Chủ nhật, 24/11/2024 06:01 (GMT+7)
Chủ nhật, 19/12/2021 15:00 (GMT+7)

Long An: Mục tiêu giảm thiệt hại mưa lũ đến năm 2030

Theo dõi KTMT trên

Trong kế hoạch phòng chống thiên tai đến năm 2030, tỉnh Long An đặc biệt chú trọng tới tính mạng của người dân.

UBND tỉnh Long An vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn.

Theo kế hoạch, quan điểm phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, của toàn dân và toàn xã hội. 

Phòng, chống thiên tai gồm 3 giai đoạn: Phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả trong đó lấy chủ động phòng ngừa là chính, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" gắn với xây dựng cộng đồng an toàn, nông thôn mới. 

Phòng, chống thiên tai thực hiện theo hướng quản lý rủi ro tổng hợp theo liên vùng, liên ngành; Nội dung phòng, chống thiên tai phải được lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành; Xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng công trình phải đánh giá đầy đủ các tác động làm gia tăng rủi ro thiên tai. 

Long An: Mục tiêu giảm thiệt hại mưa lũ đến năm 2030 - Ảnh 1
Tỉnh Long An chú trọng đảm bảo tính mạng người dân trước thiên tai. (Ảnh minh họa)

Phòng, chống thiên tai phải thực hiện theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước, phát huy mọi nguồn lực và trách nhiệm của cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước. Kết hợp giải pháp công trình và phi công trình, theo hướng đa mục tiêu; Khôi phục, tái thiết sau thiên tai đảm bảo tính bền vững và yêu cầu xây dựng lại tốt hơn; Tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến kết hợp với kế thừa những kinh nghiệm truyền thống và hợp tác quốc tế.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi có dông, lốc, sạt lở đất, mưa đá, hạn hán,... xảy ra; Giảm 50 - 70% thiệt hại về người do lũ, bão, áp thấp nhiệt đới so với giai đoạn 2011-2020; Thiệt hại về kinh tế do thiên tai thấp hơn giai đoạn 2011 - 2020.

Tổ chức, sắp xếp, kiện toàn lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; Phương tiện, trang thiết bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được đầu tư tiên tiến, hiện đại, hỗ trợ xử lý hiệu quả các tình huống thiên tai xảy ra.

Phấn đấu 100% cơ quan chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin và hiểu biết kỹ năng phòng tránh thiên tai; Lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng về phòng, chống thiên tai, đặc biệt là với các loại hình thiên tai có khả năng ảnh hưởng đến tỉnh (như: Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa đá, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa lớn, lũ, ngập lụt, sụt lún, sạt lở đất do dòng chảy, nước dâng); 100% tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đảm bảo các yêu cầu theo phương châm "4 tại chỗ".

Cơ sở dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai được hình thành theo hướng đồng bộ; 100% cơ quan chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai các cấp hoàn thiện cơ sở dữ liệu phòng chống thiên tai; 100% khu vực trọng điểm, xung yếu phòng, chống thiên tai được lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát; 100% tàu thuyền đánh bắt vùng khơi và vùng lộng được lắp đặt hệ thống giám sát, bảo đảm thông tin liên lạc.

Nâng cao khả năng chống chịu về cơ sở hạ tầng của tỉnh, công trình phòng chống thiên tai, nhất là bờ bao, đê bao, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, đảm bảo an toàn và thích ứng với các tác động mới của thiên tai.

Phạm Thành

Bạn đang đọc bài viết Long An: Mục tiêu giảm thiệt hại mưa lũ đến năm 2030. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới