Lãng phí nguồn tài nguyên số và giải pháp khắc phục
Tài nguyên số góp phần đưa Việt Nam tiến gần hơn tới nền kinh tế số. Thực tế, kho dữ liệu khổng lồ này chưa được nghiên cứu sử dụng phù hợp.
Cách đây chưa lâu, câu chuyện về nhà khoa học trẻ Nguyễn Đình Nam với phát minh “Hệ thống camera thông minh SOCVision” được giới chuyên gia nhận định là sáng tạo, sớm tiếp cận công nghệ hiện đại 4.0 dựa trên trí thông minh nhân tạo. Socvison sau đó có mặt trên thị trường Việt Nam và CEO Nguyễn Đình Nam tạo dựng được thương hiệu trong làng công nghệ.
Anh trở thành nhân viên cốt cán của các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), sau đó là Tập đoàn công nghệ thông tin FPT, với nguồn vốn đầu tư lớn, nhằm tiếp tục phát huy sức sáng tạo của những người trẻ trong lĩnh vực này. Thế nhưng, một thông tin được tiết lộ từ chính người sáng lập SOCVision đã trở thành tâm điểm trong giới chuyên môn, đặc biệt là các nhà quản lý.
“Trong thời đại 4.0, tức là những công nghệ mới và chưa phổ biến thì nhân lực để phục vụ cho phát triển công nghệ cao rất thiếu, sau đó là đến vốn và công nghệ, còn các vấn đề khác lại rất thuận lợi. Những công nghệ AI cần thu thập dữ liệu ảnh, khuôn mặt chẳng hạn thì ở châu Âu họ rất khắt khe nếu động đến các dữ liệu có tính riêng tư, nhưng ở Việt Nam thì gần như không có quy định gì cả. Các nhóm làm vui vẻ hưởng thụ sự dễ chịu đấy chứ không đến mức là lợi thế cạnh tranh”, anh Nguyễn Đình Nam nói.
Tài nguyên số vẫn chưa được nghiên cứu và sử dụng phù hợp tại Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT) |
Thẳng thắn nhìn nhận, dù Việt Nam tiếp cận công cuộc “số hóa” mọi hoạt động của nền kinh tế chậm hơn các quốc gia khác, nhưng việc để cho các cá nhân, doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm và công khai sử dụng các dữ liệu cá nhân của người dân vào các mục đích khác, là kẽ hở, là bất cập cần được xem xét, quản lý phù hợp.
Thế nhưng, dữ liệu cá nhân chỉ là một thành tố trong kho dữ liệu số quốc gia và việc siết chặt quản lý kho dữ liệu này không phải là giải pháp hữu hiệu trong bối cảnh toàn cầu hướng tới nền kinh tế số. Luận điểm này cho thấy, điều khó nhất đối với các doanh nhân, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ, cụ thể hơn là dựa trên trí thông minh nhân tạo, chính là vốn, nhân lực và công nghệ, còn môi trường pháp lý thì đang vô cùng thuận lợi, “không rào cản”.
Doanh nhân Nguyễn Thế Trung – Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ DTT nêu dẫn chứng khẳng định quan điểm này: “Trong chuyển đổi số dữ liệu rất quan trọng. Chính phủ có một lượng dữ liệu khổng lồ. Trong hệ thống quản lý cho chúng ta biết đến từng học sinh đang học lớp nào chúng ta biết cả người dân giao dịch đang cần có nhu cầu nào, thậm chí bây giờ chúng ta có rất nhiều thông tin về giao thông, người dân đi lại thế nào, ăn uống... Dữ liệu này nếu mà không dùng làm gì thì bỏ đi thôi. Thế nhưng, nếu doanh nghiệp được tiếp cận để khai thác và đưa vào những công nghệ như là trí tuệ nhân tạo, để đưa ra dịch vụ cho người dân thì đó là một cơ hội kiến tạo cho những mô hình kinh doanh mới”.
Như vậy, không chỉ về mặt lý thuyết mà trong thực tế rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã nhận định tương lai của nền kinh tế số với “một trong những trụ cột hướng tới nền kinh tế số - là nguồn dữ liệu lớn”.
Tuy nhiên, phải bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào để tiếp cận được và triển khai hiệu quả bền vững thì không chỉ phụ thuộc độ nhạy bén của từng doanh nhân và quy mô, lĩnh vực hoạt động của từng doanh nghiệp mà cần cả những nghiên cứu, định hướng hết sức cụ thể, rõ ràng từ cơ quan chức năng. Đó là việc cần cụ thể hóa chủ trương, chính sách để vừa có thể đảm bảo an toàn dữ liệu cá nhân, vừa có thể tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo dựa trên công nghệ.
Ông Nguyễn Hồng Thắng - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: “Về mặt hạ tầng công nghệ để chia sẻ dữ liệu, đến thời điểm này công nghệ chúng ta không phải lo. Công nghệ đã quá chín muồi và thừa công nghệ để trao đổi dữ liệu, sàng lọc dữ liệu và tích hợp tư liệu. Quan trọng là chúng ta cần một kiến trúc sư về dữ liệu của một cơ quan, đơn vị, có cái nhìn tổng thể về giá trị dữ liệu trong không chỉ cơ quan, tổ chức mình mà vì mục đích chung hướng tới người dùng thì sẽ tập hợp được rất nhiều nguồn tư liệu với nhau. Cần lưu ý quản trị dữ liệu cho tốt và biến dữ liệu thành thông tin có giá trị trị tri thức và hạ tầng công nghệ chúng ta cần quan tâm đến vấn đề an toàn thông tin, tổ chức dữ liệu an toàn, hiệu quả”.
Cần sớm xây dựng khung pháp lý phù hợp về quản lý tài nguyên số để thúc đẩy việc kết nối và chia sẻ dữ liệu số giữa cơ quan Nhà nước, đồng thời tiến tới cung cấp dữ liệu mở cho xã hội là yêu cầu từ thực tiễn, cũng đã và đang là vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo.
Sự ra đời của các Nghị quyết 52, Nghị quyết 01 hay Chỉ thị 16 với những nội dung cụ thể hoặc liên quan đến chuyển đổi số là ví dụ. Nhưng những quan điểm vừa rồi từ các doanh nhân và các chuyên gia cho thấy, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý - hệ thống pháp luật và cả những văn bản hưởng dẫn chỉ đạo liên quan đến nội dung này. Có như vậy, việc chuyển dịch số mới vừa góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho từng doanh nghiệp, góp phần đảm bản an toàn cho cộng đồng - chính là góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới nền kinh tế số Việt Nam.
Thu Trang