Chủ nhật, 24/11/2024 07:28 (GMT+7)
Thứ ba, 02/04/2024 10:28 (GMT+7)

Không để người dân ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt

Theo dõi KTMT trên

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 1/4/2024 yêu cầu tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả 

Trong chỉ thị nêu rõ, do ảnh hưởng của El Nino, từ đầu năm đến nay lượng mưa ở nhiều vùng trên cả nước bị thiếu hụt, nền nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã xảy ra ở một số địa phương, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, Tây Nguyên.

Để hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ trưởng các Bộ và Thủ trưởng cơ quan có liên quan tổ chức theo dõi sát tình hình, tăng cường chỉ đạo triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai, thời tiết cực đoan, nhất là nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhất là các địa phương khu vực Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương: Theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn; kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của địa phương phù hợp với các kịch bản nguồn nước. 

Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động có hình thức linh hoạt tích trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước ngọt.

Tuân thủ chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan để tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả giải pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; trường hợp xảy ra thiếu nước không đảm bảo cung cấp đủ cho các nhu cầu sử dụng, phải ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và các nhu cầu thiết yếu khác; vận hành hiệu quả các hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước đảm bảo đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng khi xảy ra thiếu nước, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp. 

Không để người dân thiếu nước sinh hoạt

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhất là các địa phương khu vực Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để chủ động tổ chức triển khai giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt, trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân.

Không để người dân ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt - Ảnh 1
Thủ tướng chỉ thị tăng cường phòng, chống xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long. 

Chủ động nạo vét các kênh mương, hồ chứa nước bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước, kết hợp tận thu vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật; rà soát, đánh giá khả năng lấy nước các công trình thủy lợi, nhất là dọc các tuyến sông xảy ra tình trạng hạ thấp mực nước và gia tăng xâm nhập mặn để chủ động triển khai các giải pháp thích ứng phù hợp.

Bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; ưu tiên bố trí kinh phí để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình phục vụ cấp nước, kiểm soát nguồn nước, đặc biệt công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, công trình lấy nước ven sông và hồ chứa nước ngọt.

Đảm bảo độ tin cậy về khí tượng thủy văn 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chỉ đạo theo dõi, dự báo sớm, đảm bảo độ tin cậy về tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, kịp thời cung cấp thông tin cho các địa phương và cơ quan có liên quan để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy trình vận hành liên hồ chứa theo hướng linh hoạt nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, bảo đảm nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt, phát điện.

Phối hợp, hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng quy định pháp luật liên quan đến việc sử dụng vật liệu tận thu khi nạo vét kênh mương, hồ chứa nước, tạo điều kiện tăng cường xã hội hóa tham gia thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các chủ hồ thủy điện chủ động phối hợp với cơ quan chức năng của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương có liên quan xây dựng phương án vận hành các hồ chứa thủy điện và huy động điện phù hợp từ các nhà máy thủy điện để bảo đảm nước sinh hoạt, đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng nước khác, đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn nước cho phát điện.

Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với các cơ quan truyền thông và các địa phương tăng cường phổ biến, hướng dẫn cho người dân các biện pháp bảo vệ sức khỏe, nhất là trong những ngày nắng nóng gay gắt kéo dài.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương chỉ đạo triển khai các giải pháp ứng phó nguy cơ thiếu nước sinh hoạt theo lĩnh vực được phân công; chủ động phối hợp với các địa phương và cơ quan có liên quan nghiên cứu, triển khai phương án để từng bước chủ động cấp nước sinh hoạt cho người dân tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiếu nước, xâm nhập mặn hàng năm.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan liên quan kịp thời tổng hợp, tìm nguồn, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ kinh phí để thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo quy định.

Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân và các cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục làm tốt công tác truyền thông, đưa tin kịp thời, chính xác về tình hình nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, nâng cao nhận thức của người dân trong sử dụng tiết kiệm điện, nước và tạo ra sức mạnh của toàn dân trong phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này theo chức năng, nhiệm vụ được giao. 

Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ dự báo hiện tượng El Nino kéo theo thời tiết nóng, khô ở châu Á và mưa lớn bất thường ở nhiều vùng của châu Mỹ sẽ chấm dứt trong nửa đầu năm 2024. Trong số các dự báo hàng tháng có đến 55% khả năng La Nina phát triển trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay. 

La Nina có xu hướng làm dịu nhiệt độ toàn cầu. Dù không chấm dứt sự ấm lên của hành tinh kéo dài suốt một thập kỷ qua, La Nina có thể giảm bớt mức độ ấm lên cực hạn mà các nhà khoa học quan sát gần đây.

Kim Ngân

Bạn đang đọc bài viết Không để người dân ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới