Lào Cai: Cần xử lý nghiêm việc ngăn dòng để khai thác cát lòng sông trong mùa mưa bão (Bài 3)
Công ty Kiến Thịnh ngăn một phần dòng sông Chảy để khai thác cát khiến dư luận người dân bất bình và đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm...
Như đã thông tin về vụ việc tái vi phạm trong quá trình khai thác khoáng sản của Công ty Kiến Thịnh (Công ty CP Xây dựng và Thương mại Kiến Thịnh qua bài viết “Lào Cai: Sau khi bị xử phạt, doanh nghiệp tiếp tục lấn chiếm lòng sông” đăng tải trước đó.
Qua tìm hiểu về Quyết định chủ trương đầu tư số 162/QĐ-UBND ngày 19/1/2016 về chủ trương đầu tư dự án khai cát trên sông Chảy tại các xã Xuân Hòa, Tân Dương, Xuân Thượng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai; Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường số: 2022/GP-UBND cấp ngày 15/6/2021 của UBND tỉnh Lào Cai. Quy mô dự án với trữ lượng phê duyệt là 60.728 m3, Công suất khai thác là 60.000 m3/năm với tổng diện tích khai thác là 16.133 m2. Thiết bị phục vụ hoạt động khai thác là 8 máy bơm hút cát đặt trên tàu, mảng và máy xúc.
Ngày 21/4/2022, ông Hoàng Quốc Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã ký quyết định xử phạt hành chính Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Kiến Thịnh 170 triệu đồng, đồng thời xử phạt hành chính bổ sung đình chỉ hoạt động 1,5 tháng kể từ ngày quyết định có hiệu lực đối với hoạt động khai thác cát thông thường làm vật liệu xây dựng thuộc các xã Tân Dương, Xuân Hòa, Xuân Thương, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
Cụ thể, doanh nghiệp tư nhân bị UBND tỉnh Lào Cai xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản là Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Kiến Thịnh, có địa chỉ trụ sở chính ở số 115, đường 208, xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng, do ông Nguyễn Văn Tú làm giám đốc.
Công ty này đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong quá trình khai từ 6/2016 của UBND tỉnh Lào Cai và giấy gia hạn khai thác cát trên sông Chảy huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai theo giấy phép khai thác 1710/GP-UBND ngày 8/6/2016 và giấy phép gia hạn khai thác khoáng sản số 2022/GP - UBND ngày 15/6/2021 của UBND tỉnh Lào Cai.
Công ty đã sử dụng phần diện tích 3.307 m2 lấn sông không đúng mục đích được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận,tại quy định Điểm b, Khoản 6, Điều 25 Nghị định 36 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Đồng thời UBND tỉnh Lào Cai buộc công ty cổ phần xây dựng và thương mại Kiến Thịnh di dời toàn bộ khối lượng cát đã khai thác và tập kết trên diện tích lấn sông Chảy đi nơi khác.
Thế nhưng, vào thời điểm thàng 7, tháng 8/2023, đơn vị này lại tiếp tục tái vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, lĩnh vực đất đai mà chưa bị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý dẫn đến nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Ghi nhận thực tế cho thấy, tại khu vực khai thác của đơn vị này không hề có bất cứ tàu bè hút cát nào như đã đăng ký trong giấy phép, mà đơn vị đã sử dụng xe ô tô vận chuyển cát sỏi từ bờ ra đổ trực tiếp xuống lòng sông để chiếc máy xúc thực hiện việc san lấp, lấn chiếm đắp con đập từ bờ ra giữa sông để thuận tiện cho việc khai thác cát…
Từ vụ việc này, nhiều ý kiến cho rằng mặc dù đã bị xử phạt, yêu cầu khắc phục những vi phạm tồn tại thế nhưng Công ty vẫn tiếp tục vi phạm, tái diễn những vi phạm nêu trên, phải chăng chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe hay công tác quản lý của chính quyền địa phường còn nhiều bất cập.
Nhìn nhận vụ việc trên, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng; Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội: “Trường hợp đã vi phạm hoặc đã bị xử phạt thì đơn vị ra quyết định phải có trách nhiệm giám sát, theo dõi các trường vi phạm.
Trước tiên, phải tuyên dương đơn vị khi đã phát hiện và có quyết định xử phạt các trường hợp vi phạm, tuy nhiên sau khi xử phạt việc chấp hành cần nghiêm minh, có cần sự theo giám sát của chính quyền địa phương.
Nếu đơn vị vi phạm còn tồn tại hoặc tái diễn những hành vi phạm thì cần có sự phát hiện và có biện pháp xử lý nghiêm minh hơn. Thậm chí đình chỉ khai thác, đình chỉ kinh doanh hoặc tước giấy phép khai thác của những đơn vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo quan điểm PGS.TS Bùi Thị An, nếu như số tiền nộp phạt đối với các trường hợp vi phạm so với lợi nhuận họ kiếm được thì không thấm vào đâu. Ví dụ: Doanh nghiệp vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính 50 triệu đồng, còn lợi nhuận họ kiếm được là 2 tỷ đồng thì số tiền phạt đó chẳng đáng là bao, họ sẵn sàng tiếp tục vi phạm để lấy lợi nhuận.
Do đó, phía cơ quan chức năng cần xem lại các chế tài xử phạt đã đủ nghiêm minh, đủ sức để răn đe hay chưa, bên cạnh đó, cần theo dõi sát sao các hoạt động của đơn vị vi phạm có chấp hành đúng quy định đề ra không.
Theo các chuyên gia, công tác bảo vệ môi trường trong các hoạt động khai thác khoáng sản, công tác thanh tra giám sát đối với các đợn vị khai thác vận hành mỏ cát cần được cơ quan chức năng từ xã, huyện và tỉnh thực hiện nghiêm túc, ngoài ra cần sự giám sát chặt chẽ của các tổ chức xã hội, quần chúng nhân dân để hoạt động này dần đi vào nề nếp.
Từ góc nhìn của Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối, Hà Nội) về vấn đề trên: “Ở trường hợp này, mức độ vi phạm chỉ ở mức độ xử phạt hành chính. Nếu như trường hợp đơn vị vi phạm tái vi phạm, theo quy định sẽ bị xử phạt nặng hơn, đồng nghĩa là xem xét trường hợp có đủ căn cứ để khởi tố hình sự không”.
Còn về vấn đề đã bị xử phạt mà đơn vị vi phạm vẫn tái diễn hành vi vi phạm của mình là do cơ quan quản lý nhà nước chưa làm chặt chẽ, chưa giám sát sát sao, đơn vị quản lý địa phương không có thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Nên những trường hợp vi phạm vẫn còn tồn tại.
Trước vụ việc trên, tỉnh Lào Cai cần vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm các quy định của pháp luật để chấm dứt các hành vi vi phạm trên địa bàn.
Đỗ Tuấn