Chủ nhật, 24/11/2024 08:23 (GMT+7)
Thứ tư, 15/09/2021 08:15 (GMT+7)

Môi trường, sinh thái biển và hải đảo Vịnh Bắc Bộ: Nhiều vấn đề được quan tâm

Theo dõi KTMT trên

Liên quan đến môi trường sinh thái biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ, các nhà khoa học Việt Nam đặc biệt quan tâm đến hiện trạng môi trường phóng xạ trong nước biển và trong trầm tích đáy biển khu vực, hợp tác giảm ô nhiễm rác thải biển và vi nhựa....

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Viện Hải dương học số 3, Bộ Tài nguyên thiên nhiên, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vừa đồng tổ chức Hội thảo trực tuyến “Trao đổi kinh nghiệm quản lý môi trường, sinh thái biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc”.

Hoạt động nằm trong chuỗi Dự án “Hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc”.

Môi trường, sinh thái biển và hải đảo Vịnh Bắc Bộ: Nhiều vấn đề được quan tâm - Ảnh 1

Hội thảo trực tuyến tại điểm cầu Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Ông Nguyễn Quế Lâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Trong thời gian qua, cùng với nỗ lực của cả hai bên, quan hệ giữa hai Đảng, hai nước đã tiếp tục phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Mới đây, ngày 4/6/2021, trong cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính với Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Khắc Cường, một loạt vấn đề đã được trao đổi, thông qua và đạt được nhận thức chung về tầm quan trọng của mối quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc; Cũng như các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ giữa 2 nước thời gian tới; Đồng thời, sẵn sàng và tiếp tục đưa quan hệ láng giềng hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc phát triển đi vào chiều sâu, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân 2 nước.

Trong các năm qua, Dự án “Hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc” (Dự án Môi trường VBB) đã  được hai bên phối hợp thực hiện và cho đến nay đã hoàn thành các công tác khảo sát, phân tích dữ liệu; Các kết quả phân tích phục vụ cho việc xây dựng bộ dữ liệu dùng chung; Hoàn thành các báo cáo chuyên đề theo thỏa thuận.

Trong khuôn khổ Dự án này, hai bên đã tổ chức nhiều hoạt động hợp tác chung. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, do tình hình Covid-19 trở nên phức tạp, nhiều hoạt động của Dự án đã bị chậm triển khai, đặc biệt là các hoạt động hợp tác giữa hai bên đã không thể tổ chức như các hội thảo, đào tạo, tham quan học tập…

Hai bên đã trao đổi các thành quả đạt được của Dự án về hiện trạng môi trường, sinh thái Vịnh Bắc Bộ, và từ đó đề xuất ra các giải pháp quản lý phù hợp. Hai bên thống nhất ghi nhận và báo cáo lãnh đạo cấp trên về các đề xuất của mỗi bên về các hướng hợp tác, nghiên cứu tiếp theo.

Môi trường, sinh thái biển và hải đảo Vịnh Bắc Bộ: Nhiều vấn đề được quan tâm - Ảnh 2
Nhiều nội dung liên quan đến quản lý môi trường, sinh thái biển Vịnh Bắc Bộ được các nhà khoa học quan tâm.

Phía Việt Nam đề xuất nội dung: Nghiên cứu hiện trạng môi trường phóng xạ trong nước biển và trong trầm tích đáy biển khu vực Vịnh Bắc Bộ; Hợp tác nghiên cứu ô nhiễm rác thải biển và vi nhựa khu vực Vịnh Bắc Bộ; Hợp tác về công nghệ dự báo nước dâng do bão trên biển.

Phía Trung Quốc đề xuất nội dung: Xây dựng cơ chế hợp tác trong quản lý môi trường, sinh thái Vịnh Bắc Bộ; Hợp tác trong công tác bảo tồn môi trường, sinh thái biển khu vực rừng ngập mặn cửa sông Bắc Luân; Hợp tác trong nuôi trồng thủy sản.

Trong thời gian tới, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam mong muốn được tiếp tục hợp tác với Viện Hải dương học số 3 và các cơ quan khác có liên quan trực thuộc Bộ Tài nguyên thiên nhiên, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để tiếp tục trao đổi sớm hoàn thiện việc xây dựng bộ cơ sở dữ liệu dùng chung về quản lý môi trường, sinh thái biển khu vực Vịnh Bắc Bộ; Thúc đẩy trao đổi các nhu cầu và ý tưởng hợp tác, nghiên cứu trong khu vực Vịnh Bắc Bộ cho giai đoạn tiếp theo.

Xuân Hòa (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Môi trường, sinh thái biển và hải đảo Vịnh Bắc Bộ: Nhiều vấn đề được quan tâm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới