Chủ nhật, 24/11/2024 08:05 (GMT+7)
Thứ tư, 13/03/2024 13:57 (GMT+7)

Vựa lúa số 1 Việt Nam hứng chịu thêm 2 đợt xâm nhập mặn nữa trong tháng 3

Theo dõi KTMT trên

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nay đến hết tháng 3 sẽ xuất hiện khoảng 2 đợt xâm nhập mặn tăng cao tại các cửa sông như Cửu Long, Vàm Cỏ và Cái Lớn.

Xâm nhập mặn tăng dần vào giữa tuần 

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 3/2024 (từ 10/3-14/3, từ 24-28/3); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3-4/2024 (từ 10-13/3, từ 24-28/3, từ 08-13/4, từ 22-28/4).

Riêng tại khu vực miền Tây Nam Bộ từ ngày 11-20/3 phổ biến không mưa, ngày nắng (riêng tại các tỉnh An Giang, Vĩnh Long và Bến Tre có nơi nắng nóng). Mực nước tại các trạm trên dòng chính sông Mekong biến đổi chậm với xu thế xuống dần và thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,15-1,5m. 

Xu thế xâm nhập mặn từ ngày 11-20/3/2024 ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng dần đến giữa tuần sau đó giảm dần. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức cao hơn độ mặn cao nhất tháng 03/2023.

Vựa lúa số 1 Việt Nam hứng chịu thêm 2 đợt xâm nhập mặn nữa trong tháng 3 - Ảnh 1
Đồng bằng sông Cửu Long hứng chịu thêm 2 đợt xâm nhập mặn nữa trong tháng 3.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở cấp 2. Độ mặn xâm nhập sâu trong sông, kênh rạch sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trong khu vực. 

Đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, dự báo chung về xu thế nguồn nước và xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024 sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như mùa khô 2015-2016 và 2019-2020.

Chủ động ứng phó với xâm nhập mặn 

Đại diện Ủy ban sông Mekong Việt Nam cho biết hiện nay trạng thái khí quyển và đại dương đang trong điều kiện El Nino. Tổng lượng mưa trên lưu vực sông Mekong trong tháng Ba này dự báo sẽ ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 10-30%.

Qua các phân tích ở trên, đại diện Ủy ban sông Mekong Việt Nam nhận định nền dòng chảy mùa khô năm 2024 về Đồng bằng sông Cửu Long đang tiếp tục suy giảm, nên từ thời gian này mặn sẽ xâm nhập mạnh hơn vào trong nội đồng.

Ngoài ra do nguồn nước về Đồng bằng sông Cửu Long dự báo sẽ ngày càng khan hiếm hơn trong mùa khô năm nay, nên các địa phương cũng cần có kế hoạch lấy nước luân phiên trên các sông kênh, nhằm tránh hiện tượng cạn kiệt cục bộ, dẫn đến xâm nhập mặn có thể sâu hơn.

Để chủ động ứng phó với nguy cơ xâm nhập mặn cao, thiếu nước ngọt cục bộ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tổ chức theo dõi sát tình hình, triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 04/CT-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2024 về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là triển khai quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. 

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh chủ động bố trí nguồn lực của địa phương, huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, triển khai ngay các biện pháp cần thiết phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước sinh hoạt không đảm bảo chất lượng.

Tổ chức theo dõi chặt chẽ, nắm bắt đầy đủ, kịp thời thông tin về tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn tại từng khu vực trên địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, theo chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngoài ra các Bộ, ngành khác chủ động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ địa phương ứng phó với nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm đời sống người dân theo chức năng quản lý nhà nước được giao.

Kim Ngân

Bạn đang đọc bài viết Vựa lúa số 1 Việt Nam hứng chịu thêm 2 đợt xâm nhập mặn nữa trong tháng 3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Siêu bão Man-yi giật cấp 14, chính thức vào biển Đông
Siêu bão Man-yi mạnh cấp 11 (103-117km/h), giật cấp 14, di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ 20km/h. Vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 118,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông.

Tin mới