Chủ nhật, 24/11/2024 08:34 (GMT+7)
Thứ sáu, 30/09/2022 07:05 (GMT+7)

Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu củng cố quyết tâm tăng năng lượng tái tạo

Theo dõi KTMT trên

Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội vừa tổ chức hội thảo "Kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia".

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan nhà nước, các tổ chức nước ngoài như: Phái đoàn EU, Ngân hàng Thế giới, Đại sứ quán Úc, Đại sứ quán Hoa Kỳ, JBIC, ADB, cùng các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu củng cố quyết tâm tăng năng lượng tái tạo - Ảnh 1
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - Nguyễn Mạnh Tiến chủ trì hội thảo.

Bà Kristina Buende - Trưởng ban hợp tác phát triển (Phái đoàn EU) đã trình bày vấn đề thế giới nóng hiện nay: Xử lý khủng hoảng năng lượng tại châu Âu.

Theo bà Kristina Buende: Trước khi xung đột Nga - Ukraina nổ ra, giá khí đốt sang châu Âu đã tăng chóng mặt. Điều này càng trở nên trầm trọng hơn khi cuộc xung đột đó nổ ra vào tháng 2/2022. Cung cấp khí đốt đến 13 thành viên EU đã bị cắt giảm một phần, hoặc toàn phần.

Nhưng sự đứt đoạn trong cung cấp khí không tạo ra mối đe dọa trực tiếp đến nguồn cấp năng lượng cho châu Âu. Hệ thống khí của châu Âu có sức chống chịu và tiếp nhận các nguồn cung khí khác để thay thế khí của Nga. Đến nay nguồn khí dự trữ đã vượt 81%.

Tuy vậy, giá năng lượng tăng vọt đã kích hoạt lạm phát, trùng với thời điểm châu Âu đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid. Lạm phát khu vực đồng Euro vào tháng 7/2022 đã lên tới 8,9%, trong đó năng lượng chiếm khoảng 4%.

EU đã sử dụng cách tiếp cận REPowerEU để ứng phó lại cuộc khủng hoảng. Đó là chiến lược để dần loại bỏ sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, đa dạng hóa nguồn cung nhờ những nhà cung cấp khác đáng tin cậy hơn và đảm bảo các nước EU có kho dự trữ khí đủ lớn. Các nước EU gồm 27 thành viên đàm phán chung với các nhà cung cấp để có giá tốt nhất.

EU đã đồng ý tăng gấp đôi lượng khí mua từ Azerbaijan vào năm 2027, đã thỏa thuận với Mỹ, Canada, Na Uy, Ai Cập và Israel, Qatar, Algeria và Nigeria về cung cấp khí đốt.

Từ tháng 1 đến tháng 7 nguồn khí từ Nga (cả theo đường ống và các tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng - LNG) giảm 32 tỷ mét khối so với cùng thời kỳ năm trước. Trong khi đó, nguồn cung ngoài Nga đã tăng 31 tỷ mét khối. Để chuẩn bị cho mùa đông này, các thành viên EU phải cắt giảm khoảng 15% lượng khí đốt đang sử dụng từ nay đến tháng 4/2023.

Cuộc khủng hoảng làm EU càng có động lực để đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch (như năng lượng tái tạo và hydrogen). Hiện nay, EU đang đứng số 1 thế giới về điện gió ngoài khơi và là khối có cam kết mạnh mẽ nhất về trung hòa carbon.

Kế hoạch REPowerEU đặt ra mục tiêu đạt 45% năng lượng tái tạo trong tổng nguồn năng lượng của EU. Để đạt được mục tiêu đó, cần tăng gấp đôi tốc độ lắp đặt năng lượng tái tạo. EU đã đơn giản hóa thủ tục đầu tư vào năng lượng mặt trời nhằm tăng gấp 4 lần công suất đặt vào năm 2030 so với năm 2020. Nhiều năng lượng tái tạo hơn có nghĩa là EU ít sử dụng năng lượng hóa thạch theo cam kết và ít phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài.

Các đại biểu khác tại hội thảo cũng chia sẻ các kinh nghiệm, chủ yếu trong lĩnh vực chính sách và thể chế nhằm thúc đẩy năng lượng sạch. Các đại biểu quốc tế hiểu rõ sự khác biệt giữa hệ thống năng lượng của một nước đã phát triển và của Việt Nam. Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên cần đáp ứng cả nhu cầu năng lượng đang tăng nhanh lẫn chuyển dịch năng lượng. Điều đó khó hơn nhiều so với một nước phát triển là đã có đủ năng lượng và nay chỉ tập trung vào chuyển dịch sang năng lượng sạch.

Vấn đề xã hội hóa lưới điện cũng được thảo luận, bởi đây là yếu tố quan trọng để phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo. Đại biểu trong nước cho biết, qua một nghiên cứu gần đây, các nước đã có những mô hình khác nhau để cho tư nhân tham gia lưới điện ở các mức độ khác nhau và an ninh lưới truyền tải không phải là vấn đề khó khăn, khi luật pháp có các quy định chặt chẽ. Nhưng các đại diện nước ngoài không cung cấp được nhiều thông tin về lĩnh vực này.

Một mảng đầu tư rất quan trọng cho tăng tỷ lệ hấp thụ NLTT của hệ thống là phát triển điện khí LNG cũng được một doanh nghiệp nước ngoài đề cập và hiện đang có những thách thức lớn đối với phát triển điện khí ở Việt Nam. Hạ tầng kho cảng LNG cần phát triển đủ lớn để có sức đàm phán hợp đồng mua dài hạn.

Một loạt các khó khăn trong phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam cũng được chia sẻ. Đối với phía điều độ hệ thống điện, tỷ lệ năng lượng tái tạo cao làm giảm quán tính hệ thống, mất ổn định lưới điện, gây quá tải cục bộ. Phía bên nhà đầu tư cũng nêu khó khăn do không bán được điện từ những dự án hoàn thành sau thời hạn giá FIT. Các bên đều mong mỏi Quy hoạch điện VIII sớm được thông qua để nhiều dự án có thể triển khai.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã kết luận hội thảo, cảm ơn các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm rất hữu ích và có các ý kiến đóng góp về chính sách phát triển năng lượng của Việt Nam.

ĐÀO NHẬT ĐÌNH - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu củng cố quyết tâm tăng năng lượng tái tạo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới