Chủ nhật, 24/11/2024 06:49 (GMT+7)
Thứ ba, 15/06/2021 06:00 (GMT+7)

Không để hình thành 'điểm nóng' về đất đai và khoáng sản

Theo dõi KTMT trên

Thông tin đáng chú ý này vừa được Văn phòng Chính phủ đưa ra tại Thông báo số 159/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với Thanh tra Chính phủ.

Thời gian qua, Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra đã bám sát đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình để xây dựng ngành, triển khai thực hiện nhiệm vụ và đạt nhiều kết quả tích cực.

Thanh tra Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình tiến hành thanh tra, qua thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm, kiên quyết kiến nghị xử lý nhiều vụ việc liên quan đến tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có những vụ rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mang tính đột phá trong đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, thu hồi nhiều tiền, tài sản lớn cho Nhà nước, điển hình như vụ Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần AVG.

Kết quả công tác này đã đóng góp vào thành tích chung của cả nước, nhất là trong công cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giúp củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần vào thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Không để hình thành 'điểm nóng' về đất đai và khoáng sản - Ảnh 1
Đất đai là lĩnh vực tồn tại nhiều khiếu nại, tố cáo phức tạp nhất.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, ngành thanh tra còn một số bất cập, tồn tại, hạn chế như: Việc triển khai kế hoạch thanh tra ở một số đơn vị còn chậm; còn có sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; việc ban hành kết luận thanh tra còn chậm; việc xử lý sau thanh tra và tỉ lệ thu hồi tiền, tài sản có chuyển biến tích cực nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra.

Tình hình khiếu nại, tố cáo giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp, nhất là lĩnh vực đất đai. Việc tham mưu, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ công tác còn chậm; tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp ở một số lĩnh vực như: Đất đai, đầu tư công, tài nguyên, khoáng sản, xây dựng, ngân hàng...

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên có phần do các quy định liên quan còn bất cập, chồng chéo, còn có khoảng trống pháp luật; việc xây dựng, hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật còn chậm so với kế hoạch đề ra; chính sách đãi ngộ đối với cán bộ ngành thanh tra cần được nghiên cứu cho phù hợp hơn; tính nêu gương, tinh thần kỷ luật, kỷ cương của một bộ phận cán bộ còn hạn chế; vẫn còn hiện tượng lợi ích nhóm; một bộ phận cán bộ chưa thực sự công tâm, trong sáng, quyết tâm, quyết liệt trong công tác; sự phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ với các cơ quan có liên quan có lúc, có nơi còn chưa hiệu quả.

Thủ tướng chỉ đạo, thanh tra để phục vụ phát triển và để phòng ngừa, răn đe, bảo đảm công bằng trước pháp luật phải giữ đúng các nguyên tắc: nắm chắc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tình hình thực tiễn; lấy thực tiễn làm cơ sở, thước đo để hoàn thiện thể chế, chính sách; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ song phải lắng nghe ý kiến của tập thể để tạo sự thống nhất, đồng thuận; cán bộ thanh tra phải có tư tưởng chính trị vững vàng, bản lĩnh, kiên trì trong công tác, biết đặt lợi ích chung lên trên hết, công tâm, khách quan, đúng pháp luật khi thực thi công vụ.

Trong thời gian tới, công tác thanh tra cần tăng cường phát hiện các sơ hở, bất cập của chính sách pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, nhất là hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng, chú trọng các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: đất đai, đầu tư công, tài nguyên khoáng sản, xây dựng, ngân hàng, chi tiêu thường xuyên…

Đồng thời, triển khai có hiệu quả kế hoạch thanh tra năm 2021, tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo; có các biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra; nâng cao chất lượng thanh tra và hiệu quả thực hiện kết luận thanh tra… Tập trung thanh tra chuyên đề diện rộng, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm; xử lý nghiêm và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Bên cạnh đó, cần triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong việc xử lý các vụ việc phức tạp, không để phát sinh thành “điểm nóng”; tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, kéo dài. Trong quá trình giải quyết, cần coi trọng và làm tốt công tác đối thoại, hòa giải.

Người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền phải thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013 và Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.

Mặt khác, cần khẩn trương chỉ đạo kết thúc các cuộc thanh tra đã kéo dài quá thời hạn quy định và sớm ban hành kết luận thanh tra; đồng thời, thực hiện việc kiểm tra, xử lý sau thanh tra theo quy định đối với các cuộc thanh tra đã ban hành kết luận thanh tra, nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có biểu hiện cố tình trì hoãn, không thực hiện kết luận thanh tra thì phải kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện kết luận thanh tra, xử lý đối với việc thu hồi tài sản, đất đai có vi phạm, nhất là đối với các kết luận thanh tra phức tạp….

Theo thống kê của Bộ TN&MT, lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo mà Bộ nhận được hàng năm vẫn còn nhiều, chủ yếu trong lĩnh vực đất đai (chiếm 98%). Từ năm 2015 đến năm 2018 trong số 21.274 đơn thư mà Bộ nhận được có 8.330 đơn thư đủ điều kiện xử lý.

Phạm Oanh

Bạn đang đọc bài viết Không để hình thành 'điểm nóng' về đất đai và khoáng sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới