Chủ nhật, 24/11/2024 06:46 (GMT+7)
Thứ sáu, 23/07/2021 10:54 (GMT+7)

'Kim chỉ nam' cho thập kỷ mới về bảo tồn đa dạng sinh học: Tìm cơ hội trong thách thức

Theo dõi KTMT trên

Đa dạng sinh học ở nước ta đang bị suy thoái nghiêm trọng và chiều hướng này có thể còn tiếp tục khi áp lực ngày càng gia tăng từ tăng trưởng và phát triển kinh tế và xã hội.

Trong bối cảnh đa dạng sinh học (ĐDSH) vẫn tiếp tục bị đe dọa và có chiều hướng suy giảm do áp lực phát triển kinh tế - xã hội và tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ, Việt Nam vẫn còn những cơ hội cho việc tăng cường công tác bảo tồn ĐDSH, mà việc lập Chiến lược quốc gia về bảo tồn ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xem như ”kim chỉ nam” để tận dụng được những cơ hội ấy.

Đối mặt thách thức mới

Đa dạng sinh học ở nước ta đang bị suy thoái nghiêm trọng và chiều hướng này có thể còn tiếp tục khi áp lực ngày càng gia tăng từ tăng trưởng và phát triển kinh tế và xã hội. Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 cho thấy, tăng trưởng GDP nước ta giai đoạn 2011 - 2020 đạt khoảng 5,9%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới.

'Kim chỉ nam' cho thập kỷ mới về bảo tồn đa dạng sinh học: Tìm cơ hội trong thách thức - Ảnh 1
Đến năm 2030, phải ngăn chặn sự gia tăng tốc độ suy thoái hệ sinh thái và mất ĐDSH.

Trong khi đó, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng áp lực tới các hệ sinh thái và loài. Ước tính có ít nhất 38,9% diện tích ĐBSCL và 16,8% diện tích Đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập nếu nước biển dâng lên 100 cm, kéo theo các hệ sinh thái ven biển ở Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng. Nghiên cứu của Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học/WWF/Đại học Stockholm cho rằng: “Đối với Việt Nam, có lẽ vùng ven biển, tài nguyên nước ngọt và sau đấy là ĐDSH (nhất là ĐDSH nông nghiệp và lâm nghiệp) sẽ là vùng/ lĩnh vực chịu hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và đây chính là những thách thức lớn mà chúng ta gặp phải trong quá trình phát triển bền vững của đất nước. Sự tương tác hai chiều giữa biến đổi khí hậu và ĐDSH mà hậu quả trực tiếp là sự mất đất, sự suy thoái của các hệ sinh thái nông nghiệp, lâm - nông nghiệp”.

Về phía người dân, nhận thức về bảo tồn ĐDSH còn chưa đầy đủ và toàn diện, còn thiên về lợi ích kinh tế trước mắt, chưa coi trọng phát triển bền vững. Ở khía cạnh quản lý, nguồn lực về quản lý đa dạng sinh học còn phân tán, chưa hiệu quả.

Đâu là cơ hội cho bảo tồn?

Trước những thách thức đặt ra, điểm tích cực là những cơ hội cho công tác bảo tồn ĐDSH vẫn còn đó và ngày càng rộng mở. Chính việc báo động suy giảm ĐDSH trên quy mô toàn cầu đang ở tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người, đe dọa tới tiến trình phát triển bền vững đã khiến cho mức độ quan tâm tới bảo tồn ĐDSH đang được gia tăng. Các nước trên thế giới đang soạn thảo Khung Chiến lược toàn cầu về ĐDSH đến năm 2030 - đây được coi là “kim chỉ nam” cho các hành động bảo tồn ĐDSH trên toàn cầu.

Còn tại Việt Nam, Bộ TN&MT cũng đang soạn thảo Chiến lược quốc gia về bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, phải ngăn chặn sự gia tăng tốc độ suy thoái hệ sinh thái và mất ĐDSH; ĐDSH và các dịch vụ hệ sinh thái được bảo tồn hiệu quả, duy trì và phát triển làm nền tảng của kinh tế xanh nhằm bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Chiến lược quốc gia về ĐDSH cần tương thích với Chiến lược toàn cầu về ĐDSH ở quan điểm, cách tiếp cận; đồng thời, đáp ứng yêu cầu về bảo tồn ĐDSH đang được đặt ra trong nhiều quyết sách của Đảng và Nhà nước. Xác định rõ vị trí của Chiến lược này trong mối tương quan với các luật, chiến lược, công ước về ĐDSH.

Chiến lược này phải kế thừa và phát huy những kết quả của Chiến lược giai đoạn trước, đưa ra những điểm đột phá trong công tác bảo tồn ĐDSH. Đây chính là cơ sở quan trọng cho những quyết sách và hành động để giữ được “mảng xanh” môi trường”.

TS. Võ Tuấn Nhân

Thứ trưởng Bộ TN&MT

Để đạt được mục tiêu này, điều kiện tiên quyết là phải huy động được các cấp chính quyền cao nhất với ý chí chính trị, nhận thức đầy đủ về tầm quan quan trọng và nhu cầu cấp bách hiện nay nhằm ngăn chặn mất ĐDSH và sống hài hòa với thiên nhiên.

Cùng với đó, cải cách các biện pháp khuyến khích, loại bỏ các trợ cấp có hại tới ĐDSH bao gồm các ưu đãi về kinh tế. Cải cách các lĩnh vực kinh tế theo hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Tăng cường nguồn lực cho công tác bảo tồn ĐDSH. Đồng thời, thúc đẩy sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của người dân địa phương và các thành phần trong xã hội trong việc ra quyết định liên quan đến bảo tồn ĐDSH và sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái, kể cả ở khu vực ưu tiên bảo tồn và cảnh quan sản xuất.

Cần đảm bảo rằng, ĐDSH được lồng ghép trong tất cả các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược của các lĩnh vực và áp dụng toàn diện trong các đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường về ĐDSH.

Yên Thi

Theo Báo TN&MT

Bạn đang đọc bài viết 'Kim chỉ nam' cho thập kỷ mới về bảo tồn đa dạng sinh học: Tìm cơ hội trong thách thức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới