Chủ nhật, 24/11/2024 08:11 (GMT+7)
Thứ tư, 22/07/2020 09:00 (GMT+7)

Lũ lụt lịch sử dấy lên lo ngại về giới hạn của đập Tam Hiệp

Theo dõi KTMT trên

Lũ lụt tồi tệ nhất trong hàng chục năm đã làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ đập Tam Hiệp đạt tới giới hạn cực đại, cũng như nguy cơ từ 94.000 con đập nhỏ hơn khắp Trung Quốc.

Lũ lụt lịch sử dấy lên lo ngại về giới hạn của đập Tam Hiệp - Ảnh 1

Hai tháng mưa lớn bất thường ở miền Trung và miền Nam Trung Quốc khiến nước tràn bờ sông Dương Tử, tạo ra trận lũ lụt tồi tệ nhất trong hàng chục năm.

Lũ lụt đồng thời làm dấy lên những lo ngại xung quanh đập Tam Hiệp, dự án thủy điện lớn nhất thế giới, cùng hàng chục nghìn đập thủy điện khắp Trung Quốc, theo Wall Street Journal.

Đập Tam Hiệp đã quá giới hạn?

Tuần trước, những trận mưa lớn quay trở lại đã khiến mực nước tại đập Tam Hiệp, nằm ở phía thượng nguồn sông Dương Tử, cách thành phố Vũ Hán vài trăm km, dâng tới mức cao nhất kể từ khi dự án đập thủy điện được hoàn thành vào năm 2009.

Lượng nước tại hồ chứa của đập Tam Hiệp hiện cao hơn 15 m so với giới hạn lũ tại đây, lưu lượng nước đổ về hồ là 61 triệu lít/giây vào thời điểm mưa lớn nhất hôm 18/7, Tân Hoa xã cho biết. Theo thiết kế, con đập chỉ có thể xử lý lưu lượng nước tối đa đổ về là 83 triệu lít/giây.

"Hồ chứa đã phải bỏ qua quy định về không gian phù hợp dành cho lượng nước đổ về trong tháng 8, do có thể có lũ lớn hơn nữa ở thượng nguồn. Đập Tam Hiệp không thể tự mình làm mọi thứ", Chen Guiya, chuyên gia từ Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho biết hôm 18/7, khi đập Tam Hiệp phải mở 3 cửa xả lũ để giảm áp lực cho hồ chứa.

Cơ quan khí tượng thủy văn Trung Quốc dự báo mưa lớn sẽ tiếp tục đổ xuống sông Dương Tử trong những ngày tới, khiến tình trạng ngập lụt thêm trầm trọng ở khu vực đồng bằng ven sông.

Trung Quốc bắt đầu xây dựng đập Tam Hiệp vào năm 1994. Đập thủy điện lớn nhất thế giới từ lâu đã là một chủ đề gây tranh cãi. Hơn 1 triệu cư dân Trung Quốc đã phải tái định cư nhường chỗ cho dự án, trong khi môi trường tự nhiên bị tàn phá.

Những lo ngại về sự kiên cố của con đập cũng dai dẳng từ lâu, buộc các quan chức Trung Quốc những tuần gần đây phải bác bỏ nguy cơ đập Tam Hiệp có thể bị vỡ.

Tới nay, người phát ngôn của công ty vận hành đập Tam Hiệp vẫn từ chối bình luận về nguy cơ con đập bị vỡ. Hôm 21/7, tờ Hoàn Cầu Thời báo dẫn lời một lãnh đạo giấu tên của công ty tuyên bố con đập "an toàn và trong tình trạng tốt".

40 triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt

Đập Tam Hiệp được thiết kế nhằm ngăn chặn lũ lụt tại khu vực hạ nguồn của sông Dương Tử. Dương Tử là con sông dài nhất châu Á, chảy từ cao nguyên Tây Tạng, qua nhiều thành phố lớn như Vũ Hán, Nam Kinh, Thượng Hải, và đổ ra biển Hoa Đông.

Mặc dù vậy, khoảng 40 triệu dân sống tại nhiều tỉnh của Trung Quốc đã gánh chịu tác động của lũ lụt, tính tới ngày 12/7, với thiệt hại trực tiếp cho nền kinh tế ước tính ở mức 11,5 tỷ USD, nhà chức trách Trung Quốc cho biết. Ít nhất 28.000 ngôi nhà đã bị phá hủy, hàng triệu người dân mất nhà cửa, ít nhất 141 người đã thiệt mạng hoặc mất tích trong lũ lụt.

Lũ lụt lịch sử dấy lên lo ngại về giới hạn của đập Tam Hiệp - Ảnh 2
Cảnh sát dọn dẹp bùn trên đường phố ở thành phố Trùng Khánh sau một trận lũ. (Ảnh: AFP)

Mưa đặc biệt lớn thường xảy ra tại khu vực miền Trung và Nam của Trung Quốc trong tháng 6 và đầu tháng 7, nhưng mùa mưa năm nay có diễn biến tồi tệ nhất trong hàng chục năm, khiến nền kinh tế Trung Quốc càng thêm chao đảo sau đại dịch Covid-19.

Trận lũ mới nhất xảy ra đã khiến khu vực phía Đông tỉnh An Huy buộc phải mở hai con đê và phá hủy hai đoạn đê khác để giải phóng nước lũ, làm ngập 18.000 ha đất nông nghiệp. Tỉnh An Huy hôm 18/7 đã phải nâng cảnh báo lũ lên mức độ cao nhất.

Lũ lụt nghiêm trọng xảy ra tại Trùng Khánh, siêu đô thị với 30 triệu dân, dù thành phố này nằm ở phía thượng nguồn của đập Tam Hiệp. Trong khi đó, ở phía hạ nguồn, các thành phố ở tỉnh Hồ Bắc đã phải đóng cửa hoạt động kinh doanh, giao thông đình trệ, cuộc sống của hàng triệu cư dân bị gián đoạn.

"Hoạt động kinh doanh năm nay liên tục hứng chịu thiệt hại. Hy vọng chỉ vừa mới nhen nhóm đã bị dập tắt ngay lập tức", Xu Changping, chủ hai chi nhánh mua bán ôtô ở thành phố Ân Thi, tỉnh Hồ Bắc, cho biết. Xu đã phải tạm đóng cửa cả hai cơ sở kinh doanh, dùng bao cát để gia cố bên ngoài các cơ sở của mình.

Tại tỉnh Giang Tây, gia đình Li Qian bị mắc kẹt ở tầng trên cùng ngôi nhà của mình trong hơn 1 tuần, kể từ khi nước dâng lên từ hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, nhấn chìm toàn bộ ngôi làng nơi gia đình sinh sống. Ông Li và thanh niên các gia đình hàng xóm phải dùng thuyền để đi tìm kiếm nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt.

"Nước dâng lên tới đầu gối chỉ trong nửa giờ", ông Li nói qua một cuộc phỏng vấn bằng điện thoại, cho biết trang trại nuôi cá của ông thiệt hại ít nhất 14.000 USD vì lũ lụt.

94.000 đập nhỏ khắp Trung Quốc

Một số quan chức Trung Quốc cho rằng mưa lớn bất thường thời gian qua là hệ quả của biến đổi khí hậu. Song Lianchun, Giám đốc Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc, cho biết số ngày mưa lớn ở Trung Quốc đã tăng khoảng 4% mỗi thập kỷ trong 60 năm qua.

Dù phần lớn các lo ngại xoay quanh đập Tam Hiệp, mối hiểm họa ngay trước mắt cũng có thể đến từ 94.000 con đập nhỏ hơn nằm rải rác khắp các con sông ở Trung Quốc, nhiều công trình đã được xây từ thập niên 1960, hay thậm chí từ 1950.

"Các con đập có chất lượng và công tác bảo trì yếu kém, vì vậy tiềm ẩn những nguy cơ to lớn", Wang Zhangli, một quan chức từ Bộ Thủy lợi Trung Quốc, cho biết.

Lũ lụt lịch sử dấy lên lo ngại về giới hạn của đập Tam Hiệp - Ảnh 3
Nước lũ từ hồ Bá Dương khiến một ngôi nhà ở tỉnh Giang Tây đổ sập. (Ảnh: AFP)

Cheng Xiaotao, chuyên gia tư vấn của chính phủ về ngăn ngừa thảm họa, từng viết trong một nghiên cứu hồi tháng 5, cảnh báo lũ lụt có thể tồi tệ hơn trong năm nay, bởi đại dịch Covid-19 làm gián đoạn công tác bảo trì thường xuyên cũng như đào tạo nhân viên suốt mùa đông và mùa xuân. Các kế hoạch đại tu cũng bị đình trệ.

Nhiều con đập nhỏ ở Trung Quốc thiếu hụt nhân viên bảo dưỡng có tay nghề, do lao động trẻ ở các vùng nông thôn sâu trong nội địa đã chuyển tới các thành phố lớn.

Các quan chức Trung Quốc hiện lo ngại mưa lớn kèm lũ lụt có thể di chuyển về miền Bắc trong những ngày tới. Trong mùa lũ lụt nghiêm trong gần đây nhất vào năm 1998, mưa lớn liên tiếp đã xảy ra ở cả hai miền Nam và Bắc của Trung Quốc.

Hôm 20/7, các quan chức giám sát sông Hoàng Hà, con sông dài thứ 2 tại Trung Quốc, chảy qua các thành phố lớn như Bắc Kinh và Trịnh Châu, tuyên bố trận lũ mới đã bắt đầu.

Duy Anh

Bạn đang đọc bài viết Lũ lụt lịch sử dấy lên lo ngại về giới hạn của đập Tam Hiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới