Chủ nhật, 24/11/2024 11:33 (GMT+7)
Thứ ba, 11/01/2022 13:00 (GMT+7)

Kinh nghiệm Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường với Việt Nam?

Theo dõi KTMT trên

Thông qua việc đánh giá của Bộ chỉ số nhằm để xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, đồng thời khuyến khích nỗ lực của các địa phương trong công tác bảo vệ môi trường. Một số bài học được Việt Nam rút ra sau bảng xếp hạng đánh giá môi trường tại địa phương.

Thước đo về kết quả bảo vệ môi trường giữa các địa phương

Bộ chỉ số sẽ là căn cứ để đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường và mức độ hài lòng của người dân, tổ chức về công tác bảo vệ môi trường; trên cơ sở đó so sánh kết quả bảo vệ môi trường giữa các địa phương.

Thông qua việc đánh giá, cũng nhằm để xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu; Đồng thời khuyến khích nỗ lực của các địa phương trong công tác bảo vệ môi trường, bổ sung hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; Cũng như tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo sự đồng thuận xã hội trong công tác bảo vệ môi trường của các địa phương trên cả nước.

Kết quả đánh giá của Bộ chỉ số là cơ sở để báo cáo với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Việc đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương được thực hiện bằng hình thức tính điểm đối với các chỉ số thành phần của Bộ chỉ số. Điểm đánh giá của các chỉ số thành phần được sử dụng để tính chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của của các địa phương. Mỗi chỉ số thành phần có số điểm tối đa là 100 điểm.

Kinh nghiệm Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường với Việt Nam? - Ảnh 1
Thước đo về kết quả bảo vệ môi trường giữa các địa phương. (Ảnh minh họa)

Việc thực hiện các chỉ số nhóm I do UBND cấp tỉnh tổ chức thu thập, tổng hợp, đánh giá; chỉ số nhóm II sẽ được thực hiện thông qua điều tra xã hội học. Trên cơ sở kết quả tự đánh giá của các địa phương và đánh giá thông qua điều tra xã hội học, Bộ TN&MT sẽ thành lập Hội đồng Thẩm định liên ngành để tổ chức thẩm định, đánh giá. Kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương sẽ được công bố vào dịp Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm sau để đánh giá và được công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ TN&MT, của Tổng cục Môi trường và của các địa phương.

Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương phải bám sát chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, hệ thống chỉ tiêu thống kế các cấp; ưu tiên đánh giá các mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách về bảo vệ môi trường hiện hành. Bộ chỉ số phải bảo đảm tính khoa học, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đánh giá thực chất, khách quan kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương.

Bảo đảm sự tham gia của tổ chức, cá nhân trong quá trình đánh giá. Hình thành được hệ thống theo dõi, đánh giá đồng bộ, thống nhất về kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương để phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Những kinh nghiệm rút ra

Thứ nhất, để đảm bảo tính logic của Bộ chỉ số, việc xây dựng một khung lý thuyết (theoretical framework) là rất quan trọng. Khung lý thuyết này cần xác định chỉ số (index) đánh giá, các nhóm nội dung/vấn đề chính, các nhóm chính sách. Sau đó, các chỉ thị đại diện cho các nhóm chính sách được đề xuất và được lựa chọn theo những tiêu chí nhất định, ví dụ như tính đại diện, có thể đo lường được, sự sẵn có về số liệu, các tiêu chí “SMART".

Thứ hai, về phương pháp tính điểm, các nghiên cứu đều xây dựng một chỉ số tổng hợp (composite/aggregate index) như EPI, GCI… được tính thông qua các chỉ số thành phần (sub-index), hoặc tính trực tiếp từ các chỉ thị có xét đến trọng số. Việc xác định các trọng số cũng rất quan trọng, qua đó thể hiện được sự đánh giá, cân nhắc ưu tiên về vấn đề/chính sách môi trường quan tâm. Trọng số thường được xác định bằng phương pháp delphi (lấy ý kiến chuyên gia).

Điểm số của các chỉ thị được tính dựa trên kết quả đạt được so với mục tiêu về BVMT được đề ra của địa phương/quốc gia. Trường hợp, nếu vấn đề môi trường không có mục tiêu đề ra thì sử dụng 2 phương pháp: Xử lý thống kê tính điểm theo phương pháp trung bình cộng hoặc; Gán điểm mặc định, theo đó địa phương/quốc gia có giá trị tốt nhất được điểm tối đa (10 hoặc 100) và điểm của các địa phương/quốc gia khác được tính theo giá trị tốt nhất đó.

Thứ ba, cần bảo đảm tối đa tính độc lập, khách quan của việc đánh giá, xếp hạng. Cơ quan thực hiện đánh giá, xếp hạng thường là các đơn vị nghiên cứu trường đại học, cơ quan báo chí… không liên quan đến chính quyền các quốc gia/địa phương. Nguồn số liệu được thu thập chủ yếu là từ các nghiên cứu độc lập, không phải từ các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan chính quyền địa phương.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Kinh nghiệm Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường với Việt Nam?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới