Chủ nhật, 24/11/2024 08:35 (GMT+7)
Thứ sáu, 31/01/2020 06:00 (GMT+7)

Kỳ 2: Nhà hoạt động môi trường và phong trào 'Thứ Sáu vì tương lai'

Theo dõi KTMT trên

Thời tiết biển khắc nghiệt của tháng 11 đã khiến chuyến vượt biển của Greta gặp không ít khó khăn. Cô bé bị say sóng và bị cơn bão đánh thức bằng tiếng sấm rền cùng những con sóng dữ dội tưởng như có thể đập tan con thuyền. Tuy vậy, Greta vẫn không hề chùn bước và im lặng đối diện với khó khăn theo cách của riêng mình.

Cô bé dành hàng giờ mỗi chiều dưới khoang thuyền nghe sách nói và chơi cùng những thành viên trên thuyền. Vào những ngày đẹp trời, cô bé lên boong ngắm nhìn đại dương rộng lớn, nơi đang chứa hàng tấn rác nhựa dưới đáy sâu và mực nước đang dâng mỗi ngày do băng nơi cực Bắc tan chảy.

Khi còn là học sinh tiểu học, lớp của Greta được giáo viên cho xem một thước phim về hậu quả của biến đổi khí hậu: những con gấu Bắc Cực đang chết đói, thời tiết khắc nghiệt và lũ lụt. Tuy cảm thấy nặng nề nhưng sau đó những thước phim đã được lũ trẻ nhanh chóng cho vào quên lãng. Greta thì không, cô bé cảm thấy cực kỳ cô độc và rơi vào trạng thái trầm uất nặng khi chỉ mới 11 tuổi.

Kỳ 2: Nhà hoạt động môi trường và phong trào 'Thứ Sáu vì tương lai' - Ảnh 1

Trong hàng tháng trời, Greta đã gần như không hề nói chuyện với mọi người cũng như bỏ bê việc ăn uống. Cô bé đã suýt phải nằm viện do suy dinh dưỡng và tình trạng đó sau này đã ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể, khiến em mang vóc dáng bé nhỏ như mới chỉ 12 dù đã bước qua tuổi 16.

Greta kể lại, lúc đó cô đã ở trong tình trạng vô cùng bối rối: “Tôi luôn tự hỏi tại sao những điều tồi tệ như vậy xảy ra mà chúng ta lại không lưu tâm đến? Có lẽ lúc đó tôi cũng có một chút tự an ủi rằng các chính phủ sẽ phải có biện pháp với những điều đang xảy ra”.

Ban đầu, cha của Greta – ông Svante Thunberg trấn an con gái rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu sâu hơn về vấn đề khí hậu, ông đã phải thừa nhận rằng Greta có lý: “Con bé đã đúng và tôi đã luôn sai”. Nhằm xoa dịu con gái, ông Svante đã cùng gia đình thay đổi thói quen sống nhằm giảm thiểu lượng carbon thải ra: Họ dừng ăn thịt, lắp pin mặt trời, tự trồng rau và dần từ bỏ việc đi máy bay. Ðây là một sự hy sinh lớn với mẹ Greta – bà Malena Ernman do bà là ca sĩ opera hàng đầu tại Thụy Ðiển và thường xuyên có những chuyến công diễn khắp châu Âu.

Ông Svante thành thật tâm sự: “Chúng tôi làm những điều này không thực sự là để bảo vệ môi trường. Thậm chí ban đầu chúng tôi còn chẳng quan tâm mấy đến vấn đề này. Chúng tôi chỉ muốn làm con gái vui và quay trở lại cuộc sống”.

Kỳ 2: Nhà hoạt động môi trường và phong trào 'Thứ Sáu vì tương lai' - Ảnh 2

Nhờ nỗ lực của cả gia đình, Greta dần dà đã ăn uống và nói chuyện trở lại. Nguyên nhân của những động thái quyết liệt như vậy từ Greta là do hội chứng Asperger khiến bộ não của cô bé không xử lý thông tin như những người bình thường.

Việc hành tinh đang lâm nguy đã khiến Greta cảm thấy choáng ngợp dẫn đến việc trầm uất và phẫn nộ. Cô bé nói rằng mình nhìn thế giới rạch ròi với hai màu trắng đen: “Tôi không thích phải thỏa hiệp. Nếu là một người bình thường tôi đã bỏ qua khủng hoảng này và tiếp tục sống cuộc sống của mình”. Greta cũng bày tỏ rằng mình thấy mừng khi mắc hội chứng tâm lý này vì khi não bộ của mình khác biệt, cô bé có thể dành hàng giờ để đọc những gì mình thích.

Quan điểm và cách nói của Greta thể hiện rõ sự già dặn so với độ tuổi của mình, điều cũng khiến cô bé tách biệt với bạn bè đồng trang lứa. “Bọn trẻ thật phiền phức!” Greta thừa nhận mỗi khi chạm mặt bạn học ở trường, dường như cô bé không thuộc về tập thể đó.

Vào tháng 5/2018, sau khi bài viết về biến đổi khí hậu của Greta được đăng trên một tờ báo Thụy Ðiển, một vài nhà hoạt động môi trường vùng Scandinavia đã liên hệ với cô bé và Greta rủ họ cùng làm theo trường trung học Marjory Stoneman Douglas tại Parkland, nơi hiện tại học sinh đang tổ chức bãi khóa nhằm phản đối bạo lực súng đạn tại Mỹ. Ý kiến này đã bị những nhà hoạt động môi trường phản đối nhưng nó lại tạo dấu ấn đối với Greta.

Cô bé thông báo với cha mẹ rằng mình sẽ bãi khóa đến tháng 9, thời điểm diễn ra cuộc bầu cử ở Thụy Ðiển, để gây áp lực khiến chính phủ đạt được cam kết của Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Bố mẹ Greta không hài lòng khi con gái bỏ học trong thời gian dài như vậy và giáo viên ở trường cũng khuyên cô bé nên tìm cách biểu tình khác.

Kỳ 2: Nhà hoạt động môi trường và phong trào 'Thứ Sáu vì tương lai' - Ảnh 3
Giới trẻ khắp thế giới tham gia biểu tình chống biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, Greta đã không bị những sự phản đối này làm lung lay. Cô bé đã tự làm tờ rơi nói lên hiện thực môi trường kèm theo tuyên ngôn: “Tên tôi là Greta. Tôi đang học lớp 9 và tôi đang bãi khóa vì môi trường. Nếu như các người, những người trưởng thành, không để tâm tới tương lai của tôi thì tôi cũng làm như vậy”. Vào ngày 20/8/2018, Greta tới Quốc hội Thụy Ðiển cầm theo tấm biểu ngữ tự chế.

Tuy không nhận được sự ủng hộ hay hậu thuẫn từ bất kỳ ai, Greta vẫn kiên trì với mục tiêu của mình. “Biết về biến đổi khí hậu đã đẩy tôi đến trầm cảm nhưng nó cũng khiến tôi thoát khỏi tình trạng đó. Tôi biết mình vẫn có thể làm gì đó để cứu vãn tình hình, vì vậy không nên phí thời gian mà cảm thấy u uất”, Greta cho biết và cha cô bé cũng nói rằng việc bãi khóa đã khiến con gái mình “như được sống lại”.

Ban đầu, chỉ có Greta đơn độc ngoài tòa Quốc hội. Cô bé đăng việc biểu tình của mình lên mạng xã hội và cũng có một vài phóng viên tới nói chuyện với cô nhưng phần lớn thời gian trong ngày, cô bé chỉ lặng lẽ một mình trên phố cho tới giờ tan học, cha cô bé đến đón và cả hai cùng đạp xe về. Tới hôm sau, một người lạ đã tham gia bãi khóa cùng Greta và nhiều người hơn đã đến vào những ngày sau đó. Chẳng mấy chốc, số người tham gia biểu tình vì môi trường đã tăng lên hàng ngàn người.

Tới đầu tháng 9/2018, khi số người biểu tình ở Stockholm đã đủ lớn, Greta tuyên bố mình sẽ tham gia bãi khóa vào mỗi thứ Sáu cho tới khi Thụy Ðiển tham gia Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu: Phong trào “Thứ Sáu vì tương lai” ra đời và tới cuối năm 2018, hàng chục ngàn học sinh trên khắp châu Âu đã bỏ học vào thứ Sáu hàng tuần để biểu tình, yêu cầu chính phủ nước họ phải hành động.

Vào tháng 1/2019, 35.000 học sinh tại Bỉ đã noi theo tấm gương của Greta. Cuộc biểu tình đạt tới đỉnh điểm khi Bộ trưởng môi trường Bỉ đã lên tiếng chỉ trích và xúc phạm những người biểu tình, gây ra sự phẫn nộ rộng rãi, khiến công chúng kêu gọi buộc bà phải từ chức.

Chỉ một năm sau khi Greta xuất hiện bên ngoài Quốc hội Thụy Ðiển với tấm biểu ngữ, phong trào bãi khóa vì môi trường đã lan rộng ra ngoài khu vực Bắc Âu. Tại New York (Mỹ), khoảng 250.000 người đã tham gia tuần hành tại công viên Battery và ngoài tòa thị chính. Khoảng 100.000 người đã tập trung ở khu vực gần Tu viện Westminster và tháp đồng hồ Big Ben ở London (Anh). Tổng cộng 1,4 triệu người đã biểu tình trên khắp đường phố tại gần 600 thành phố và thị trấn ở Ðức trong đó có hàng ngàn người đổ về cánh cổng Brandenburg tại thủ đô Berlin.

Ngoài ra, ước tính 4 triệu người với mọi lứa tuổi trên khắp thế giới từ Nam Cực tới Papa New Guinea, từ Kabul tới Johannesburg đã tham gia biểu tình. Trong đó, hàng trăm người đã đưa hình ảnh của Greta hoặc những câu nói của cô bé lên băng rôn và biểu ngữ của mình. “Làm thế giới Greta trở lại” đã trở thành lời kêu gọi mang tính toàn cầu và Greta Thunberg đã trở thành nguồn cảm hứng lớn với giới trẻ ở khắp nơi trên Trái đất.

“Tôi muốn mình giống như cô ấy”, Rita Amorim, một học sinh 16 tuổi tại Lisbon cho biết. Cô bé đã phải đợi hàng giờ đồng hồ để có thể nhìn thoáng được Greta. Không chỉ có Rita, Vidit Baya, một thanh niên 17 tuổi cũng tổ chức bãi khóa vì môi trường tại Udaipur, Ấn Ðộ.

Kỳ 2: Nhà hoạt động môi trường và phong trào 'Thứ Sáu vì tương lai' - Ảnh 4
Gia đình Thunberg - Ernman: Greta cùng bố Svente Thunberg, mẹ Malena Ernman, em gái Beata cùng hai a cún cưng Roxy và Moses (ảnh trái). Greta chụp cùng em gái (ảnh phải).

Cuộc biểu tình khởi đầu với chỉ 6 người vào tháng 3 đã phát triển với 80 người tham gia vào tháng 9. Ridhima Pandey 11 tuổi, đã cùng 15 đứa trẻ khác bao gồm cả Greta Thunberg gửi khiếu nại lên LHQ cáo buộc Ðức, Pháp, Brazil, Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ đã không có động thái quyết liệt đối phó với khủng hoảng môi trường, góp phần xâm phạm quyền trẻ em.

Vào thời điểm rừng Amazon bốc cháy, cô gái trẻ Artemisa Xakriabá ở Brazil đã tham gia tuần hành cùng những người phụ nữ địa phương và sau đó tới New York tham gia Hội nghị thượng đỉnh LHQ về biến đổi khí hậu.

Ở New York, cô gái gốc Mexico Xiye Bastida 17 tuổi đã dẫn đầu 600 học sinh tổ chức tuần hành vì môi trường từ trường trung học Mahattan. Ở Kampala, Uganda, cô gái 22 tuổi Hilda Nakabuye bắt đầu phong trào “Thứ Sáu vì tương lai” của riêng mình sau khi chứng kiến biến đổi khí hậu đã dẫn đến những cơn hạn hán và mưa lớn phá hoại cây trồng của gia đình mình. “Cuộc sống của tôi đã phải hứng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngay trước khi tôi biết đến khái niệm này”, cô cho biết.

Hành động của các bạn trẻ cũng truyền cảm hứng cho các bậc phụ huynh. Ở São Paulo (Brazil), Isabella Prata đã tham gia đoàn thể với tên “Phụ huynh vì tương lai” nhằm ủng hộ những nhà hoạt động môi trường nhí. Cô nhận xét: “Greta Thunberg là đại diện của toàn bộ thế hệ trẻ”.

Mọi thứ diễn ra thật nhanh chóng. Chỉ hơn 1 năm trước, Greta mới chỉ là một cô gái tuổi teen không bạn bè, ngồi đơn độc hàng giờ trên phố đơn phương độc mã đấu tranh cho mục tiêu của mình. Giờ đây, em đã trở thành tiếng nói của hàng triệu người và là biểu tượng của cuộc “nổi dậy toàn cầu”.

Kỳ 2: Nhà hoạt động môi trường và phong trào 'Thứ Sáu vì tương lai' - Ảnh 5Kỳ 1: Cô gái 16 tuổi lan tỏa Khát vọng xanh đi khắp thế giới

Phương Nguyên

Bạn đang đọc bài viết Kỳ 2: Nhà hoạt động môi trường và phong trào 'Thứ Sáu vì tương lai'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới