc thải bỏ ắc quy ô tô không đúng cách là nguyên nhân chính gây ngộ độc chì. (Ảnh: Larry C Price/Pure Earth)

Hồi năm 2018, Vương quốc Anh quyết định chống lại việc tiến hành sàng lọc mức độ chì trên toàn quốc, gây khó khăn cho việc đánh giá trẻ em và người lớn có nguy cơ nhiễm chì cao nhất ở đâu và Vương quốc Anh vẫn chỉ coi mức độ trên 10μg/dl ở trẻ em và phụ nữ mang thai mới là điều đáng lo ngại. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi vào cuối năm nay.

Các công ty nước tư nhân có thể thay thế ống dẫn mà không phải trả phí, nhưng họ không có trách nhiệm phải tìm hiểu xem mọi người còn dùng ống dẫn có chì hay không, khiến nhiều người không biết về vấn đề này. Chủ nhà phải trả tiền để thay thế đường ống của gia đình họ, trong khi khoản này có thể vượt quá khả năng chi trả của một số người, hơn nữa chủ nhà không bắt buộc phải làm như vậy đối với người thuê nhà.

Ovnair Sepai, nhà nghiên cứu độc học chính tại Public Health England cho biết: “Ước tính trong báo cáo này đã được tính toán dựa trên dữ liệu từ các quốc gia khác, điều đó có nghĩa là không có khả năng phản ánh chính xác nồng độ chì trong máu ở Anh”.

Vương quốc Anh có các quy định nghiêm ngặt về chì trong thực phẩm, nước, mỹ phẩm, đồ chơi, gia vị và công nghiệp. Phơi nhiễm chì ở trẻ em đã giảm đáng kể ở Anh kể từ khi nó bị cấm trong sơn và xăng dầu, nhưng rủi ro vẫn còn, có thể ảnh hưởng đến trẻ em ở những khu vực kém phát triển.

Mai Đan

Bạn đang đọc bài viết Khoảng 800 triệu trẻ em có nguy cơ cao phơi nhiễm chì. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới