Chủ nhật, 24/11/2024 00:37 (GMT+7)
Thứ sáu, 11/10/2024 06:36 (GMT+7)

Khởi công xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia - Dù muộn nhưng vẫn đáng mừng

Theo dõi KTMT trên

Nhiều bài viết liên quan đến việc phá dỡ Khu/Trung tâm Triển lãm Giảng Võ nhìn từ nhiều khía cạnh khác nhau đã được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Môi trường điện tử.

Trong đó có các bài với tiêu đề sau:

  • Trung tâm triển lãm Giảng Võ - Nhớ và suy ngẫm về ký ức qua một vài sự kiện [1].
  • Những 'sứ mệnh' của Trung tâm Triển lãm Giảng Võ từ ngày được 'khai sinh' [2].
  • Quá trình cổ phần hóa VEFAC diễn ra như thế nào? [3].
  • Dự án Giảng Võ mới dưới góc nhìn Kinh tế Môi trường [4]
  • Ước tính mức thiệt hại kinh tế đối với các dự án “treo” (5)

Tuy nhiên vẫn xin tóm tắt lại thực trạng việc dỡ bỏ Khu Triển lãm Giảng Võ (sau đây viết tắt là KTL Giảng Võ) với quy trình rất đáng suy ngẫm: (1). Năm 1989 Nhà nước cho phép cổ phần hóa, đổi tên cơ quan chủ quản KTL Giảng Võ thành Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC). Đơn vị này còn được phép được thu kinh phí để tổ chức triển lãm, hạch toán kinh doanh và đóng các khoản thuế cho Nhà nước; (2). VEFC đã tiến hành cổ phần hóa thành công và ngay sau đó từng bước tham gia và trở thành công ty con của Tập đoàn Vingroup. Ngày 22/12/2015 mã cổ phiếu VEF của CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam đã chính thức niêm yết trên sàn Chứng khoán UPCom đồng nghĩa với việc Công ty hoàn toàn chuyển đổi từ mô hình Nhà nước sang CTCP đại chúng, có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán; (3). Công ty VEFAC nghiễm nhiên có được toàn bộ đất đai và công trình trên diện tích gần 7 ha ( 68.380 m2) ở 148 Giảng Võ. Tuy nhiên, để có thể tiến hành xây dựng các hạng mục công trình trên đất này, công ty VEFAC chịu sự ràng buộc của các quy định khi cổ phần hóa, đó là phải hoàn tất  Khu Hội chợ Triển lãm Quốc gia mới thuộc Dự án Nhật Tân - Nội Bài như một hình thức BT với khoản đầu tư ít nhất 4.000 tỷ đồng để hoàn thiện dự án này.

Tuy vậy, do các quyết định liên quan không có điều nào cấm dỡ bỏ các công trình trên đất ở 148 Giảng Võ nên trong thời gian ngắn của giai đoạn 2015- 2016 toàn bộ công trình này đã bị dỡ bỏ nhưng chưa thể thực hiện bất cứ hạng mục công trình nào cho dù sáng ngày 8 tháng 10 năm 2016 Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia đã chính thức được động thổ với tổng diện tích đất hơn 90 ha với sự có mặt của Chủ tịch Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội và Chủ tịch UBND Thành phố đương nhiệm khi ấy.

Và rồi, mọi người (trong đó có tôi) chờ đợi mãi cho đến khi các phương tiện thông tin đại chúng loan tin sáng 8/10/2024, Thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ động thổ Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia (sau đây gọi tắt là Dự án Đông Anh) với quy mô lớn nhất châu Á tại huyện Đông Anh Hà Nội với sự tham gia, phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch VinGroup Phạm Nhật Vượng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup Nguyễn Việt  Quang. Quả thật đây là tin mừng nên chúng tôi muốn xem lại những gì mình đã viết và những gì mới, khác với nhận thức trước đây về Dự án này.

Hệ quả/hậu quả của sự chậm trễ xây dựng dự án

Chúng tôi không có đủ tài liệu lý giải sự chậm trễ quá lâu của việc xây dựng Dự án Đông Anh mà đáng ra phải dự kiến hoàn thành vào quý 4 năm 2018, khi ấy các hạng mục công trình ở 148 Giảng Võ (sau đây viết tắt là Dự án Giảng Võ) sẽ được chính thức khởi công. Tuy nhiên, vì mãi tới nay Dự án Đông Anh mới được khởi công nên có thể còn phải chờ vài năm nữa mới có thể bắt đầu xây dựng Dự án Giảng Võ. Nếu vậy, có thể Dự án Giảng Võ phải “treo: thêm vài năm với “chi phí cơ hội”/mất mát không nhỏ (xem thêm [4, 5]). Phải chăng, chi phí/mất mát này có nguyên nhân trực tiếp là dỡ bỏ quá sớm các công trình Khu Triển lãm Giảng Võ (từ 2016), nếu tiếp tục các hoạt động cho đến khi đủ điều kiện thực thi Dự án Giảng Võ mới (khi Dự án Đông Anh được hoàn thành đưa vào hoạt động) thì vẫn khai thác tổ chức triển lãm được để phục vụ nhân dân Thủ đô làm vơi nỗi nhớ Triển lãm hàng năm mỗi khi Tết đến.

Thật ra không phải chỉ Dự án Giảng Võ treo khoảng chục năm mà Dự án Đông Anh cũng bị treo hoặc treo một số hạng mục từ khi động thổ (8/10/2016) đến khi khởi công (8/10/2024 – trùng cả ngày.tháng?), đúng tròn 8 năm. Liệu có ai biết được nguyên nhân chậm trễ này không, tra trên mạng chúng tôi cũng không thấy có bài viết nào liên quan.

Tuy nhiên chắc chủ đầu tư, Tập đoàn VinGroup cũng không muốn có sự chậm trễ này vì như vậy sẽ tăng tổng chi phí lên rất nhiều. Một Tập đoàn lớn như VinGroup chắc chắn phải giải bài toán này rất cẩn thận tính đến mọi chi phí đầu tư, vận hành dự án “khủng” này và những lợi ích có thể thu được khi đưa vào khai thác.

Tôi không rõ cách giải bài toán chi phí-lợi ích mà Tập đoàn này áp dụng nhưng nếu theo bài toán phổ biến thì có lẽ phải tính điểm bắt đầu (thời điểm t = 0) vào năm 2016 thay vì 2024. Và phải tính đến tuổi thọ của dự án, tính đến giá trị hệ số chiết khấu được chọn và đặc biệt là những sản phẩm dịch vụ khi đưa Dự án vào khai thác thương mại. Tổng vốn đầu tư vào dự án này đã được ước tính qua một số tài liệu chúng tôi có là khoảng 4.000 tỷ (thời giá năm 2016).

Không biết đến thời điểm khởi công dự án toàn bộ diện tích 90 ha đã giải phóng mặt bằng (GPMB) hết chưa hay vừa thi công vừa tiếp tục GPMB. Chúng ta thường thấy GPMB là “điểm nghẽn” của nhiều dự án, đặc biệt là dự án đầu tư bằng tiền ngân sách nhưng với những dự án do Tập đoàn VinGroup thực hiện thì khó mấy cũng GPMB nhanh nhất có thể. Khi thực hiện GPMB đường Vành đai 2 từ cầu Vĩnh Tuy về Ngã Tư Sở qua nhiều khu dân cư trên đường Trường Chinh, đường Minh Khai, Đại La rất ít người tin rằng có thể làm nhanh đến vậy, riêng tôi thì rất ngỡ ngàng chứng kiến người dân bàn giao diện tích nhanh và các xe chuyên dụng ào vào phá dỡ để xây dựng đường trên cao và chỉ trong thời gian ngắn đã có được con đường hiện đại này.

Vì vậy, tôi tin Tập đoàn VinGroup sẽ có cách GPMB Dự án Đông Anh nhanh nhất có thể nhưng không rõ đây có phải lý do chậm trễ khởi công hay không. Tôi cũng không rõ Nhà nước giao tích 90 ha của Dự án Đông Anh và gần 7 ha Dự án Giảng Võ theo hình thức nào. Tra trên Luật Đất đai 2024 thì chỉ có 3 loại hình giao đất là:

  1. Giao đất không thu tiền sử dụng đất (Điều 118)
  2. Giao đất có thu tiền sử dụng đất (Điều 119)
  3. Cho thuê đất (Điều 120)

Theo chúng tôi, chắc Dự án Đông Anh và Dự án Giảng Võ thuộc hai loại cuối và nhiều diện tích trong đó phải chuyển đổi mục đích sử dụng. Chúng tôi cũng không biết rõ trong số 90 ha diện tích của Dự án Đông Anh có phần diện tích trước đây trồng lúa không và nếu có thì phải thỏa mãn nhiều điều kiện và phải được cấp có thẩm quyền cho phép (theo Luật Đất đai 2024 thì đó là cấp tỉnh). Chúng tôi không biết rõ hai dự án này có theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) hay không.

Qua tìm hiểu trên mạng chúng tôi biết được, dự án BT có thể hiểu một cách đơn giản là các dự án được xây dựng và chuyển giao, hay còn được gọi là đổi đất lấy cơ sở hạ tầng. Các dự án BT đóng góp một vai trò quan trọng nhất định trong sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ hầng, hệ thống giao thông và điều kiện môi trường. Đồng thời, các dự án BT còn góp phần làm giảm gánh nặng cho ngân sách và đảm bảo cho các bên tham gia cùng có lợi.

Trong dự án BT có hai chủ thể quan trọng là Nhà nướcNhà đầu tư. Những nhà đầu tư thực hiện những dự án nhằm mục đích sinh lợi nhuận, cho nên họ sẽ tính toán rất kỹ lưỡng về những yếu tố có liên quan để tối ưu nhất những lợi nhuận mà họ có thể đạt được. Trong khi đó, Nhà nước ký kết hợp đồng BT nhằm mục đích phát triển cơ sở hạ tầng để có thể phát triển kinh tế xã hội, mục tiêu của Nhà nước là mục tiêu phi lợi nhuận với tính công ích hơn là thu lợi nhuận.

Khi dự án BT hoàn thành cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước thanh toán cho chủ đầu tư không phải bằng tiền mà bằng quyền sử dụng những lô đất (theo hợp đồng) để có thể tiếp tục thực hiện các dự án khác. Chẳng hạn, dự án đường Vành đai 2, đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở là dự án BT được TP. Hà Nội phê duyệt khoảng 9.400 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 4.194 tỷ đồng. Nếu như vậy thì VinGroup, chủ đầu tư dự án đã phải chi ra tổng tiền và được TP. Hà Nội hoàn lại bằng quỹ đất ở đâu đó để thanh lý hợp đồng.

Hà Nội có được đoạn đường trên cao hoành tráng, VinGroup có được quỹ đất (chắc phải rất lớn) để thực hiện các công trình riêng của mình, nghĩa là hai bên và nhiều bên (cả người dân) cùng có lợi. Vấn đề đặt ra đối với dự án BT là cơ sở tính tổng chi phí dự án, tính tổng quỹ đất giao cho chủ đầu tư có hợp lý không, có bị bóp méo và phát sinh tiêu cực không cần được tính đến.

Như vậy, rõ ràng chủ đầu tư các dự án BT không hề mong muốn chậm trễ khi thực hiện dự án và có đủ nguồn lực thực hiện nên các dự án có thể hoàn thành nhanh. Còn hai dự án Đông Anh và Giảng Võ bị chậm do nguyên nhân gì cũng chưa được làm rõ nhưng hậu quả/hệ quả đã thấy rõ như đã được phân tích của chúng tôi đăng trên Tạp chí Kinh tế Môi trường. Hy vọng, mọi việc đã rõ ràng, rào cản (nếu có) đã được gỡ bỏ và VinGroup có thể thực hiện nhanh Dự án Đông Anh để bắt tay xây dựng Dự án Giảng Võ hoặc thực hiện song song nếu được cho phép.

Do có sự chậm trễ nên chắc chắn đã có nhiều điều chỉnh Dự án Đông Anh từ trước năm 2016 đến 2024. Chúng tôi thấy rõ sự điều chỉnh về tổng vốn đầu tư, đã tăng gần gấp đôi (có thể do lạm phát) và đặc biệt là thiết kế cung triển lãm trong nhà.

Trước đây các báo chí đều đưa tin, thiết kế, công trình mô phỏng hình ảnh đóa hoa sen mãn khai rực rỡ, mang đặc trưng văn hóa Việt Nam và được thể hiện bằng ngôn ngữ kiến trúc của người Đức. Với quy hoạch và bố trí công năng khoa học, hiện đại, cập nhập xu hướng mới nhất của các công trình hội chợ triển lãm đẳng cấp thế giới.

Khởi công xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia - Dù muộn nhưng vẫn đáng mừng - Ảnh 1
Mô phỏng Dự án Đông Anh đến năm 2016

Hiện nay, báo chí cho biết: công trình nhà triển lãm trong nhà là tâm điểm của tổ hợp, mang hình ảnh thần Kim Quy – một trong 4 vị tứ linh linh thiêng theo văn hóa phương Đông, gắn liền với truyền thuyết thần Kim Quy bảo hộ cho mảnh đất "địa linh nhân kiệt" Cổ Loa, Đông Anh.

Khởi công xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia - Dù muộn nhưng vẫn đáng mừng - Ảnh 2
Mô phỏng công trình nhà triển lãm trong Dự án Đông Anh

Phân tích lợi ích từ hai Dự án do VinGroup là chủ đầu tư ở Đông Amh và 184 Giảng Võ

Một số lợi ích to lớn của hai dự án này đã được nhiều bài báo phân tích, đăng tải trong thời gian gần đây nên phần viết sau đây của chúng tôi sẽ đi sâu hơn một số lợi ích của 3 đối tượng: Nhà nước (cụ thể là TP. Hà Nội); Chủ đầu tư – Tập đoàn VinGroup và Người dân.

1. Lợi ích Nhà nước thu được

Sau khi Khu Triển lãm bị dỡ bỏ đã có nhiều nuối tiếc như dư luận và các phương tiện thông tin đã đề cập. Hoạt động triển lãm là hoạt động mà hầu như ngành nghề, lĩnh vực kinh tế nào cũng cần để quảng bá cho ngàng mình, cho hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ mà mình có thể cung cấp. Triển lãm là nơi người có hàng hóa, dịch vụ bán, cung cấp (bên cung) và người cần mua, cần được cung cấp có thể gặp nhau, bàn luận, thỏa thuận và đi đến thực hiện, bán, mua chuyển giao với giá cả chấp nhận được.

Ngay như ngành khoa học công nghệ đã có hoạt động của Chợ Khoa học Công nghệ/Thiết bị (Techmart) hàng năm và bây giờ có cả dạng trực tuyến (online). Tuy nhiên về quy mô triển lãm của Việt Nam còn rất khiêm tốn, có thể là do cơ sở hạ tầng còn yếu kém, cả không gian triển lãm cùng các cơ sở hỗ trợ (giao thông, khách sạn, thiết bị,….) nên chúng ta chưa tổ chức được nhiều cuộc triển lãm tầm cỡ khu vực, quốc tế.

Những ai đã từng dự các hội nghị, hội thảo, triển lãm quốc tế đều thấy cơ sở hạ tầng phục vụ phải ở mức rất cao, tầm như Khu Triển lãm Giảng Võ trước đây chưa thể đáp ứng. Bản thân chúng tôi cũng được dự một số hội nghị triển lãm quốc tế ở Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nga,… và rất ấn tượng với quy mô, cách thức tổ chức ở đó. Tôi còn nhớ lần hội nghị ở Nga năm 2013 được tổ chức trên tàu du lịch 4 tầng mang tên Nguyên soái Liên Xô Georgi Gukov chạy trên sông Vonga suốt gần một tuần qua nhiều thành phố (có cho đại biểu lên thăm).

Nắm được sự phát triển chung và sự phát triển của hoạt động trong tương lai nên từ lâu Nhà nước đã có chủ trương xây dựng một khu triển lãm tầm cỡ quốc gia, quốc tế ở Hà Nội. Nắm bắt được chủ trương này, lãnh đạo Khu Triển lãm Giảng Võ đã nhanh chóng đưa ra chủ trương cải tổ Khu Triển lãm Giảng Võ và đề xuất phương án xây mới Khu Triển lãm Quốc gia ở Đông Anh và chuyển đổi mục đích sử dụng Khu Triển lãm Giảng Võ sang xây dựng tổ hợp dịch vụ tổng hợp.

Đặc biệt, sau khi VinGroup vào cuộc thì hình hài, quy mô Dự án Đông Anh được xác định làm nức lòng mọi người và làm tăng lòng tin của nhân dân.

Chắc chắn, việc có Trung tâm Triển lãm Đông Anh với cơ sở hạ tầng hiện đại, khang trang sẽ góp phần thay đổi diện mạo đô thị Hà Nội, thúc đẩy kinh tế địa phương, các ngành cùng phát triển. Theo đánh giá của các phương tiện đại chúng thì Trung tâm này sẽ là một trong 5 cơ sở lớn nhất của Thế giới theo nhận định năm 2016.

Còn mới đây, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia được đánh giá thuộc TOP 10 các trung tâm triển lãm lớn nhất thế giới và Tổ hợp Trung tâm được kỳ vọng là điểm đến quốc tế cho các sự kiện thương mại, triển lãm hàng đầu toàn cầu.

2. Lợi ích người dân

Những lợi ích mà Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia mang lại cho nhà nước cũng sẽ là lợi ích mỗi người dân được hưởng (gián tiếp hoặc trực tiếp). Với quy mô hoành tráng và nếu được vận hành tốt thì người dân cả nước sẽ rất tự hào. Hà Nội sẽ có thêm một điểm Check in  mà không chỉ người Hà Nội mà tất cả người dân đến Hà Nội đều muốn ghé thăm.

Do quy mô lớn, có nhiều dịch vụ nên chắc chắn du khách có thể đến mọi lúc để khám phá vẻ đẹp phong cảnh, tham gia các hoạt động trong trung tâm này. Riêng đối với cư dân sống gần khu vực dự án sẽ có thêm nhiều việc làm cả bên trong và bên ngoài, cả gián tiếp và trực tiếp liên quan đến mọi hoạt động xảy ra trong khuôn viên Dự án Đông Anh.

3. Lợi ích Doanh nghiệp

Doanh nghiệp có lợi ích ở đây không chỉ là Tập đoàn VinGroup mà còn là tất cả các doanh nghiệp có liên quan đến dự án. Tuy nhiên, dưới đây chỉ phân tích một số lợi ích mà chủ đầu tư có thể nhận được khi triển khai xây dựng, vận hành các hạng mục công trình.

Cùng lúc Tập đoàn VinGroup thực hiện 3 dự án lớn liên quan tới hai địa điểm: tại 148 Giảng Võ (diện tích gần 7ha) và Đông Amh (diện tích 90ha), đó là:

  1. Dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia tại Đông Anh (Dự án Đông Anh)
  2. Khu đô thị mới Đông Anh
  3. Tổ hợp Trung tâm Dịch vụ thương mại và Nhà ở tại 148 - Giảng Võ, quận Ba Đình (Dự án Giảng Võ)

Tổng kinh phí thực hiện 3 dự án này dự kiến vào khoảng 59.655 tỷ đồng nhưng Dự án Đông Anh có dự toán ít nhất, 7.336 tỷ đồng, tiếp đến là Dự án Giảng Võ: khoảng 17.440 tỷ đồng và dự toán cao nhất là Khu đô thị mới Đông Anh với 34.879 tỷ đồng [6]. Như vậy, nếu đầu tư khoảng 7.336 tỷ đồng thực hiện Dự án Đông Anh mà được giao đất thực hiện 2 dự án lớn còn lại thì đây được coi là lợi ích khủng có được của VinGroup vì đất ở Giảng Võ có thể coi là đất Kim cương còn đất ở Đông Anh là đất Vàng.

Song song với Dự án Đông Anh, một số dự án xây dựng hạ tầng khác ở khu vực lân cận (do Hà Nội thực hiện) cũng sẽ góp phần nâng cao lợi ích thu được khi đưa các dự án của VinGroup vào hoạt động. Riêng với Dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia tại Đông Anh, khi hoàn thành cũng dưới sự điều hành của VEFAC nên lợi ích thu được từ dự án này cũng không nhỏ.

Thường thì để được phê duyệt các dự án này thì chủ dự án (VinGroup) phải trình luận chứng kinh tế - kỹ thuật, trong đó trình bày dự kiến hiệu quả kinh tế tính cho cả vòng đời dự án và chiết khấu qua các giá trị như Hiện tại ròng (NPV), Hệ số hoàn vốn nội tại (IRR) hay Tỷ số lợi ích/chi phí (B/C). Ngoài ra, khi tiến hành đánh giá tác động môi trường còn phải lượng hóa các lợi ích, chi phí môi trường-xã hội và tính vào các giá trị nêu trên. Hiện tại chúng tôi không có thông tin sâu về dự án nhưng chắc chắn hiệu quả các dự án này rất cao và tất nhiên lợi nhuận do VinGroup thu được cũng vào loại lớn, “khủng”.

Sẽ có người hỏi liệu việc giao đất như vậy có hợp lý không nếu tạo cho chủ đầu tư quá nhiều cơ hội thu lợi nhuận lớn. Đây là câu hỏi khó có câu trả lời rõ ràng. Thật ra nếu Nhà nước có những cơ quan kinh tế đủ năng lực thì có thể kiểm tra lại tất cả các con số tính toán hiệu quả kinh tế và thỏa thuận mức giao đất hợp lý.

Mặt khác dù là công ty tư nhân nhưng là công ty của Việt Nam nên theo cách lý giải của Mô hình Kinh tế Nhân văn thì lợi nhuận mà VinGroup thu được cũng được coi như của Việt Nam, tính vào GDP Việt Nam nên cũng không nên quá bận tâm. Tất nhiên, Nhà nước cũng cần xem xét lại các văn bản pháp luật như Luật Đất đai chẳng hạn để tránh được tình trạng giao đất bất hợp lý dẫn đến nhứng hệ quả quá lớn, để các đối tượng lừa đảo, tham nhũng hưởng lợi vô lý như đã xảy ra gần đây. Và, thật ra trong hoạt động kinh tế thì việc “lách luật” (chứ không phải vi phạm luật) để có lợi nhuận là điều bình thường. Bởi vì, luật pháp không thể hoàn chỉnh, kín kẽ đến mức tuyệt đối, vẫn có những khe hở (dù nhỏ) để lách qua. Luật Đất đai Việt Nam trước đây cũng có nhiều kẽ hở và đã luôn được sửa đổi, điều chỉnh.

Ngay Luật Đất đai 2024 thì vấn đề định giá đất vẫn còn nhiều khe hở, vẫn có chênh lệch khá lớn giữa giá đất do Nhà nước xác định và giá đất thị trường nên chuyện lách hoặc vi phạm vẫn có khả năng xảy ra. Chỗ khác giữa lách trong trường hợp này cũng rất khó phân biệt, nếu giữa đại diện Nhà nước và Chủ dự án thỏa thuận trên cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý, công tâm thì các Hợp đồng ký sẽ là hợp pháp, chỉ khi có sự “móc ngoặc”, “hối lộ” để có hợp đồng béo bở thì đó là vi phạm pháp luật, sẽ bị trừng trị. Chúng tôi rất mong các Dự án nêu ở trên thuộc diện hợp pháp và lợi nhuận thu được cũng hợp pháp.

Thay lời kết

Sau một thời gian theo dõi các dự án liên quan đến KTL Giảng Võ, chúng tôi đã hình dung rõ hơn về những Dự án Nhà nước cho phép VinGroup đầu tư xây dựng ở Đông Anh và ở 148 Giảng Võ. Đã có sự chậm trễ kéo theo nhiều thiệt hại rất cần được làm rõ để rút kinh nghiệm nhưng dù sao cuối cùng đã tiến hành khởi công xây dựng các dự án này là điểm đáng mừng.

Chủ đầu tư - VinGroup là doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam, đã xây dựng nhiều dự án tầm cỡ khu vưc, thế giới, góp phần nâng tầm của đất nước, làm nức lòng người dân và có năng lực, nguồn lực rất lớn (cả nhân lực, kinh phí, khoa học-công nghệ, thiết bị,…) nên chúng ta có thể hy vọng các dự án này sớm hoàn thành. Khi ấy Hà Nội và Việt Nam có được một Khu Triển lãm Quốc gia đồ sộ, đủ công năng tổ chức những triển lãm, hội nghị, hội thảo lớn tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế, sánh vai những công trình nổi tiếng cùng loại, đáp ứng mong đợi của người dân cả nước.

Tài liệu tham khảo

[1].https://kinhtemoitruong.vn/trung-tam-trien-lam-giang-vo-ky-1-nho-va-suy-ngam-ve-ky-uc-qua-mot-vai-su-kien-62230.html

[2].https://kinhtemoitruong.vn/ky-2-nhung-su-menh-cua-trung-tam-trien-lam-giang-vo-tu-ngay-duoc-khai-sinh-62245.html

[3].https://kinhtemoitruong.vn/ky-3-qua-trinh-co-phan-hoa-vefac-dien-ra-nhu-the-nao-62293.html

[4]. https://kinhtemoitruong.vn/ky-4-du-an-giang-vo-moi-duoi-goc-nhin-kinh-te-moi-truong-62350.html

[5].https://kinhtemoitruong.vn/uoc-tinh-muc-thiet-hai-kinh-te-doi-voi-cac-du-an-treo-bai-4-76123.html

[6].  Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam (VEFAC) tăng vốn khủng để thực hiện 4 đại dự án.

https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/trung-tam-hoi-cho-trien-lam-viet-nam-vefac-tang-von-khung-de-thuc-hien-4-dai-du-an-post246729.html

GS.TS Hoàng Xuân Cơ

Bạn đang đọc bài viết Khởi công xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia - Dù muộn nhưng vẫn đáng mừng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới