Chủ nhật, 24/11/2024 05:39 (GMT+7)
Chủ nhật, 17/11/2019 09:50 (GMT+7)

Lửa nghệ thuật trong một gia đình nhà giáo

Theo dõi KTMT trên

Nghệ thuật truyền thống dân tộc đang rất được coi trọng, nếu mình biết phát huy thì sẽ góp phần gìn giữ, bảo tồn các loại hình nghệ thuật dân tộc.

Gần 10 năm trước...

Đã 8 năm, nhưng giải Nhất vòng tháng của cuộc thi Gia đình tài tử vẫn là một kỷ niệm đẹp đối với gia đình bà Đỗ Xuân Tỉnh ở thị trấn Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội. Đáng trân trọng hơn, từ ấy đến nay, gia đình nhà giáo có truyền thống hoạt động nghệ thuật này luôn gìn giữ, nâng cao giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Lửa nghệ thuật trong một gia đình nhà giáo - Ảnh 1
Tiết mục "Qua sông" của gia đình bà Đỗ Xuân Tỉnh trong chương trình "Gia đình tài tử".

“Ngôi nhà của bà Tỉnh lúc nào cũng ăm ắp không khí vui tươi như ngày hội”. Ấy là lời mà người hàng xóm đã nói khi chỉ đường cho chúng tôi đến nhà bà Đỗ Xuân Tỉnh. Bước chân vào ngôi nhà rộng rãi mà ấm cúng ấy, chúng tôi mới hay người hàng xóm đó đã không quá lời.

Tay bắt mặt mừng, tôi không giấu nổi sự ngạc nhiên: “Gần 10 năm rồi mà cô vẫn trẻ trung như khi tham dự cuộc thi Gia đình tài tử trên truyền hình!”. Bà Tỉnh hồ hởi: “Năm nay tôi thất thập rồi đấy, nhưng nhờ nghệ thuật mà tôi thấy mình luôn vui vẻ, tinh thần trẻ trung, phấn chấn”.

Kể lại quãng thời gian gia đình tham gia chương trình Gia đình tài tử hồi năm 2011, bao kỷ niệm chợt ùa về, dường như với bà Tỉnh và gia đình, câu chuyện ấy tựa như mới chỉ của ngày hôm qua. “Vốn là một gia đình say mê và hoạt động nghệ thuật nên khi xem “Gia đình tài tử” trên ti vi, thấy chương trình vui vẻ, bổ ích, tôi đã nói với các con: Nhà mình nên tham gia chương trình này. Trước hết để giao lưu, sau là ta thử sức với các đội bạn”, bà Tỉnh kể về cơ duyên đến với cuộc thi. Dịp đó là vào tháng 7, các con của bà đều là thầy giáo, cô giáo đang được nghỉ hè nên đã nhất trí, hào hứng đăng ký dự thi.

Xác định dự thi cho vui, nhưng bà Tỉnh vẫn lên dây cót cho các con cháu: “Dù là tham dự để có cơ hội giao lưu, nhưng cả nhà phải tích cực, nghiêm túc luyện tập, ngày đi làm, tối tranh thủ tập bởi đây là lên truyền hình, mình phải tôn trọng khán giả cả nước. Không khí trường quay cũng rất nóng bỏng nên phải cố gắng”. Và chỉ vỏn vẹn trong 1 tuần, tiết mục biểu diễn của gia đình bà đã thuyết phục hoàn toàn khán giả và Ban giám khảo, giành trọn phần thưởng của Hãng Panasonic tài trợ. Lần lượt đoạt giải Nhất vòng thi tuần với bài “Qua sông” (tác giả: Phạm Minh Tuấn), vòng thi tháng với bài “Em chọn lối này” (tác giả: An Thuyên), dường như bên tai bà và mọi người trong gia đình đến giờ vẫn văng vẳng tiếng vỗ tay giòn giã của khán giả, lời ngợi khen và số điểm tuyệt đối từ Ban giám khảo năm nào. Xem lại các tiết mục dự thi của gia đình bà, nếu không biết trước, hẳn ai cũng nghĩ đó là tiết mục biểu diễn của một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp với những giọng đơn ca xuất sắc, vũ đạo điêu luyện, duyên dáng, cách dàn dựng sáng tạo, công phu.

Lửa nghệ thuật trong một gia đình nhà giáo - Ảnh 2
Gia đình bà Tỉnh vẹn nguyên tình yêu dành cho nghệ thuật. Ảnh: Trube.

Bà Tỉnh kể lại: “Không có bàn tay của đạo diễn, gia đình tôi phải tự lên ý tưởng dàn dựng. Mỗi người góp một ý kiến, và sau mỗi buổi tập thì cùng rút kinh nghiệm. Nếu là thời điểm hiện tại, mình có thể tham khảo cách dàn dựng các tiết mục trên mạng internet. Nhưng lúc đó, truyền thông không được như bây giờ, gia đình tôi chỉ có thể dựa vào khả năng, thực lực của mình để dàn dựng tiết mục. Với mỗi lời ca sẽ phải dựng vũ đạo, tình tiết như thế nào cho hay, cho phù hợp. Tự hào hơn nữa, Ban giám khảo đã đánh giá đây là một gia đình đặc biệt bởi ai cũng có thể là một cây đơn ca”.

Ở Chúc Động, gia đình bà Tỉnh có danh tiếng về nghệ thuật. Bản thân bà từ hồi còn nhỏ đã tham gia nhiều chương trình nghệ thuật của huyện, thành phố (tỉnh Hà Tây cũ), có đóng góp tích cực trong phong trào văn nghệ suốt 10 năm chống Mỹ cứu nước. Khi lớn lên, trở thành cô giáo dạy tiểu học, bà vẫn tích cực tham gia các phong trào văn nghệ ở địa phương. Bà Tỉnh cho hay: “Lúc tôi dạy học, nghệ sĩ ưu tú Văn Chương là học sinh ở đó, cùng tham gia văn nghệ của trường. Trái đất tròn, sau này, các con tôi đã học được rất nhiều kinh nghiệm hát văn từ nghệ sĩ ấy”. Nối tiếp truyền thống gia đình, các con bà đều theo nghiệp nhà giáo, dạy âm nhạc trong các trường tiểu học và trung học cơ sở, đồng thời vẫn giữ ngọn lửa đam mê và tham gia biểu diễn nghệ thuật.

Thắp sáng đam mê

Năm 2002, bà Đỗ Xuân Tỉnh là người đầu tiên thành lập cho làng Câu lạc bộ hát quan họ, phục vụ các lễ hội ở làng và các địa phương lân cận. Sau cuộc thi Gia đình tài tử, gia đình bà càng có thêm tinh thần, động lực để phát huy truyền thống nghệ thuật.

Ngoài hát ca mới, nhạc “đỏ”, gia đình bà đam mê hát dân ca quan họ và chầu văn. Với cái tên giản dị nhưng đã thành thương hiệu “Gia đình bà Tỉnh”, gia đình bà luôn kín lịch biểu diễn, nhất là vào mùa lễ hội, bởi đã tạo dựng được uy tín về chất lượng các tiết mục nghệ thuật cũng như quy mô đầu tư dụng cụ, phục trang cho cả một chương trình nghệ thuật.

Bà Tỉnh cho hay: “Ở vào tuổi thất thập, tôi rất hạnh phúc bởi các các con trai, con gái, con dâu, con rể đều có niềm đam mê với nghệ thuật. Dù công việc chính là dạy học nhưng các con vẫn dành thời gian để phát huy truyền thống nghệ thuật của gia đình; đồng thời sẵn sàng đi hát công đức ở các chùa”.

Là một giáo viên dạy thanh nhạc ở trường Tiểu học Lê Thanh B, anh Nguyễn Thế Toàn, con trai của bà Tỉnh bảy tỏ: “Tôi rất yêu mến các làn điệu dân ca dù các làn điệu này đòi hỏi thời gian, sự cảm nhận, sự đam mê và cả tình cảm của người hát. Với mỗi bài hát, tôi chú ý tìm hiểu nguồn gốc, nội dung để đưa ra lời dẫn dắt sao cho hấp dẫn bởi phía sau mỗi bài hát có khi là cả một câu chuyện”.

Nghe gia đình bà Tỉnh hát quan họ, khán giả cảm nhận được những nét đặc trưng vang - rền - nền - nảy của loại hình dân ca này. Anh Toàn cho hay: May mắn có gia đình bên ngoại vốn người Bắc Ninh, cộng thêm gene nghệ thuật nên các thành viên trong nhà hát dân ca quan họ được khán giả khen là rất “chất”, ngay từ ánh mắt, cái nhìn.

Ngay cả chầu văn, vốn là thể loại khó hát, khó học nhưng bằng sự đam mê, gia đình bà Tỉnh đã tự tìm tòi học hỏi, tìm hiểu ý nghĩa của ca từ, những đặc trưng của hát văn, nghe và học theo những nghệ sĩ hát văn. “Tôi đặc biệt mê giọng của nghệ sĩ Văn Chương bởi chất giọng mẫu mực, chuyên nghiệp”, anh Toàn thổ lộ. Cũng bởi vậy các thành viên trong nhà mỗi khi hát văn đều thể hiện được giai điệu mượt mà, hấp dẫn, khi lại dồn dập, khỏe khoắn, vui tươi của hát văn.

Với bề dày kinh nghiệm trong hoạt động nghệ thuật, gia đình bà Đỗ Xuân Tỉnh đã đóng góp không nhỏ cho các chương trình nghệ thuật của ngành giáo dục. Anh Nguyễn Thế Toàn cho biết: Công việc dạy âm nhạc trong nhà trường và đi biểu diễn có sự hỗ trợ, tương tác qua lại với nhau. Trong các cuộc thi giọng hát hay của ngành giáo dục, các anh chị em trong gia đình thường xuyên được mời dàn dựng cho các tiết mục. Công việc giảng dạy âm nhạc cũng giúp nâng cao khả năng sáng tạo và thẩm mỹ trong âm nhạc. Bởi vậy, các chương trình biểu diễn của gia đình thêm phong phú về thể loại âm nhạc và phong cách biểu diễn, những chuyến lưu diễn của gia đình cũng vì vậy mà luôn gắn với hai chữ “thành công”. “Cũng bởi được sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, cộng thêm năng khiếu bẩm sinh mà chúng tôi rất nhiệt huyết trong việc giảng dạy âm nhạc, luôn tìm tòi cái mới, cái hay để đưa vào giảng dạy, giúp các em học sinh có thêm hiểu biết và hứng thú với âm nhạc. Trong các cuộc thi giáo viên âm nhạc dạy giỏi cũng như khi luyện cho các em học sinh đi thi giọng hát hay, thầy và trò luôn đạt kết quả cao”, anh Toàn chia sẻ.

Trời về chiều cũng là lúc gia đình bà Tỉnh chuẩn bị cho buổi biểu diễn tối hôm ấy. Thuyền rồng, phục trang, đạo cụ... đã trên xe. Các “nghệ sĩ” gia đình cũng đã sẵn sàng. Với tâm huyết, đam mê và bề dày truyền thống hoạt động nghệ thuật của một gia đình nhà giáo, đó sẽ là một buổi diễn thành công tiếp theo của gia đình bà Tỉnh.

Bạn đang đọc bài viết Lửa nghệ thuật trong một gia đình nhà giáo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới