Lào Cai: Đánh giá hiện trạng tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp gây hệ lụy đến môi trường
Nhiều diện tích đất nông nghiệp tại phường Xuân Tăng và xã Thống Nhất thuộc TP. Lào Cai ngang nhiên bị san gạt, sử dụng đất sai mục đích, xây dựng trái phép các công trình nghĩa trang gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường…
Ô nhiễm môi trường là vấn đề cấp thiết của toàn xã hội. Là một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp tới môi trường, các dự án xây dựng cần nâng cao vai trò của các biện pháp bảo vệ môi trường (BVMT) trong thi công, vốn là một yếu tố quan trọng đang bị coi nhẹ.
Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội. Môi trường là bao gồm tất cả những điều kiện đảm bảo sự sống cho con người và có tác động trực tiếp tới đời sống và sức khỏe. Nếu điều kiện môi trường không được đảm bảo; sức khỏe và đời sống của mỗi cá nhân sinh sống tại môi trường đó đều chịu ảnh hưởng và tác động trực tiếp.
Mỗi dự án xây dựng đều có ảnh hưởng và tác động trực tiếp tới môi trường xung quanh, bao gồm: không khí, tiếng ồn, nguồn nước… Nếu không có những biện pháp bảo vệ môi trường phù hợp thì tình trạng ô nhiễm môi trường là không thể tránh khỏi. Nhìn vào thực trạng các công trình xây dựng những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường do các công trình xây dựng không còn là điều gì quá mới mẻ.
Khói bụi từ những hoạt động phá dỡ công trình, tập kết vật liệu gây ra tình trạng ô nhiễm không khí. Nước thải sinh hoạt của công nhân trong trên công trường hoặc nước tẩy rửa sử dụng trong các công đoạn thi công nếu không có biện pháp xử lý phù hợp cũng sẽ có nguy cơ gây ô nhiễm mạch nước ngầm, ô nhiễm môi trường không khí. Những vật liệu xây dựng khác như sơn, keo, ắc quy, pin, dung môi… là các chất thải có nguy cơ gây hại cao. Nếu thải bỏ không đúng quy định sẽ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và nước bề mặt; ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người.
Thời gian gần đây, Tạp chí Kinh tế Môi trường nhận được nhiều phản ánh của người dân địa phương (Khu vực giáp ranh giữa phường Xuân Tăng và xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) về việc nhiều hecta đất nông nghiệp xung quanh nghĩa trang thành phố đang bị san gạt, xây dựng nhiều công trình trái phép. Ngoài ra, các hộ dân có đất tại đây đã tự ý phân lô làm đất nghĩa trang và rao bán để kiếm lời… Song, những hành vi vi phạm trên đang để lại nhiều hệ lụy về môi trường, đồng thời khiến cơ quan chức năng địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý…
Trong những ngày cuối tháng 8/2024, sau khi nhận được thông tin phản ánh, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có mặt tại khu vực giáp ranh giữa phường Xuân Tăng và xã Thông Nhất để ghi nhận, tìm hiểu vụ việc.
Qua thu thập nhiều nguồn thông tin và khảo sát thực tế, nhóm Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã tiếp cận khu vực được cho là điểm nóng đang xuất hiện tình trạng tự ý san gạt đất nông nghiệp, phân lô, xây dựng và bán đất nghĩa trang trái phép. Tại đây, sau khi đặt vấn đề là người có nhu cầu mua đất với diện tích lớn, nhóm PV được các công nhân xây dựng lăng mộ giới thiệu tới hộ gia đình nhà ông Dùng (Người đang rao bán nhiều lô đất để làm khu an táng tại tổ 6, phường Xuân Tăng) có số điện thoại: 0398.879.XXX và người đàn ông tên Phạm Văn Hiệp (Người có những lô đất đẹp, vị trí đắc địa) có số điện thoại: 0365.214.XXX.
Ngay sau đó, nhóm PV đã liên hệ với người đàn ông tên D. để đặt vấn đề và xin được gặp để trao đổi trực tiếp. Sau khi được sự đồng ý của ông D, Phóng viên đã di chuyển tới khu vực các lô đất đang được người đàn ông này rao bán, tại đây điều khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ khi nơi đây chính là nơi của hộ gia đình nhà ông D. đang sinh sống.
Qua quan sát và tìm hiểu, diện tích những lô đất của ông D. đang bán nằm ngay sát Quốc lộ 4E, thuộc tổ 6, phường Xuân Tăng, thành phố Lào Cai. Trên diện tích đất này có một căn nhà chính là nơi hộ gia đình nhà ông D đang sinh sống, xung quanh là các phần mộ đã được bán và xây dựng hoàn chỉnh.
Đứng trên diện tích đất đang được rao bán, ông D. lập tức “chào hàng”: "Hiện tại gia đình còn 4 mảnh, 1 mảnh rộng 240m2; 1 mảnh rộng 140m2; 1 mảnh rộng 80m2 và 1 mảnh 36m2. Giá 1m2 là 5 triệu đồng đối với diện tích đã san gạt và xây tường bao. Còn mua nguyên đất chưa san gạt là 4 triệu đồng trên 1m2 đất".
Liên quan đến thủ tục mua bán, ông D. cho biết thêm: "Diện tích đất trên là đất nông nghiệp thuốc quyền sở hữu của hộ gia đình ông, nếu mua thì chỉ có giấy viết tay chứ không có sổ. Còn nếu muốn có sổ thì phải mua với diện tích lớn như mảnh 240m2".
Tiếp tục hỏi về việc khi mua đất và xây dựng lăng mộ trên diện tích đất nông nghiệp tại đây có gặp vướng mắc hay chở ngại gì không? Ông D. liền khẳng định: "Nếu như mua, trước tiên thì đặt cọc tiền, sau đó chúng tôi sẽ san gạt và xây dựng xong rồi sẽ bàn giao cho người mua và người mua sẽ thanh toán nốt tiền. Còn về vấn đề xây dựng thì chúng tôi sẽ tự xử lý…"
Sau khi tìm hiểu và ghi nhận thông tin các lô đất đang được chào bán của hộ gia đình nhà ông D., nhóm PV tiếp tục liên hệ với ông Phạm Văn H., Người được cho là có những lô đất đẹp, vị trí đắc địa tại đây để tìm hiểu thêm về thực trạng mua bán đất nông nghiệp để xây dựng phần mộ, lăng mộ trái phép. Sau khi PV đặt vấn đề là người muốn mua đất, ông H. cho biết: "Thời điểm hiện tại đã bán hết đất và không còn ô nào, khi nào có đất tôi sẽ gọi lại".
Ghi nhận thực tế từ ngày 27 - 29/8/2024, nhiều diện tích đất nông nghiệp xung quanh nghĩa trang thành phố mới được san gạt trái phép để lấy mặt bằng, đồng thời trên các trang mạng xã hội được công khai chào bán rầm rộ như có một chủ trương, quy hoạch được cơ quan chức năng chấp thuận. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình tại đây không khỏi bức xúc khi nơi mình sinh sống đang chở thành khu nghĩa trang tự phát, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân…
Được biết, ngày 22/8/2024, ông Hoàng Đăng Khoa - Chủ tịch UBND TP Lào Cai đã ký văn bản số: 1490/UBND-TNMT về việc chỉ đạo, xử lý trường hợp san gạt đất, xây dựng trái phép tại xã Thống Nhất và phường Xuân Tăng. Cụ thể, qua kiểm tra tại khu vực giáp ranh giữa xã Thống Nhất và phường Xuân Tăng, thành phố Lào Cai (gần khu vực nghĩa trang) phát hiện có hiện tượng san gạt đất làm thành đường đi, mặt đường 3 - 4m nối vào đường Trần Hưng Đạo kéo dài và xây dựng công trình trái phép nhiều vị trí, tổng diện tích khoảng trên 3.000m².
Để đảm bảo công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng theo đúng quy định, Chủ tịch UBND thành phố Lào Cai chỉ đạo các xã, phường: Xuân Tăng, Thống Nhất chủ trì, phối hợp với đội Kiểm tra trật tự đô thị thành phố Lào Cai kiểm tra, rà soát, lầp biên bản, xứ phạt vi phạm hành chính, khắc phục hậu quả đối với các vi phạm theo thầm quyền. Và báo cáo kết quả thực hiện về UBND thành phố qua phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Quản lý đô thị (thời gian thực hiện xong trước ngày 31/8/2024).
Để tìm hiểu thêm thông tin vụ việc, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi về những trường hợp vi phạm và hướng xử lý của chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Chủ tịch UBND xã Thống Nhất cho biết: “Hiện tại trên địa bàn không có trường hợp vi phạm mới, chúng tôi cũng đã họp và có văn bản phối hợp thực hiện để giải quyết vấn đề trên, còn về số liệu vi phạm, xử lý, xử phạt thì chúng tôi phải tổng hợp chứ chưa có số liệu cụ thể để cung cấp”.
Ngày 29/8/2024, Phóng viên tiếp tục có buổi làm việc với ông Đoàn Đức Luyện – Chủ tịch UBND phường Xuân Tăng để cung cấp thông tin, nội dung làm việc liên quan đến phản ánh của người dân về tình trạng trên. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại PV vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía đơn vị này.
Cũng về vấn đề này, ông Hoàng Trọng Tuệ - Trưởng phòng TN&MT thành phố Lào Cai cho biết: “Vừa qua, tôi đã cho cán bộ xuống kiểm tra và có văn bản chỉ đạo. Bây giờ trách nhiệm của địa phương là chính, xã và phường phải tăng cường công tác quản lý để ngăn chặn những vi phạm tiếp diễn. Ngoài ra, theo quy trình những trường hợp vượt quá thẩm quyền cấp xã, phường thì sẽ báo cáo UBND thành phố Lào Cai và thông qua phòng TN&MT để xử lý, xử phạt”.
Từ sự việc trên chúng ta có thể thấy, việc mua bán, san gạt đất nông nghiệp để làm các phần mộ, lăng mộ diễn ra hết sức rầm rộ. Đáng nói, vấn đề này có thể dẫn đến các hệ lụy về môi trường hay ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương.
Chia sẻ thêm về nguyên nhân dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương, Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, các chế tài, phương án xử lý đối với hành vi vi phạm về xây dựng đã được pháp luật quy định rất cụ thể. Nhưng chính việc quản lý còn lỏng lẻo và xử lý không “nghiêm minh” của các cấp cơ quan nhà nước đã dẫn đến tình trạng “nhờn luật”.
Mục đích của người vi phạm là tìm mọi cách hoàn thành thủ tục để công trình sai phạm được tồn tại, được sử dụng một cách hợp pháp. Nếu công trình trái phép vẫn được tồn tại, chỉ bị xử phạt hành chính và nộp tiền là sẽ được hợp thức hóa sai phạm thì chẳng khác gì cứ có tiền là mọi sai phạm sẽ đều được giải quyết, khi đó sẽ càng có nhiều sự ra đời của các công trình xây trái phép, không phép vẫn tồn tại.
Ngược lại chính quyền địa phương ngay từ đầu có những sự cứng rắn, cương quyết đình chỉ thi công phần xây dựng trái phép, yêu cầu phá dỡ phần công trình vi phạm thì chắc chắn những mục đích của người vi phạm sẽ không đạt được, sẽ không còn tình trạng vi phạm và hợp thức hóa bằng hình thức khác.
Nhóm PV