Chủ nhật, 24/11/2024 09:31 (GMT+7)
Thứ sáu, 15/09/2023 10:10 (GMT+7)

Lai lịch “khủng” của doanh nghiệp đang muốn hợp tác với công ty Mỹ làm siêu cảng 6,7 tỷ USD

Theo dõi KTMT trên

Tập đoàn Gemadept, một trong những doanh nghiệp khai thác cảng, vận tải biển, logictics lớn nhất Việt Nam và Công ty Seattle (Mỹ) sẽ công bố ý định hợp tác trong các dự án cảng chiến lược ở miền Nam.

Muốn làm dự án siêu cảng 6,7 tỷ USD

Theo thông tin được phía Nhà Trắng công bố mới đây, Công ty điều hành cảng SSA Marine (Seattle) và Công ty Gemadept sẽ công bố ý định hợp tác trong các dự án cảng chiến lược ở miền Nam Việt Nam, bao gồm mối quan tâm chung trong việc phát triển Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ trị giá 6,7 tỷ USD.

Với quy mô lên tới 2000 ha và tổng mức đầu tư là 6,7 tỷ USD, sau khi hoàn thành Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ sẽ trở thành trung tâm logistics lớn nhất Việt Nam.

Lai lịch “khủng” của doanh nghiệp đang muốn hợp tác với công ty Mỹ làm siêu cảng 6,7 tỷ USD - Ảnh 1
Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ là dự án quan trọng cấp quốc gia. (Ảnh minh hoạ)

Dự án này được xây dựng ngay tại cửa sông Cái Mép và sông Thị Vải thuộc  phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ với 2 phân khu chính là Trung tâm logistics và bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu. Đây là dự án quan trọng cấp quốc gia,  được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 vào tháng 9/2020, điều chỉnh cục bộ vào tháng 4/2022.

Dự án ban đầu được UBND tỉnh Vũng Tàu phê duyệt với diện tích khoảng 1.800ha, với 2 phân khu chính là Trung tâm Logistics và Bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu.

Tại hội thảo góp ý phương án đầu tư dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ ngày 1/10/2022, đơn vị tư vấn - Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng và kỹ thuật biển (Portcoast) đưa ra hình thức đầu tư theo hai phương án đấu giá, chọn một nhà đầu tư duy nhất hoặc nhiều nhà đầu tư; phân kỳ đầu tư cảng. Theo đó, Portcoast đề xuất, trong giai đoạn 1 từ nay đến năm 2030 đầu tư xây dựng Trung tâm logistics Cái Mép Hạ với diện tích 891,17ha; giai đoạn 2 từ sau năm 2025 đầu tư xây dựng bến cảng Cái Mép Hạ Hạ lưu với diện tích 594,33ha. Tổng mức đầu tư dự án là 154.391 tỷ đồng.

Đến tháng 6/2023, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã điều chỉnh quy hoạch từ 1.763ha lên gần 2.204ha. Trong đó diện tích dự án khoảng 1.687ha, bao gồm: Trung tâm logistics và bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu là 1.485ha, diện tích mặt nước giảm còn khoảng 202ha. Bên cạnh đó, đất dự trữ kho năng lượng sạch với gần 198ha sẽ được điều chỉnh thành đất phục vụ logistics và cảng, diện tích còn lại quy hoạch thêm khu mặt nước tiềm năng.

Việc điều chỉnh này nhằm kéo dài bến cảng ra phía luồng để có thể tiếp nhận tàu có tải trọng lớn nhất thế giới, đến 250.000 tấn (24.000 TEU). Ngoài ra, đất dự trữ kho năng lượng sạch với gần 198ha sẽ được điều chỉnh thành đất phục vụ logistics và cảng, đồng thời quy hoạch thêm khu mặt nước tiềm năng.

Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ là dự án quan trọng cấp quốc gia, khi được hoàn thiện sẽ giúp giải quyết bài toán tối ưu hóa chi phí vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, là khu vực có chức năng tiếp nhận, trung chuyển hàng hóa đi/đến các tỉnh, thành phố trong cả nước và các quốc gia trên thế giới thông qua đường biển, đường thủy nội địa và đường bộ, gắn kết với khu dịch vụ hỗ trợ khác như: kiểm tra hải quan, biên phòng, kiểm dịch, tài chính ngân hàng, cơ sở đào tạo logistics.

Hiện nay, ngoài Gemadept và Seattle, có 7 nhà đầu tư khác đang quan tâm đến dự án gồm Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội - Geleximco; Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại quốc tế - ITC (Liên doanh Geleximco - ITC); Liên danh Việt Nam - EU giữa Besix - Boskalis - Hateco; Công ty Cổ phần IMG Innovations; Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương; Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời; Công ty Cổ phần Công nghệ - Viễn thông Sài Gòn; Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn.

“Ông trùm” ngành cảng Việt Nam

Tập đoàn Gemadept được thành lập năm 1990, ban đầu là công ty vốn Nhà nước. Sau đó năm 1993 được Nhà nước chọn thí điểm cổ phần hoá và bắt đầu niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam vào năm 2002 với mã chứng khoán là GMD.

Hiện nay, trụ sở của Gemadept nằm tại số 6 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Đây là một công ty cổ phần hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Được mệnh danh là “ông trùm” ngành cảng Việt Nam, Gemadept đang khai thác hệ thống cảng trải dọc từ Bắc chí Nam, tại các thành phố lớn và các vùng kinh tế trọng điểm: cảng Nam Hải, cảng Nam Hải Đình Vũ, cảng Nam Đình Vũ, Nam Hải ICD, cảng Dung Quất, cảng Phước Long, cảng Bình Dương và cảng nước sâu Germalink Cái Mép.

Ngoài khai thác cảng, tập đoàn này còn hoạt đông trên các lĩnh vực như, logistics, trồng rừng và bất động sản.

Cụ thể, đối với logistics, Gemadept có Trung tâm phân phối; Vận tải container chuyên tuyến; Vận tải hàng siêu trường siêu trọng; Vận tải đa phương thức; Quản lý tàu và thuyền viên; Đại lý giao nhận; Ga hàng hóa hàng không,...

Về trồng rừng, công ty trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến cây cao su và cây công nghiệp tại Campuchia.

Về lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp này xây dựng và khai thác các trung tâm thương mại, khách sạn, cao ốc văn phòng ở các thành phố lớn tại Việt Nam và khu vực Đông Dương bao gồm: dự án Khu phức hợp Saigon Gem và dự án Khu phức hợp tại Viêng Chăn-Lào.

Tại thời điểm tháng 6/2023, tập đoàn này có 21 công ty con và 16 công ty liên doanh, liên kết.

Về cơ cấu cổ đông, hiện cổ đông nước ngoài 49% vốn tại tập đoàn, 51% còn lại là các cổ đông khác. Các cổ đông tổ chức lớn của Gemadept gồm: Công ty TNHH SSJ Consulting (Việt Nam) nắm giữ 29,692,496 cổ phiếu tương đương với tỷ lệ sở hữu 10%; ReCollection Private Limited nắm giữ 13,640,756 cổ phiếu tương đương với tỷ lệ sở hữu 4,59%; KIM Vietnam Growth Equity Fund nắm giữ 10,465,000 cổ phiếu tương đương với tỷ lệ sở hữu 3,47%...             

Các cổ đông cá nhân lớn của công ty bao gồm ông Đỗ Văn Nhân - Chủ tịch HĐQT (0,51%), Trần Kiều Minh (0,39%), Hoàng Thị Thanh (31%), Chu Đức Khang (0,27%)…

Gemadept làm ăn ra sao?

Theo báo cáo tài chính quý 2/2023, Gemadept đạt doanh thu thuần đạt 912 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cảng biển này được duy trì gần như tương đương so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 431 tỷ đồng. Qua đó, giúp biên lợi nhuận gộp được cải thiện nhẹ từ mức 44% lên 47% trong quý 2/2023.

Lai lịch “khủng” của doanh nghiệp đang muốn hợp tác với công ty Mỹ làm siêu cảng 6,7 tỷ USD - Ảnh 2
Cổ phiếu GMD đang được giao dịch với mức giá 64,7 nghìn đồng/cổ phiếu.

Đáng chú ý, trong quý 2/2023, Cảng Gemadept ghi nhận doanh thu tài chính tăng đột biến, đạt 1.863 tỷ đồng, gấp gần 470 lần so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ thương vụ chuyển nhượng vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ (Hải Phòng) cho Công ty Cổ phần Container Việt Nam (mã cổ phiếu VSC – sàn HoSE).

Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Cảng Gemadept ghi nhận 1.814 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ 2% so với nửa đầu năm 2022. Xét về cơ cấu doanh thu, hoạt động khai thác cảng biển chiếm 74% tổng doanh thu của doanh nghiệp; còn lại là đến từ hoạt động logistics, cho thuê văn phòng (chiếm 26%).

Do quý 2/2023 ghi nhận lợi nhuận cao đột biến, doanh nghiệp cảng biển này báo lãi ròng nửa đầu năm nay đạt 1.966 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với nửa đầu năm 2022.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Cảng Gemadept đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu hợp nhất 3.920 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm ngoái, và mục tiêu lãi ròng 1.316 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2022. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa bao gồm lợi nhuận từ việc thoái vốn khỏi cảng Nam Hải Đình Vũ.

Nếu so sánh với kế hoạch kinh doanh nêu trên, Cảng Gemadept hiện đã hoàn thành 47% mục tiêu doanh thu và 149% mục tiêu lãi ròng cả năm nay.

Tính đến cuối tháng 6/2023, tổng tài sản của Cảng Gemadept đạt hơn 14.000 tỷ đồng, tăng 7% so với thời điểm đầu năm nay. Trong đó, doanh nghiệp này đang đầu tư hơn 2.964 tỷ đồng vào các công ty liên doanh, liên kết. Khoản đầu tư lớn nhất hiện nay của Cảng Gemadept là vào Công ty Cổ phần Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link (chủ đầu tư dự án Gemalink) với mức đầu tư 1.477 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Cảng Gemadept đang nắm giữ lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng lên đến hơn 2.300 tỷ đồng, tăng tới 60% so với thời điểm đầu năm nay; có thể phần lớn nguồn tiền tăng thêm là đến từ thương vụ thoái vốn khỏi cảng Nam Hải Đình Vũ.

Sắp tới, vào ngày 22/9, Gemadept sẽ chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức năm 2022 bằng tiền tỷ lệ 20%, tương ứng với mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận về 2.000 đồng. Thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 29/9. Với gần 306 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Gemadept sẽ cần chi 612 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông đợt này.

Trên thị trường chứng khoán sáng ngày 15/9, cổ phiếu GMD đang được giao dịch với mức giá 64,70 nghìn đồng/cổ phiếu. Đây là 1 trong những cổ phiếu có mức tăng tốt nhất từ tháng 8 đến giờ.

H. An

Bạn đang đọc bài viết Lai lịch “khủng” của doanh nghiệp đang muốn hợp tác với công ty Mỹ làm siêu cảng 6,7 tỷ USD. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới