Chủ nhật, 24/11/2024 05:22 (GMT+7)
Thứ ba, 09/07/2019 17:04 (GMT+7)

Không kém cạnh Bamboo Airways và Vietjet Air, "con cưng" của Vingroup lấn sân hàng không?

Theo dõi KTMT trên

Một công ty có liên quan tới các lãnh đạo Vingroup vừa đổi tên thành Công ty cổ phần Hàng không Vinpearl Air. Với mức vốn điều lệ 1.300 tỉ đồng, Vinpearl Air đáp ứng điều kiện cần để gia nhập lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không.

Theo thông tin từ Phòng Đăng ký Kinh doanh TP. Hà Nội, Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và Dịch vụ VinAsia vừa thay đổi tên thành Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air (Vinpearl Air).

Được thành lập ngày 22/4/2019, Vinpearl Air có vốn điều lệ 1.300 tỉ đồng và đặt trụ sở tại tầng 2 khu Almaz Market, Đường Hoa Lan, khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside Long Biên, Hà Nội. Đây cũng là nơi đặt địa chỉ kinh doanh của Tập đoàn Vingroup và nhóm công ty thành viên.

Không kém cạnh Bamboo Airways và Vietjet Air, "con cưng" của Vingroup lấn sân hàng không? - Ảnh 1
Vinpearl Air có thể tạo ra sự thay đổi bất ngờ về cục diện thị trường hàng không Việt Nam

Người đại diện pháp luật của Công ty Vinpearl Air là bà Nguyễn Thanh Hương (sinh năm 1972, tại Hà Nội), giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty này. Bà Hương cũng đồng thời là đại diện pháp luật của hay doanh nghiệp là Công ty cổ phần Nhất Nam và Công ty cổ phần Đầu tư Nhất Nam. Cuối năm 2018, Vingroup đã mua lại cổ phần Công ty cổ phần Đầu tư Nhất Nam (sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart và chuỗi bán điện thoại Viễn Thông A) với giá trị thương vụ M&A là hơn 1.000 tỉ đồng.

Hiện nay, Vinpearl Air có 3 cổ đông sáng lập gồm: Công ty cổ phần Phát triển Du lịch VinAsia nắm 45% vốn điều lệ, ông Hoàng Quốc Thủy nắm 30% và Phạm Khắc Phương nắm 25% vốn.

Trong số cổ đông này, ông Phạm Khắc Phương đã gắn bó với ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Vingroup từ thời kinh doanh ở Ukraina. Năm 2007, ông Phương trở thành Trưởng ban kiểm soát Công ty cổ phần Vincom khi ông Vượng trở về lập nghiệp tại Việt Nam ở lĩnh vực bất động sản. Trong nhiều năm qua, ông Phương đảm nhận nhiều chức vụ chủ chốt tại Vingroup và Vinpearl.

Do đó, công ty liên quan tới Vinpearl và các lãnh đạo chủ chốt thành lập Vinpearl Air cho thấy ý định mở rộng đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh hàng không tại Việt Nam tiếp sau sự ra đời của các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air của Tập đoàn Sovico, Bamboo Airways (vốn điều lệ 1.300 tỉ đồng) của Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần hàng không Thiên Minh (vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng)…

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh hàng không vốn có đặc thù riêng, phức tạp hơn và không phải lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của các tập đoàn bất động sản như Vingroup, FLC... Sự thành công của Vietjet Air ở phân khúc hàng không giá rẻ cũng được cho là "điều kỳ diệu", và doanh nghiệp cũng phải chịu áp lực thua lỗ trong thời gian đầu cùng với chiến lược đẩy mạnh mảng kinh doanh "sales and lease back" (bán và cho thuê lại máy bay) để tìm kiếm lợi nhuận.

Đơn cử, dù chỉ mới hơn 5 tháng cất cánh bay, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết, Bamboo Airways hiện vẫn đang bị lỗ và tập đoàn phải bù lỗ. Nguyên nhân thua lỗ là do công ty đang phải nuôi bộ máy vận hành cho 30 tàu bay dù hiện tại mới đưa vào khai thác 10 tàu bay… Hãng bay này đã phải dừng khai thác hai đường bay do kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, Vietjet Air của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo liên tục đối mặt với tình trạng chậm chuyến, huỷ chuyến bay, gây bức xúc cho hành khách. Theo báo cáo của Cục hàng không Việt Nam trong tháng 5/2019, hãng hàng không Vietjet Air dẫn đầu về chậm chuyến bay và hủy chuyến với tỷ lệ 18% chuyến bay. Trong tháng 5, Vietjet khai thác 11.630 chuyến bay và có tới 2.090 chuyến chậm giờ và 6 chuyến bị hủy.

Hiện, Vingroup chưa có bất cứ thông báo chính thức về việc thành lập hãng hàng không tư nhân riêng có liên quan tới sự ra đời của Vinpearl Air. Chiến lược kinh doanh vận tải hàng không của Vinpearl Air sẽ đi vào phân khúc khách hàng phổ thông hay cao cấp… được quan tâm vào thời điểm này.

Giới đầu tư đang đặt ra khả năng hãng hàng không Vinpearl Air sẽ là “đối thủ” cạnh tranh trực tiếp với Bamboo Airways ở phân khúc khách hàng du lịch nghỉ dưỡng. Bởi lợi thế lớn nhất của Tập đoàn Vingroup và Vinpearl là sở hữu, vận hành khai thác hệ thống các khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao tại các thành phố du lịch nổi tiếng trải dài từ Bắc vào Nam, cùng thương hiệu dịch vụ cao cấp, nguồn dữ liệu khách hàng đa dạng từ lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, y tế, giáo dục...

Sự gia nhập của hãng hàng không Vinpearl Air được sự báo sẽ có thể tạo ra sự thay đổi bất ngờ về cục diện thị trường hàng không Việt Nam lâu nay đang ở thế Vietnam Airlines và Vietjet Air lấn lướt thị phần chủ yếu.

Phạm Dũng

Bạn đang đọc bài viết Không kém cạnh Bamboo Airways và Vietjet Air, "con cưng" của Vingroup lấn sân hàng không?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới