Chủ nhật, 24/11/2024 06:07 (GMT+7)
Thứ bảy, 10/09/2022 13:30 (GMT+7)

Lập trạm thường trực 24/24h, siết chặt quản lý khoáng sản tại Kiên Giang

Theo dõi KTMT trên

UBND tỉnh Kiên Giang vừa có công văn yêu cầu các Sở, ban, ngành chấn chỉnh công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản trước hàng loạt hoạt động khai thác vi phạm pháp luật.

Công tác quản lý còn lỏng lẻo

Từ cuối năm 2021 đến nay, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang ngăn chặn, đấu tranh và xử lý nghiêm nhiều cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm về khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật về khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các khu vực huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Châu Thành và TP. Phú Quốc.

Vừa qua Công an tỉnh Kiên Giang đã xác lập và triệt phá 1 chuyên án bắt 20 đối tượng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xã Bình Giang (huyện Hòn Đất); Xử lý vi phạm hành chính 43 vụ việc với tổng số tiền 343,9 triệu đồng, tịch thu 1 máy bơm, 1 máy xe, 3 xe cuốc đất, 1 ô tô tải, 143 m3 đất, 64 m3 cát…

Tại TP. Phú Quốc, lực lượng chức năng đã bắt quả tang 2 vụ khai thác trái phép đất, cát, đá trong diện tích đất hộ gia đình cá nhân tại xã Dương Tơ và phường An Thới. Các vụ việc này hiện đang trong thời gian chuyển giao vụ việc cho cơ quan công an tiếp tục điều tra.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang vẫn đang phối hợp với các địa phương thụ lý những trường hợp vi phạm khác, kiểm tra, đo vẽ hiện trường, lấy mẫu thực hiện giám định, kết luận giám định khoáng sản bị khai thác trái phép, góp phần củng cố hồ sơ, chứng cứ để xử lý hành chính và hình sự theo quy định của pháp luật.

Lập trạm thường trực 24/24h, siết chặt quản lý khoáng sản tại Kiên Giang - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Theo Công an tỉnh Kiên Giang thông tin, “điểm nóng” về khai thác khoáng sản trái phép thời gian qua và hiện nay là tại địa bàn xã Bình Giang (Hòn Đất). Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do nhu cầu san lấp mặt bằng và sử dụng nguồn nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, trong khi nguồn cung thì khan hiếm.

Chính quyền địa phương thực hiện công tác quản lý cũng chưa được chặt chẽ nên các đối tượng đã lợi dụng thực hiện việc hạ mặt bằng, đào ao nuôi trồng thủy sản, nạo vét kênh mương, cải tạo, nâng cấp công trình thủy lợi, đê điều… lén lút khai thác trái phép với số lượng đất, cát lớn để bán cho các đối tượng trong và ngoài địa bàn tỉnh như: An Giang, Đồng Tháp… để thu về nguồn lợi bất chính.

Các đối tượng còn lợi dụng địa thế khu vực vùng sâu, vùng xa, tổ chức lực lượng cảnh giới, canh đường khu vực khai thác, tổ chức khai thác, vận chuyển khoáng sản vào ban đêm, nhằm tìm cách né tránh tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Lậpchốt, trạm thường trực 24/24h

Để giải quyết triệt để tình trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành, gồm TN&MT, Công an tỉnh và Chủ tịch UBND các địa phương, đặc biệt là đối với các TP. Phú Quốc và các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Châu Thành rà soát, tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.

Đối với những khu vực “điểm nóng” thường xuyên xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép,tỉnh yêu cầu khẩn trương thành lập các chốt, trạm thường trực xuyên suốt 24/24h để quản lý, bảo vệ, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố sẽ phải trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không kịp thời báo cáo, xử lý nghiêm.

Bên cạnh đó, trong việc chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương tăng cường về quản lý đất đai trên địa bàn; Tổ chức triển khai thực hiện đề án “Khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có, nhất là về đất đai, tài nguyên khoáng sản, cảnh quan thiên nhiên, các di tích, danh thắng, giá trị văn hóa truyền thống để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội” của tỉnh.

Tiếp đến, tỉnh sẽ triển khai thực hiện rà soát, đánh giá lại nhu cầu, trữ lượng, chất lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng như: Đất, đá, cát… Trước mắt, thực hiện rà soát, đánh giá trữ lượng, chất lượng tại hai mỏ vật liệu san lấp từ biển vịnh Ba Hòn (Kiên Lương) và Bãi Bắc, xã Lại Sơn (Kiên Hải) để phục vụ cho các công trình, dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, các ngành chức năng phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản cho các đối tượng có liên quan, đặc biệt là chính quyền địa phương và người dân để nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

Huỳnh Mai

Bạn đang đọc bài viết Lập trạm thường trực 24/24h, siết chặt quản lý khoáng sản tại Kiên Giang. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới