Chủ nhật, 24/11/2024 06:29 (GMT+7)
Thứ ba, 08/11/2022 07:49 (GMT+7)

Minh bạch trong sử dụng nguồn đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế và xử lý rác thải

Theo dõi KTMT trên

Chiều ngày 07/11/2022, Bộ TN&MT đã phối hợp tổ chức “Hội thảo tham vấn dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải”.

Hội thảo tham vấn dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải được diễn ra tại TP.HCM với sự tham dự của các đại biểu đến từ các Sở TN&MT các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, các công ty môi trường đô thị, các tổ chức môi trường và các doanh nghiệp, hiệp hội tái chế, xử lý chất thải.

Minh bạch trong sử dụng nguồn đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế và xử lý rác thải - Ảnh 1
Quang cảnh Hội thảo tham vấn dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải

Hứa hẹn giải quyết vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt cho các hộ kinh tế khó khăn

Phát biểu tại Hội thảo, Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) - Tổ trưởng Tổ soạn thảo Thông tư cho biết, trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) là trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với một loại sản phẩm, hàng hóa được mở rộng tới giai đoạn sản phẩm, hàng hóa đó được thải bỏ.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu một số loại sản phẩm, bao bì thì phải có trách nhiệm tái chế và doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu một số loại sản phẩm, bao bì thì phải có trách nhiệm xử lý chất thải.

Thực hiện trách nhiệm tái chế, doanh nghiệp phải tự mình tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu hoặc đóng góp tài chính để hỗ trợ hoạt động tái chế trong trường hợp không tự mình tổ chức tái chế. Đối với trách nhiệm xử lý chất thải, doanh nghiệp phải có trách nhiệm đóng góp tài chính để hỗ trợ xử lý chất thải.

Minh bạch trong sử dụng nguồn đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế và xử lý rác thải - Ảnh 2
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT - Tổ trưởng Tổ soạn thảo Thông tư phát biểu tại Hội thảo

Để thiết lập cơ sở pháp lý cho việc quản lý, sử dụng đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã thành lập Tổ soạn thảo và giao Vụ Pháp chế chủ trì xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.

Đối với các nguồn tài chính đóng góp từ nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam sẽ được hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì hoặc xử lý chất thải sinh hoạt, tuân thủ nguyên tắc quản lý, sử dụng minh bạch, hiệu quả và đúng mục đích, tuyệt đối không sử dụng cho mục đích khác ngoài tái chế, xử lý chất thải. Đây là điểm khác biệt giữa khoản đóng góp tài chính này so với các loại thuế, phí môi trường hiện nay.

Đây được xem là nguồn tài chính quan trọng để thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế hiện đại, thân thiện môi trường; đồng thời đây cũng là nguồn tài chính bổ sung quan trọng bên cạnh ngân sách địa phương để góp phần giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt vốn rất bức xúc hiện nay.

Trong tương lai, nguồn tài chính này không chỉ tạo ra cơ hội, động lực phát triển ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam mà còn giúp giải quyết vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, đặc biệt là các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Hỗ trợ các địa phương thực hiện hoạt động xử lý chất thải trong năm 2023

Cũng trong khuôn khổ của Hội thảo, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT đã giới thiệu sơ lược các quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và giới thiệu dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT, dự thảo Thông tư quy định 02 cơ chế hỗ trợ tài chính gồm hỗ trợ các hoạt động tái chế và hỗ trợ các hoạt động xử lý rác thải.

Về hỗ trợ hoạt động tái chế chất thải, dự thảo Thông tư quy định hỗ trợ hoạt động tái chế là hỗ trợ chi phí tái chế gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì. Hỗ trợ hoạt động tái chế là hình thức hỗ trợ không hoàn lại thông qua hợp đồng hỗ trợ chi phí tái chế.

Đối tượng được hỗ trợ là các doanh nghiệp tái chế tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường. Mức hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp tái chế được xác định theo khối lượng sản phẩm, bao bì được tái chế.

Minh bạch trong sử dụng nguồn đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế và xử lý rác thải - Ảnh 3
Nhiều ý kiến đã được đóng góp thiết thực đã được đưa ra tại Hội thảo tham vấn dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải

Để được hỗ trợ tài chính, doanh nghiệp tái chế được hỗ trợ phải được đơn vị kiểm toán độc lập xác nhận khối lượng sản phẩm, bao bì được tái chế; không hỗ trợ cho khối lượng sản phẩm, bao bì tái chế từ phế liệu nhập khẩu.

Về hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải, dự thảo Thông tư quy định hỗ trợ gồm hỗ trợ UBND cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện các dự án, hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo các bãi lưu trữ, chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tập trung từ quy mô liên xã; Dự án mua sắm phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ quy mô liên xã; Hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý các bãi chôn lấp chất thải tự phát; Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực công cộng bị ô nhiễm môi trường; thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật; Hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Việc lựa chọn dựa vào các tiêu chí: Tính cấp thiết của dự án, hoạt động; Phạm vi hưởng lợi từ dự án, hoạt động; Điều kiện kinh tế - xã hội nơi thực hiện dự án, hoạt động; Hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường của dự án, hoạt động; UBND thực hiện dự án theo quy định của pháp luật đối với từng dự án, hoạt động cụ thể.

Dự thảo Thông tư cũng quy định cụ thể nguyên tắc, điều kiện, hồ sơ, quy trình hỗ trợ tài chính cho các hoạt động tái chế, xử lý chất thải, kèm theo các cơ chế giám sát, kiểm tra, kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn tài chính do nhà sản xuất, nhập khẩu đóng góp hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.

Ông Phan Tuấn Hùng cho biết: Hiện nay các nhà sản xuất, nhập khẩu thuộc đổi tượng thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải đã đóng hàng trăm tỷ đồng vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và để sử dụng hiệu quả, minh bạch nguồn tài chính này thì cần thiết phải có quy định của pháp luật điều chỉnh.

“Sau Thông tư này được ban hành, Bộ TN&MT sẽ bắt tay ngay vào việc tổ chức giải ngân khoản đóng góp này để hỗ trợ các địa phương thực hiện các hoạt động xử lý chất thải trong năm 2023”, ông Hùng nhấn mạnh.

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Minh bạch trong sử dụng nguồn đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế và xử lý rác thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới