Long An sắp có nhà máy điện gió quy mô 200 triệu USD
Tập đoàn CS Wind (Hàn Quốc) dự kiến đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất thiết bị điện gió quy mô lớn tại Khu công nghiệp Đông Nam Á Long An, với tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu lên đến gần 200 triệu USD.
Ngày 10/9/2024, tại Cụm Dự án Cảng Quốc tế Long An, Đồng Tâm Group và Tập đoàn CS Wind (Hàn Quốc) đã chính thức ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo thỏa thuận, Đồng Tâm Group sẽ cho CS Wind thuê đất để xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị điện gió có quy mô lớn bậc nhất thế giới với tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu ước tính gần 200 triệu USD. Nhà máy này dự kiến sẽ đóng góp quan trọng vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghiệp xanh tại Việt Nam cũng như mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho địa phương.
Theo thông tin từ Cổng Thông tin điện tử tỉnh Long An, đây là lần thứ hai Tập đoàn CS Wind lựa chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư và Long An được xác định là địa phương phù hợp sau quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng. Với vị trí chiến lược tại Khu công nghiệp Đông Nam Á Long An, thuộc Cụm Dự án Cảng Quốc tế Long An, dự án này hứa hẹn sẽ trở thành điểm nhấn quan trọng trong chiến lược mở rộng của CS Wind tại khu vực Đông Nam Á. Việc hợp tác với Đồng Tâm Group thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của cả hai bên trong việc phát triển công nghệ năng lượng sạch và thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất thiết bị điện gió, góp phần tạo ra lợi ích bền vững cho nền kinh tế và môi trường.
Theo Thỏa thuận hợp tác giữa Đồng Tâm Group và CS Wind Việt Nam, Đồng Tâm Group sẽ cho thuê 50ha đất công nghiệp tại Khu công nghiệp Đông Nam Á Long An để CS Wind xây dựng một nhà máy sản xuất thiết bị điện gió quy mô lớn. Nhà máy này sẽ bao gồm các khu vực sản xuất và bãi lắp ráp cho các thiết bị tháp gió ngoài khơi và trên bờ cùng với các sản phẩm điện gió khác như cọc đơn và thiết bị chuyển tiếp. Sản phẩm từ nhà máy sẽ được cung cấp cho thị trường toàn cầu.
Dự kiến, đây sẽ là một trong những nhà máy sản xuất thiết bị điện gió lớn nhất thế giới với tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu lên tới 200 triệu USD. Công suất của nhà máy dự kiến đạt hàng chục ngàn đơn vị mỗi năm với khả năng sản xuất thiết bị siêu trường, siêu trọng từ 500 đến 4.000 tấn mỗi thiết bị. Đặc biệt, toàn bộ thiết bị và phụ kiện giai đoạn đầu sẽ được xuất nhập khẩu qua Cảng Quốc tế Long An với khối lượng ước tính từ 150.000 đến 200.000 tấn mỗi năm.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhấn mạnh rằng tỉnh Long An có vị trí chiến lược thuận lợi, giáp ranh với Thành phố Hồ Chí Minh, một trung tâm đô thị năng động và phát triển hàng đầu cả nước. Tỉnh Long An cũng là cửa ngõ kết nối miền Đông và miền Tây Nam Bộ với nhiều khu công nghiệp, dự án đô thị và trung tâm thương mại đang hoạt động hoặc đang được triển khai.
Năm 2023, Long An ghi dấu ấn ấn tượng khi đạt vị trí số 2 trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên toàn quốc, chỉ sau TP.HCM. Thành tích này phản ánh sự nỗ lực không ngừng của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư và khẳng định Long An ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Quyết định của Tập đoàn CS Wind, một nhà đầu tư lớn từ Hàn Quốc lựa chọn Long An để triển khai dự án đầu tư là một minh chứng rõ ràng cho sự tin cậy và sự cởi mở của môi trường đầu tư tại tỉnh.
Tập đoàn CS Wind nổi bật với hệ thống quản lý sản xuất và chất lượng tiên tiến cùng với chuyên môn quản lý toàn cầu sâu rộng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An bày tỏ sự tin tưởng rằng, khi dự án hoàn thành và nhà máy chính thức đi vào hoạt động sẽ tạo ra tiếng vang lớn trong khu vực. Dự án không chỉ góp phần nâng cao hình ảnh của tỉnh Long An trên bản đồ đầu tư quốc tế mà còn thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tiềm năng. Tỉnh Long An cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư bằng việc duy trì một môi trường đầu tư công khai, minh bạch và thuận lợi nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển bền vững của các dự án đầu tư tại địa phương.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Trưởng Ban Khoa học - Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết: "Năng lượng gió của Việt Nam, xét trên góc độ khí tượng, đã được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu, chỉ ra được những nơi có tốc độ gió trung bình năm khá lớn có thể xây dựng các nhà máy điện gió nối lưới. Đến hiện nay, con người lại đang cố gắng chuyển thật nhiều năng lượng gió thành điện năng, loại năng lượng được sử dụng rất phổ biến trong cuộc sống và phát triển kinh tế. Điện năng trước đây được sản xuất thông qua thủy năng (nhà máy thủy điện) và sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ, khí đốt) nhưng đến nay (đầu Thế kỷ 21) thủy điện đã được sử dụng gần mức tới hạn còn nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện sử dụng than được coi là nguồn phát sinh khí nhà kính gây nên biến đổi khí hậu (BĐKH) và phát thải nhiều chất gây ô nhiễm không khí nên phải cắt giảm dần.
Có thể thấy, năng lượng gió đang ngày càng trở thành lựa chọn ưu tiên khi nhu cầu chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo gia tăng. Với tiềm năng gió dồi dào, đặc biệt là tại các vùng ven biển và cao nguyên, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có nhiều cơ hội phát triển điện gió. Nhờ các nghiên cứu khí tượng chuyên sâu, những khu vực có tốc độ gió trung bình năm cao đã được xác định để xây dựng các nhà máy điện gió nối lưới, mở ra một hướng đi mới cho việc sản xuất năng lượng sạch. Điều này không chỉ góp phần vào an ninh năng lượng quốc gia mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời hỗ trợ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Thanh Trúc