Chủ nhật, 24/11/2024 03:35 (GMT+7)
Chủ nhật, 20/11/2022 13:39 (GMT+7)

Lịch sử Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Theo dõi KTMT trên

20/11 hằng năm là ngày tri ân những đóng góp của các thầy giáo, cô giáo - những người đã có công tích cực trong sự nghiệp trồng người của tổ quốc. Năm 2022 là năm kỷ niệm tròn 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tại sao ngày 20/11 được chọn là Ngày Nhà giáo Việt Nam?

Ngày Nhà giáo Việt Nam (hay Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam) là một ngày kỷ niệm được tổ chức hằng năm vào ngày 20 tháng 11 tại Việt Nam. Đây chính là lễ hội của ngành Giáo dục và là Ngày Nhà giáo, ngày "tôn sư trọng đạo" nhằm mục đích để tôn vinh những người dạy học và những người trong ngành giáo dục.

Lịch sử Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 - Ảnh 1
Thầy và trò trong giờ học. Ảnh: Người Lao động. 

Vào Tháng 7 năm 1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo được thành lập ở Paris đã lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo viên (tiếng Pháp: Fédération Internationale Syndicale des Enseignants - FISE).

Nǎm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa (thủ đô của Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo viên đã soạn ra bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục trong đó bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo. Từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 8 năm 1954, tại Moscow, cuộc họp thứ XIX của Ủy ban hỗn hợp Liên đoàn quốc tế các nhà giáo đã nhất trí thông qua "Hiến chương các Nhà giáo" với 15 chương.

Công đoàn giáo dục Việt Nam, là thành viên của FISE từ năm 1953 đã quyết định trong cuộc họp của FISE từ 26 đến 30 tháng 8 năm 1957 tại Warszawa (hội nghị có 57 nước tham dự), lấy ngày 20 tháng 11 năm 1958 là ngày "'Quốc tế hiến chương các nhà giáo".

Ngày này lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1958 trên toàn miền Bắc Việt Nam. Khi Việt Nam thống nhất, ngày này đã trở thành ngày truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam. Vào ngày 28 tháng 9 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT thiết lập ngày 20 tháng 11 hằng năm là ngày lễ mang tên "Ngày Nhà giáo Việt Nam".

Nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhân ngày 20/11

Từ đó, ngày 20/11 trở thành ngày hội của ngành Giáo dục, tri ân những đóng góp, cống hiến của thầy giáo, cô giáo trong sự nghiệp trông người của dân tộc. Trải qua nhiều năm lịch sử, các hoạt động tri ân nhân ngày lễ này trở thành truyền thống đối với mỗi thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam. 

Lịch sử Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 - Ảnh 2
Ảnh minh họa. 

Hằng năm, cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, giáo viên các lớp lại tích cực đăng kí tham gia hội thi thao giảng chào mừng ngày lễ như một cách thể hiện sự tôn vinh nghề giáo cũng như thể hiện tình cảm yêu thương học trò vô bờ bến. Đây là hoạt động được diễn ra với không khí hết sức sôi nổi, tạo điều kiện cho các thầy cô giáo thể hiện năng lực chuyên môn, học tập, trao đổi kinh nghiệm về giảng dạy, tổ chức hoạt động học tập cho học sinh, khai thác sử dụng hiệu quả, sáng tạo phương tiện, đồ dùng dạy học để nâng cao chất lượng dạy và học.

Ngoài ra, mỗi trường học, mỗi đơn vị giáo dục đều tổ chức các chương trình giao lưu văn nghệ nhằm chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ngoài ra còn có các cuộc thi khác như làm báo tường, thi vẽ tranh, thi trang trí lớp học,.... với chủ đề thầy cô, mái trường. Không thể thiếu là những món quà và những lời chúc chân thành của các em học sinh gửi đến thầy cô giáo trong ngày lễ lớn. 

Linh Chi

Bạn đang đọc bài viết Lịch sử Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới