Chủ nhật, 24/11/2024 08:00 (GMT+7)
Thứ hai, 26/08/2019 17:32 (GMT+7)

Kiểm soát thị trường nội địa còn nhiều khó khăn

Theo dõi KTMT trên

Thời gian qua, để góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy phát triển thị trường trong hội nhập quốc tế, lực lượng Quản lý thị trường đã luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công Thương, kịp thời triển khai nhiều Kế hoạch, phương án đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Hiên nay, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng liên quan đến sức khỏe người dân như dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm còn xảy ra ở nhiều nơi nhất là khu vực đô thị... ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Kiểm soát thị trường nội địa còn nhiều khó khăn - Ảnh 1
Lực lượng QLTT triển khai nhiều biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa. Ảnh: TH

Cụ thể, qua công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên thị trường nội địa, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) nhận thấy:

Tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm

Tập trung chủ yếu vào nhóm hàng như: hàng may mặc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, điện thoại di động, đường cát, rượu, bia, nước giải khát, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh, thuốc lá điếu, pháo nổ... Hoạt động của các đối tượng buôn lậu diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn như hợp thức hóa theo hình thức quay vòng chứng từ, hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; vận chuyển hàng lậu qua đường hàng không dưới hình thức hàng xách tay, hành lý ký gửi vận chuyển nhận sau; các đối tượng thường xuyên thay đổi cung đường, tuyến đường, thời gian, địa điểm xuất hàng và tập kết hàng hóa để trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.

Đáng chú ý, phương thức vận chuyển hàng lậu, hàng cấm có thay đổi so với các năm trước, thay vì tập kết trên xe có tải trọng lớn, hiện nay các đối tượng xé lẻ hàng hóa, vận chuyển bằng xe mô tô, xe khách, xe có tải trọng nhẹ từ biên giới đưa vào nội địa tiêu thụ. Hàng lậu, hàng cấm được vận chuyển chủ yếu từ biên giới các tỉnh: Tây Nam Bộ (Long An, An Giang…), miền Trung (Quảng Trị, Hà Tĩnh,…), phía Bắc (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng…); thời gian vừa qua, việc vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua các cảng biển, cảng hàng không và đường sắt cũng vẫn diễn ra với nhiều vụ việc nổi cộm, phức tạp.

Về tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Thủ đoạn sản xuất hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi. Các đối tượng sản xuất sử dụng nguồn nguyên liệu giá thành thấp, mua trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ để pha trộn với một lượng hàng thật (rượu, xi măng, phân bón,…) hoặc tự sản xuất hàng, sau đó dán nhãn mác, niêm phong, của các doanh nghiệp đã được đăng ký nhãn hiệu.

Hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào tiêu thụ trong nước bằng nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu qua đường tiểu ngạch, nhập lậu, nhất là hàng hóa của các thương hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas, Lacoste, Louis Vuitton, Gucci, Lancome, Apple… Các mặt hàng vi phạm nhiều nhất vẫn là đồng hồ, mắt kính, túi xách, giày dép, quần áo...

Các đối tượng bị kiểm tra hầu hết tái phạm nhiều lần, mặc dù đã bị xử phạt và ký cam kết nhưng do lợi nhuận cao, hình thức xử phạt còn nhẹ, sự phối hợp kiểm tra, xử lý chưa đồng bộ, công tác quản lý của các Trung tâm thương mại, Ban Quản lý các chợ chưa quyết liệt, chặt chẽ dẫn đến vẫn còn tình trạng hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ được bày bán.

Kiểm soát thị trường nội địa còn nhiều khó khăn - Ảnh 2
Tình trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng diễn biến phức tạp - Ảnh minh họa.

Về tình hình vi phạm an toàn thực phẩm, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại

Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm, nhiều sản phẩm uy tín trong nước đáp ứng được nhu cầu về chất lượng được người tiêu dùng tin tưởng. Tuy nhiên, hoạt động vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu như gia súc, gia cầm, hoa quả, các chất phụ gia thực phẩm, chất bảo quản...không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn tồn tại; việc sử dụng thực phẩm hết hạn sử dụng, bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đúng với công bố chất lượng, chưa đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn diễn ra, nhất là của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhỏ, lẻ tại các chợ tạm gần các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư tập trung...

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dự báo sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng; đối tượng của hoạt động kinh doanh hàng lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại đa dạng, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi xảo quyệt, phạm vi hoạt động rộng. Để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả-góp phần phát triển thị trường trong hội nhập quốc tế, Lực lượng QLTT xác định tiếp tục tăng cường các giải pháp giám sát thị trường, chủ động thu thập thông tin, đánh giá thị trường để xây dựng phương án đấu tranh chuyên đề.

Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường tiếp tục rà soát, phát hiện những bất cập trong cơ chế chính sách để kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Nâng cao năng lực công tác cho công chức lực lượng QLTT. Thực hiện đầu tư trang thiết bị cho lực lượng, nhất là những thiết bị kiểm tra nhanh về thực phẩm, xăng dầu…; Tăng cường đào tạo, tập huấn các kỹ năng về nhận diện hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, kỹ thuật chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sử dụng công nghệ cao,...

Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh; đa dạng về hình thức tuyên truyền, để nâng cao ý thức người dân về tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với xã hội và kêu gọi mọi người không bao che, tiếp tay cho hành vi này; Tổ chức ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng và kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp đã ký cam kết nhưng vẫn vi phạm.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Kiểm soát thị trường nội địa còn nhiều khó khăn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới