Chủ nhật, 24/11/2024 08:05 (GMT+7)
Thứ bảy, 05/10/2019 06:36 (GMT+7)

Khủng hoảng khói mù tại Đông Nam Á: Đâu là nguyên nhân và giải pháp?

Theo dõi KTMT trên

Theo giới chuyên gia, cần giải quyết triệt để các nguyên nhân trước khi tình trạng “đến hẹn lại lên” này tác động nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Ra đường trở thành nỗi ám ảnh với người dân tại các nước Đông Nam Á khi “giặc bụi” đang hoành hành ở Indonesia, Singapore, Malaysia và miền Nam Thái Lan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân. Theo chu kỳ, các đám khói mù sẽ kết thúc, nhưng giới chuyên gia cho rằng cần phải giải quyết triệt để các nguyên nhân cơ bản trước khi tình trạng “đến hẹn lại lên” tác động nghiêm trọng đến sức khỏe con người và tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Khủng hoảng khói mù tại Đông Nam Á: Đâu là nguyên nhân và giải pháp? - Ảnh 1
Trẻ em ở tỉnh Aceh, Indonesia phải đeo khẩu trang khi vui chơi ngoài trời. Ảnh: Getty

Trong tháng 9/2019, hàng loạt các thành phố của Đông Nam Á luôn trong tình trạng báo động đỏ về ô nhiễm không khí, trong đó phải kể đến Indonesia, Singapore, Thái Lan. Không khí ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân với hàng nghìn trường học tại các nước phải đóng cửa. Số ca mắc các bệnh lý hô hấp tại một số khu vực ô nhiễm tăng vọt, khẩu trang và các máy lọc không khí trở thành mặt hàng khan hiếm.

Chính phủ các nước cũng nỗ lực để chống chọi với tình trạng ô nhiễm. Trong khi Indonesia tích cực dập tắt các đám cháy rừng, được cho là nguyên nhân chính khiến khói mù lan qua biên giới, Thái Lan đã tiến hành các chiến dịch phun nước ở một số quận để giảm bụi mịn xung quanh các trường học và những tuyến đường chính ở thủ đô.

Bộ trưởng Môi trường Khoa học Công nghệ Malaysisa Yeo Bee Yin cũng cho biết: “Chúng tôi có thể đảm bảo rằng chính phủ sẵn sàng thực hiện mưa nhân tạo bất cứ khi nào cần thiết để giảm nhẹ tác động của khói mù đối với sức khỏe của người dân. Mặc dù đây là biện pháp tạm thời nhưng chúng tôi đang làm mọi điều tốt nhất để đảm bảo sức khỏe cho người dân”.

Trang phân tích Eurasiareview cho rằng, có 3 nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng khói mù ở các nước Đông Nam Á đó là tác động của thời tiết, trong đó có hiện tượng El Nino, đốt rừng canh tác trên vùng đất nhiều than bùn và yếu tố con người. Việc các thành phố châu Á đang trải qua quá trình đô thị hóa nhanh chóng, dân cư tập trung đông đúc, lưu lượng vận tải lớn cũng gây ra ô nhiễm không khí. Tình trạng khói mù không chỉ ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á mà còn có nguy cơ tác động đến biến đổi khí hậu toàn cầu, đe dọa cuộc sống của con người trên hành tinh.

Nghị sĩ quốc hội Malaysia Charles Santiago cho rằng, để giải quyết tình trạng khói mù cần phải có sự hợp tác của cả ASEAN.

“Tôi nghĩ việc đổ lỗi cho nhau phải chấm dứt. Thế giới đang theo dõi liệu ASEAN có thể giải quyết các bất đồng lớn đang xảy ra trong khu vực của mình hay không. Và nếu chúng ta thất bại thì sẽ chứng minh sự không hiệu quả của khối trong việc giải quyết các vấn đề của mình”, ông Santiago nói.

Vấn đề khói mù qua biên giới cũng đã là tâm điểm của ASEAN trong những năm 1997 và 1998 với 8 triệu ha rừng tại Indonesia bị đốt để chuyển đổi thành đất nông nghiệp. Cuộc khủng hoảng đã khiến ASEAN phải kí Thỏa thuận kiểm soát ô nhiễm cháy rừng xuyên biên giới năm 2002.

Trang Eurasiareview cũng cho rằng, theo chu kì thì tình trạng này sẽ sớm kết thúc, nhưng cần phải có các giải pháp bền vững hơn. Theo đó, cần dựa trên 3 yếu tố là theo dõi thời tiết, đưa ra các biện pháp quản lí hiệu quả tình trạng đốt rừng để lấy đất canh tác và nâng cao nhận thức xã hội về hậu quả của khói mù.

Bạn đang đọc bài viết Khủng hoảng khói mù tại Đông Nam Á: Đâu là nguyên nhân và giải pháp?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới