Chủ nhật, 24/11/2024 08:24 (GMT+7)
Thứ ba, 13/10/2020 13:32 (GMT+7)

Kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10: Khẳng định vai trò, vị thế của doanh nghiệp, doanh nhân

Theo dõi KTMT trên

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Ngày 20/9/2004 Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã kí Quyết định số 990/QĐ-TTg về Ngày Doanh nhân Việt Nam và lấy ngày 13/10 là "Ngày doanh nhân Việt Nam" hàng năm.

Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, chính ngày này năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương Việt Nam ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "… Hiện nay Công thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích lợi quốc dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng.

Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng…".

Kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10: Khẳng định vai trò, vị thế của doanh nghiệp, doanh nhân - Ảnh 1
Kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho giới doanh nhân; Diễn đàn doanh nhân 2020 “Doanh nhân Việt Nam – Tổ quốc gọi tên mình” với chủ đề “Đảng với doanh nhân”.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện cả nước có hơn 700.000 doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh - về bản chất là tương đương 5 triệu doanh nhân. Doanh nhân đã đưa Việt Nam tiên phong đóng góp xóa nghèo. Đội ngũ doanh nhân đang đồng hành cùng Chính phủ hoàn thành mục tiêu thoát khỏi bẫy thu nhập, đưa đất nước trở nên hùng cường, doanh nhân là động lực chủ đạo xây dựng nền kinh tế.

Trong nhiều năm qua, thế giới đã công nhận nhiều tỉ phú Việt Nam, đó là những doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước như ông Phạm Nhật Vượng (Vingroup), ông Trần Bá Dương (Thaco), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet), ông Nguyễn Đăng Quang (Masan Group), ông Trần Đình Long (Hòa Phát Group), ông Trương Gia Bình (FPT)…

Ông Lộc cũng cho biết, Chính phủ đã có nhiều hành động rất thiết thực để thúc đẩy môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Cơ chế đối thoại giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh, qua đó Chính phủ lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, hiến kế của cộng đồng doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật...

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay, khi Việt Nam tham gia vào những "sân chơi" lớn như: Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Liên hiệp châu Âu - Việt Nam (EVFTA),... vai trò của đội ngũ doanh nhân ngày càng thể hiện rõ nét khát vọng vươn lên cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ, nâng cao vị thế Việt Nam, từng bước trở thành đôi cánh giúp nền kinh tế Việt Nam bay lên trên trường quốc tế.

Mới đây, chia sẻ với báo Nhân dân, Chủ tịch Tập đoàn Ðèo Cả Hồ Minh Hoàng bày tỏ: Trong bối cảnh hiện nay, để đủ năng lực cạnh tranh và phát triển, doanh nghiệp xác định sẽ tích cực và thẳng thắn tham gia đóng góp ý kiến để cùng với Nhà nước tạo ra một môi trường đầu tư phù hợp trong tương lai. Ðồng thời, mở rộng liên doanh, liên kết, chia sẻ kinh nghiệm và trách nhiệm, tạo ra các chuỗi cung ứng giảm thiểu chi phí và tối ưu lực lượng sản xuất, nhận diện các yếu kém, xác định hạn chế để dũng cảm thay đổi, khắc phục. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay là phải nâng cao năng lực quản trị, hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách bài bản, có trách nhiệm, phát triển bền vững, trong đó bảo đảm kết hợp với cả mục tiêu lợi nhuận gồm kinh tế, xã hội, môi trường, quan tâm đến cộng đồng.

Có thể thấy, cần có những doanh nghiệp dẫn đầu mạnh, đủ sức tạo ra chuỗi giá trị lớn, đủ khả năng dẫn dắt. Hiện, Việt Nam đã có nhiều đơn vị đủ tiềm lực như: Viettel, Vingroup, Vietnam Airlines, Vinamilk, FPT, Thaco, TH Group,... Những DN này đang ngày một lớn dần về cả về quy mô, năng lực cạnh tranh, sản phẩm dịch vụ, quản trị điều hành, công nghệ,...

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp nào lọt tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, mới chỉ có những doanh nghiệp lớn về số lượng như tổng tài sản, lao động, doanh thu, lợi nhuận,... mà chưa có những doanh nghiệp "lớn" thật sự khi chưa tham gia sâu rộng vào "sân chơi" hội nhập quốc tế, xây dựng thương hiệu toàn cầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn còn một số điểm yếu cần khắc phục về quy mô (vừa và nhỏ), công nghệ tương đối lạc hậu, năng suất lao động thấp.

Kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10: Khẳng định vai trò, vị thế của doanh nghiệp, doanh nhân - Ảnh 2
Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp nào lọt tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, vẫn còn thiếu tính gắn kết, đoàn kết cho nên dẫn tới xây dựng chuỗi cung ứng chưa tốt, liên kết giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước còn kém. Các doanh nghiệp vẫn thiếu tính trách nhiệm, tinh thần đổi mới sáng tạo chưa cao. Ðây đang là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam hiện nay.

Để có thể bắt kịp xu hướng hội nhập, thời gian tới, cộng đồng doanh nhân Việt Nam phải quyết tâm đổi mới và nâng tầm doanh nghiệp, kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp hơn, đồng thời tiếp tục gắn với trách nhiệm xã hội.

Mặt khác, cần có tinh thần đổi mới sáng tạo quyết liệt hơn nữa trong bối cảnh kinh tế - xã hội đang nhiều thay đổi và hội nhập. Trong đó, phải tập trung vào các yếu tố đột phá như về con người, công nghiệp và có những sản phẩm vượt trội, thương hiệu, uy tín trên thị trường. Trong tương lai, môi trường xã hội, môi trường pháp lý thuận lợi hơn sẽ tạo điều kiện để doanh nhân Việt Nam ngày càng phát huy mạnh mẽ sở trường và tiềm năng của mình, vươn ra tầm thế giới.

Hà Linh

Bạn đang đọc bài viết Kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10: Khẳng định vai trò, vị thế của doanh nghiệp, doanh nhân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới