Chủ nhật, 24/11/2024 10:53 (GMT+7)
Thứ sáu, 22/01/2021 11:40 (GMT+7)

'Không thể tách rời - Đất ngập nước'

Theo dõi KTMT trên

Đó là chủ đề của ngày Đất ngập nước thế giới 2/2 năm nay nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của các vùng đất ngập nước trong việc thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến sự phát triển của các quốc gia.

Các vùng đất ngập nước có vai trò vô cùng to lớn, cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng cho sự phát triển thịnh vượng của mỗi quốc gia, cung cấp nguồn lợi phục vụ cho phát triển nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là thủy sản, nông nghiệp, du lịch.

Ngoài ra, đất ngập nước còn có khả năng dự trữ carbon, điều tiết nguồn nước, điều hòa khí hậu, hạn chế lũ lụt, là nơi lắng đọng phù sa, hình thành đất và tham gia tích cực trong vòng tuần hoàn các chất dinh dưỡng của hệ sinh thái toàn cầu. Đất ngập nước cũng là “cái nôi” quan trọng của đa dạng sinh học; bảo vệ, giảm thiểu tác động của bão, nhất là các hệ sinh thái rừng ngập mặn là tấm chắn bảo vệ vùng ven biển…

Vùng đất ngập nước đang suy giảm nghiêm trọng

Ở Việt Nam, đất ngập nước có diện tích khoảng 12 triệu hecta, phân bố trên tất cả các vùng đang góp phần quan trọng giúp cân bằng sinh thái, là nơi sinh tồn của hàng nghìn loài sinh vật và là nguồn sống của hàng triệu người dân.

Hiện Việt Nam có 9 khu Ramsar là Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Vùng đất ngập nước Bàu Sấu của Vườn Quốc gia Cát Tiên, Hồ Ba Bể, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau Vườn Quốc gia Côn Đảo, Khu Ramsar Láng Sen, Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long. Đặc biệt, các ramsar có khả năng chắn sóng làm giảm xói lở bờ biển, giảm thiệt hại do bão, lũ và sóng thần ở vùng ven biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Theo phân loại của Bộ TN&MT, Việt Nam có 26 kiểu loại đất ngập nước khác nhau với đa dạng sinh học hết sức phong phú gồm khoảng 1.028 loài cá, 848 loài chim, 800 loài động vật không xương sống ở hệ sinh thái nước ngọt và trên 11.000 loài sống ở hệ sinh thái đất ngập nước biển, ven biển.

'Không thể tách rời - Đất ngập nước' - Ảnh 1
Vùng đất ngập nước Việt Nam đang suy giảm nghiêm trọng. (Ảnh minh họa)

Các vùng đất ngập nước đã cung cấp lương thực, thủy sản cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu đạt trên 10 tỉ USD chỉ riêng trong năm 2017. Khoảng 20 triệu người dân Việt Nam có thu nhập chính hoặc thu nhập một phần từ tài nguyên thủy sản và đang khai thác, sử dụng trên 300 loài hải sản và trên 50 loài thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế.

Trong những năm gần đây, giá trị của đất ngập nước được khai thác mạnh cho phát triển ngành du lịch như đảo Cát Bà, Côn Đảo, Phong Nha - Kẻ Bàng, Cần Giờ, Ba Bể, Tràm Chim,... là những điểm thu hút rất nhiều khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, việc khai thác các vùng đất ngập nước hiện nay đã tác động mạnh mẽ và có nguy cơ gây tổn hại đến các khu vực này.

Nhiều vùng đất ngập nước đã bị biến mất và diện tích các vùng đất ngập nước bị thu hẹp do gia tăng sức ép khai thác, sử dụng đất ngập nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên các vùng đất ngập nước; giảm chất lượng đất và nước, thay đổi cấu trúc và chức năng dịch vụ hệ sinh thái ở nhiều vùng đất ngập nước trên toàn quốc.

GS.TS Lê Văn Khoa, Trường đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta ngày một gia tăng, chỉ tính riêng lượng thuốc bảo vệ thực vật lên tới 30 nghìn tấn/năm. Hậu quả làm đất bị "chai cứng" và có đến 50% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật phát tán bằng nhiều con đường khác nhau, và đều tập kết tại những vùng đất ngập nước, gây ô nhiễm môi trường tác động tiêu cực đến sự đa dạng sinh học nơi đây".

Theo đánh giá của Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, sự suy thoái và mất đất ngập nước chủ yếu là do chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác nước, ô nhiễm môi trường và khai thác quá mức.

Các chính sách chuyển đổi mục đích sử dụng đất như chuyển từ đất cạn sang đất ngập nước (đắp đập thuỷ điện, hồ chứa, nuôi trồng thuỷ sản, quai đê lấn biển, tái định cư …) hoặc thay đổi chế độ thủy văn đã làm suy giảm các giá trị của nhiều vùng đất ngập nước.

Sự mất mát có xu hướng nhanh hơn ở những khu vực có tốc độ gia tăng dân số cao nhất và những khu vực có nhu cầu phát triển kinh tế lớn nhất. Hàng loạt nguyên nhân gây ra việc đất ngập nước tiếp tục bị mất và suy thoái liên quan đến kinh tế, bao gồm cả trợ cấp bảo hộ.

Biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ tiếp tục làm trầm trọng thêm sự mất mát và suy thoái đa dạng sinh học đất ngập nước, bao gồm các loài không thể di chuyển và các loài di cư sống phụ thuộc vào một số vùng đất ngập nước ở các giai đoạn khác nhau trong chu kỳ sống.

Theo Sách đỏ năm 2012 của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, tại Việt Nam có ít nhất 135 loài đang bị đe dọa trên toàn cầu đang cư trú tại các sinh cảnh nước ngọt lục địa, bãi triều và ven biển. Số liệu này có thể gia tăng nếu không có giải pháp quản lý hiệu quả.

Bảo tồn và phát triển biền vững

Nhận thức được tầm quan trọng đó, Ban thư ký Công ước Ramsar đề nghị các quốc gia hưởng ứng, tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Đất ngập nước Thế giới 2/2/2021 với chủ đề “Không thể tách rời - Đất ngập nước"

Để hưởng ứng đề nghị của Ban thư ký Công ước Ramsar và huy động sự tham gia của toàn xã hội trong bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, Bộ TN&MT đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ; Cơ quan Trung ương của các ban, ngành và đoàn thể; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến về tầm quan trọng của các vùng đất ngập nước đối với tài nguyên nước, sự sống của con người, đa dạng sinh học và kêu gọi mọi người dân cùng cam kết bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, dừng các hoạt động gây suy thoái các vùng đất ngập nước và phục hồi các vùng đất ngập nước bị suy thoái.

Tùy theo điều kiện cụ thể, tiến hành các hoạt động truyền thông phù hợp, tổ chức lễ kỷ niệm, các cuộc thi, triển lãm hoặc phát động các phong trào gắn với chủ đề Ngày Đất ngập nước thế giới năm 2021.

Lồng ghép nội dung về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, nguồn nước vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của Bộ, ngành và địa phương.

Theo quy định tại khoản 8, Điều 2 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam thì vùng đất ngập nước là vùng đầm lầy, vùng đất than bùn, vùng ngập nước thường xuyên hoặc ngập nước tạm thời theo mùa, kể cả các vùng ven biển, ven đảo có độ sâu không quá 6m khi ngấn nước thủy triều thấp nhất.

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết 'Không thể tách rời - Đất ngập nước'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới