Thứ năm, 09/01/2025 12:06 (GMT+7)
Thứ ba, 31/12/2024 06:45 (GMT+7)

Kinh tế Việt Nam vượt "cơn gió ngược" - Tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Theo dõi KTMT trên

Trước khó khăn, thách thức như những "cơn gió ngược", nền kinh tế Việt Nam năm 2024 đã kiên định vượt qua để mạnh mẽ tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Kinh tế Việt Nam vượt "cơn gió ngược" - Tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Ảnh 1

Nhận diện những "nốt trầm"

Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả về nội tại và bên ngoài.

Đối với nền kinh tế nước ta, các chuyên gia tại HSBC nhận định: “Với nền kinh tế mở và hội nhập đa phương diện, không khó để hình dung kinh tế Việt Nam đã trải qua một năm với nhiều nốt thăng trầm”.

Về các tác động bên ngoài, có thể thấy kinh tế thế giới đã trải qua một năm nhiều bất ổn, cùng những biến động khó lường. Căng thẳng địa chính trị kéo dài, xu hướng toàn cầu hoá đảo ngược, các kịch bản xoay quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cùng nhiều sự kiện kinh tế - chính trị khác đã khiến bức tranh kinh tế vốn đã phân hoá lại trở nên ngày càng phức tạp hơn.

Ở trong nước, khó khăn, thách thức đầu tiên có thể kể đến là phải xử lý những vướng mắc, bất cập trong nội tại nền kinh tế đã tồn đọng, tích tụ nhiều năm qua, đồng thời phải ứng phó với các vấn đề bất ngờ phát sinh, đặc biệt là hậu quả của bão số 3 (bão Yagi).

Tiếp đó là những “điểm nghẽn” về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Là tình trạng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự cạnh tranh giữa các siêu cường; số doanh nghiệp phá sản, phải dừng hoạt động tăng cao, gia tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng...

Những "nốt trầm" có thể kể ra, đó là Việt Nam sẽ dễ bị tổn thương nhất trước sự chậm lại trong chi tiêu của hộ gia đình Mỹ, cũng như sự thay đổi trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc được vận chuyển đến Hoa Kỳ từ “nền kinh tế trung gian". Theo thống kê, Việt Nam là nền kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong các nước ASEAN từ ​​nhu cầu tiêu dùng của Hoa Kỳ. 

Đối với thị trường tiền tệ, dựa vào diễn biến giá thuận lợi hơn đặc biệt là giá dầu và giá hàng hoá, lạm phát đã cho thấy sự điều tiết đáng kể trong những tháng gần đây. Về tỷ giá, cặp tỷ giá USD-VNĐ tiếp tục chứng kiến một năm với rất nhiều biến động khó lường. Cũng như nhiều loại tiền tệ khác trong khu vực, ngoại tệ của các quốc gia trong khu vực trong đó có Việt Nam đang đứng trước nhiều biến số khó lường trong thời gian gần đây do những nhiễu động trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ, các gói kích thích kinh tế của Trung Quốc và các căng thẳng địa chính trị khác.

Về lãi suất, trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra trong năm nay, NHNN đứng trước nhiệm vụ tương đối nặng nề khi điều hành chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ tăng trưởng thông qua phấn đấu giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, khi tỷ giá đứng trước áp lực tăng, chính sách tiền tệ của Mỹ và các quốc gia vẫn chưa chuyển hướng rõ rệt đặt ra rất nhiều thách thức để hoàn thành nhiệm vụ này. 

Bên cạnh đó, một trong những trụ cột còn lại là tiêu dùng bán lẻ trong nước đang phục hồi chậm hơn dự kiến ​​ban đầu, với mức tăng trưởng doanh số bán lẻ vẫn thấp hơn xu hướng trước đại dịch và sự phục hồi chưa mấy rõ rệt. 

Kinh tế Việt Nam vượt "cơn gió ngược" - Tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Ảnh 2

Gam màu sáng vượt trội trong bức tranh chung

Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam, sau khởi đầu khó khăn trong quý 1/2024, bức tranh kinh tế trong nước đa phần đã tích cực hơn khi đà phục hồi dần vững chắc qua các tháng của năm 2024, nhanh chóng đưa Việt Nam trở lại như một ngôi sao tăng trưởng trong khối ASEAN.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024, tăng trưởng kinh tế ước đạt trên 7% (vượt mức mục tiêu đề ra là 6 - 6,5% GDP), thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Theo báo cáo "Kinh tế số Đông Nam Á năm 2024" do Google - Temasek công bố, năm 2024, quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam đạt 36 tỉ USD, tăng 16% so với năm 2023. Thương mại điện tử bán lẻ tiếp tục là trụ cột với 22 tỉ USD, tăng 18% và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế Internet. Thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn và trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong top 10 của thế giới. Dự kiến, thương mại điện tử sẽ đạt 45 tỉ USD năm 2025. Với thị trường 100 triệu dân, chiếm 1,23% dân số thế giới, Việt Nam nằm cạnh các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN cho thấy tiềm năng phát triển thương mại điện tử của Việt Nam còn rất lớn. Năm 2024, theo xếp hạng của Liên hợp quốc, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là nhờ sự phục hồi của hoạt động sản xuất, xuất khẩu, du lịch và đầu tư. Xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành điểm sáng nổi bật, phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới gần 800 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước và vượt 2,5 lần kế hoạch được giao; cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD).

Theo tính toán của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, xuất khẩu cả năm 2024 ước đạt trên 404 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với năm 2023. Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 14,7%. Xuất khẩu dệt may, giày dép tăng trên 10%. Xuất khẩu thuỷ sản phục hồi mạnh, tăng trên 10%; rau quả tăng trên 20%.

Hiện Việt Nam là một trong những nước duy trì được tốc độ phát triển rất nhanh sau đại dịch. Việt Nam có độ mở kinh tế rất lớn với rất nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương và là điểm đến của dòng vốn FDI, cũng như là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng ta đang là đối tác chiến lược toàn diện với nhiều nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật…

Các "đại bàng" trên thế giới liên tiếp đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh với những dự án hàng tỷ USD. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nằm trong nhóm 15 nước hàng đầu và đạt gần 40 tỷ USD.

Đặc biệt, những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như NVIDIA đã "cập bến", tạo nên dấu mốc lịch sử, hay như Google cũng lên kế hoạch đầu tư vào Việt Nam...

Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Mặc dù bối cảnh quốc tế và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Lạm phát tăng cao, xung đột địa chính trị kéo dài, sự tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế lớn, nhưng kinh tế Việt Nam đã vượt qua khó khăn để đạt được những thành tựu nổi bật. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi tích cực. Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực. Thành công của Việt Nam chứng tỏ sự hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, kỷ nguyên thịnh vượng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng thành công nước Việt Nam XHCN, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Vững vàng tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Kinh tế Việt Nam vượt "cơn gió ngược" - Tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Ảnh 3

Năm 2025, mục tiêu tăng trưởng đạt 7 - 7,5% GDP, phấn đấu tăng trưởng khoảng 8% GDP để tạo lực, tạo khí thế thực hiện kế hoạch năm 2026 và tạo đà phấn đấu mức 2 con số trong giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu GDP bình quân đầu người 4.900 USD nhằm tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế trên quy mô quốc tế. Phấn đấu Việt Nam xếp hạng 31 - 33 thế giới về quy mô GDP năm 2025. Tỉ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%; tăng năng suất lao động xã hội bình quân từ 5,3 - 5,5%; đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng tỉ trọng kinh tế số trong GDP lên khoảng 20%. Mặc dù tăng trưởng đạt trên 7% GDP năm 2024, nhưng nền tảng của sự phục hồi và tăng trưởng trong dài hạn chưa thực sự bền vững.

Trong Công điện số 140/CĐ-TTg ngày 27/12/2024 về việc phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung xây dựng ngay kịch bản phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 của cả nước và từng địa phương ở mức hai con số.

Để đạt các mục tiêu năm 2025, Chính phủ đề ra một loạt nhiệm vụ trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát: Tập trung kiểm soát lạm phát ở mức khoảng dưới 4% (khoảng 3,87% năm 2025 và 3,83% năm 20265. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Hai kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025: Kịch bản thứ nhất, dự báo tích cực: Tăng trưởng đạt 6,8% GDP nhờ xuất khẩu tăng (khoảng 11,7% cao hơn 9,8% năm 2024); Kịch bản thứ hai, dự báo tiêu cực hơn: Mức tăng trưởng chỉ còn 5,6% GDP do cả xuất khẩu và đầu tư (FDI) đều suy giảm do lo ngại tác động của chính sách hạn chế thương mại của Mỹ đến hàng hóa toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Chuyển đổi kép (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh) sẽ là động lực cho tăng trưởng quan trọng cho kinh tế Việt Nam và Việt Nam có những thuận lợi nhất định để triển khai. Một điểm quan trọng nữa trong năm sau chính là cần tiếp tục tập trung đầu tư cho hạ tầng, vì đây là một trong nền tảng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và thu hút vốn FDI chất lượng vào Việt Nam.

PGS.TS Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính) nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 được đánh giá tích cực, nhờ vào các yếu tố nội tại mạnh mẽ và sự cải thiện trong nhiều lĩnh vực quan trọng. Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 6,6%, trong khi Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) kỳ vọng mức tăng trưởng đạt 6,2%, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Nghị quyết của Quốc hội cũng đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5-7%, với kỳ vọng đạt 7-7,5% nếu điều kiện thuận lợi.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, ông Long cho rằng, các giải pháp đột phá như cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và hỗ trợ tài khóa cho doanh nghiệp và người dân cần được triển khai quyết liệt hơn nữa.

Theo chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương, trong bối cảnh lạm phát gia tăng và nguy cơ suy thoái toàn cầu, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt và thận trọng. Ngân hàng Nhà nước nên thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc sử dụng hiệu quả nguồn lực công cũng là một yếu tố quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nhờ giảm áp lực lên ngân sách, nguồn lực được tập trung đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như hạ tầng, giáo dục, và công nghệ. Một môi trường kinh doanh ít rào cản hành chính và chi phí lãng phí sẽ giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong việc thu hút dòng vốn FDI so với các quốc gia trong khu vực.

Cùng với đó, các chính sách tinh gọn và chống lãng phí không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững. Việc sử dụng ngân sách hiệu quả hơn sẽ tạo điều kiện để đầu tư vào các dự án xanh, thân thiện với môi trường, đảm bảo tăng trưởng gắn liền với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Một bộ máy vận hành hiệu quả cũng giúp chính phủ tập trung vào các mục tiêu dài hạn, như phát triển năng lượng tái tạo, xây dựng hạ tầng hiện đại và thúc đẩy chuyển đổi số.

Giữa những biến động địa chính trị, cuộc đua công nghệ và áp lực lạm phát toàn cầu, kinh tế Việt Nam năm 2025 được dự báo sẽ đối mặt với cả thách thức và cơ hội. Đặc biệt, thách thức càng lớn hơn khi Chính phủ đặt quyết tâm đưa kinh tế năm 2025 đạt mức tăng trưởng 8%, thay vì mức 6,5 - 7%, phấn đấu đạt 7 - 7,5% như Quốc hội đã quyết nghị.

Nhưng, dù khó khăn thách thức thế nào chăng nữa, nhưng với quyết tâm tháo gỡ khó khăn cùng các giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, kinh tế Việt năm 2025 sẽ có tăng trưởng tích cực, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trung và dài hạn.

Chính phủ đang cho thấy một thái độ rất quyết liệt trong thúc đẩy đầu tư công, tập trung vào nhiều dự án hạ tầng chiến lược kết nối các trung tâm kinh tế. Đây là sẽ một bệ phóng quan trọng đưa Việt Nam vững vàng tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025:

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5 - 7,0% và phấn đấu khoảng 7,0 - 7,5%.

2. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 đô la Mỹ (USD).

3. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%.

4. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.

5. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,3 - 5,4%.

6. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 25 - 26%.

7. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 70%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 29 - 29,5%.

8. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

9. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 0,8 - 1%.

10. Số bác sĩ trên 1 vạn dân đạt khoảng 15 bác sĩ.

11. Số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 34,5 giường bệnh.

12. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,15%.

13. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 80,5 - 81,5%.

14. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%.

15. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.

Minh Thành

Bạn đang đọc bài viết Kinh tế Việt Nam vượt "cơn gió ngược" - Tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới