Chủ nhật, 24/11/2024 07:27 (GMT+7)
Thứ sáu, 09/04/2021 13:46 (GMT+7)

Khởi động Dự án lồng ghép chống chịu BĐKH và bảo vệ môi trường để phát triển các đô thị xanh

Theo dõi KTMT trên

Sáng 9/4, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường kết hợp với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Lồng ghép chống chịu biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường để phát triển các đô thị xanh loại II".

Dự án “Lồng ghép chống chịu biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường để phát triển các đô thị xanh loại II” (gọi tắt là Dự án Thành phố Xanh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thực hiện tại Quyết định số 1226/QĐ-TTg ngày 18/9/2019 và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt văn kiện tại Quyết định số 245/QĐ-BTNMT ngày 30/1/2020.

Dự án có sự hỗ trợ tài chính của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) thông qua Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thời gian thực hiện là 5 năm, kể từ 30/1/2020. Cơ quan chủ quản là Bộ Tài nguyên và Môi trường, chủ dự án là Tổng cục Môi trường.

Khởi động Dự án lồng ghép chống chịu BĐKH và bảo vệ môi trường để phát triển các đô thị xanh - Ảnh 1
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á tổ chức Hội thảo khởi động Dự án Thành phố Xanh. 

Để triển khai, sáng 9/4, tại Hà Nội, Ban Quản lý dự án tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Lồng ghép chống chịu biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường để phát triển các đô thị xanh loại II”.  

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi Võ Tuấn Nhân cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, yêu cầu xây dựng các thành phố xanh, đô thị xanh, thành phố thông minh ngày càng cao, đồng thời, biến đổi khí hậu, vấn đề ô nhiễm môi trường đang ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam khiến việc thực hiện Dự án Thành phố Xanh càng trở nên quan trọng và có ý nghĩa lớn.

Dự án được kỳ vọng sẽ giúp hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật và các giải pháp thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, phát triển đô thị xanh ở Việt Nam, tăng cường nâng cao năng lực quản lý về môi trường thích ứng với khí hậu để phát triển thành phố xanh. Thí điểm từ các đô thị trong quá trình thực hiện Dự án sẽ là tiền đề để nhân rộng các mô hình thành phố xanh gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chỉ đạo cơ quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ngân hàng ADB tại Việt Nam đẩy nhanh quá trình thực hiện bằng việc tổ chức nhiều hội thảo chuyên gia, chuyên đề nhằm hoạt động có hiệu quả, tạo ra những sản phẩm có tính khả thi, đặc biệt là đưa ra các kiến nghị phù hợp đi vào hệ thống pháp luật.

Khởi động Dự án lồng ghép chống chịu BĐKH và bảo vệ môi trường để phát triển các đô thị xanh - Ảnh 2
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu khai mạc chương trình. 

Đáp lời Thứ trưởng, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng phát triển châu Á tại Việt Nam mong muốn sẽ có chương trình hợp tác chặt chẽ, khả thi với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương tham gia thí điểm. Đây được xem như là cơ hội cho cả hai bên với những động thái cụ thể nhằm phát triển các đô thị xanh trong bối cảnh phải chống chịu với biến đổi khí hậu và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Trình bày tại Hội thảo, ông Lê Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án cho biết, dự án có bốn hợp phần, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện hợp phần 1 và 4, hợp phần 2 và 3 sẽ do phía ADB phụ trách.

Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng khung chính sách quốc gia để bảo vệ môi trường và chống chịu với biến đổi khí hậu; Tăng cường, hỗ trợ lập quy hoạch môi trường tổng hợp và thích ứng với biến đổi khí hậu cấp tỉnh/thành phố. Ngân hàng phát triển châu Á thực hiện thí điểm các giải pháp phát triển đô thị bền vững ở Hà Giang, Huế và Vĩnh Yên. Đồng thời, xây dựng và áp dụng thử nghiệm các giải pháp tài chính mới để phòng chống rủi ro khí hậu ở Huế.

Cẩm Anh

Bạn đang đọc bài viết Khởi động Dự án lồng ghép chống chịu BĐKH và bảo vệ môi trường để phát triển các đô thị xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới