Huyện Hải Hậu (Nam Định) củng cố đê biển và tập trung vật tư, nhân lực phòng chống thiên tai
Huyện Hải Hậu, Nam Định nằm ở ven biển nên rủi ro thiên tai cao. Để chủ động phòng chống thiên tai, huyện này đã tiến hành nhiều giải pháp gia cố, tu bổ hệ thống đê biển và chuẩn bị sẵn sàng về vật tư, nhân lực.
Huyện Hải Hậu xác định công tác phòng chống thiên tai (PCTT) là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt. Thời gian qua UBND huyện đã phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tranh thủ mọi nguồn lực, tập trung tu bổ, sửa chữa, củng cố hàng loạt tuyến đê điều để tăng khả năng chống chịu trước những tình huống thiên tai có thể xảy ra. Đồng thời, huyện chỉ đạo các đơn vị, địa phương và người dân sẵn sàng vận hành các phương án ứng phó nhằm giảm thiểu tối đa các thiệt hại do thiên tai có thể gây ra.
Đến nay, huyện Hải Hậu đã nâng cấp, cứng hóa được 27,376km mặt đê trên tổng số 29km đê biển của toàn huyện, nâng khả năng chống bão lên đến cấp 9, cấp 10. Huyện này đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng nhiều dự án về đê điều như: Cải tạo, nâng cấp một số đoạn đê xung yếu; duy tu, bảo dưỡng các hạng mục trên tuyến đê tả sông Ninh Cơ. Huyện cũng có 3 hệ thống mỏ kè chữ T bảo vệ đê điều là: 9 mỏ kè Kiên Chính, 13 mỏ kè Hạ Trại - Táo Khoai và 5 mỏ kè Hải Thịnh 2.
Đối với các sự cố do bão, các đợt gió và mưa lớn gây ra ở một số công trình đê biển, huyện này đã xử lý giờ đầu nhanh chóng và kịp thời. Đặc biệt là tại kè Táo Khoai, mỏ kè Hải Thịnh 2 và kè Hải Thịnh 3 đã xử lý kịp thời sự cố bị sạt, sập, lún võng là 463,5m2. Huyện sửa chữa, nâng cấp nhiều công trình cống dưới đê, cống đập điều tiết nội đồng. Để bảo đảm 100% công trình vận hành an toàn và phục vụ tốt công tác PCTT, huyện tiến hành bảo dưỡng, cạo hà, sơn cánh, thay thế các thiết bị, cánh phai. Trên toàn tuyến đê có 14 cống qua đê, kè Cồn Tròn được tu sửa mái kè và làm thêm cơ giảm sóng.
Trong PCTT, huyện Hải Hậu đặc biệt chú trọng đến các công trình trọng điểm, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, thủy lợi và bảo vệ ruộng đồng. UBND huyện chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân kịp thời nắm bắt, hiểu rõ về diễn biến của thời tiết, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với đời sống và sản xuất; từ đó nâng cao ý thức, tính kỷ luật, không được chủ quan, lơ là trong công tác PCTT. Bên cạnh đó cần tăng cường tuyên truyền về các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về đê điều và thủy lợi; vận động người dân và các đơn vị chấp hành nghiêm theo quy định. Đồng thời tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm về công trình thủy lợi, hành lang bảo vệ đê điều, xả thải vào nguồn nước; siết chặt quản lý khai thác, vận chuyển, bến bãi tập kết, kinh doanh cát sỏi trên các tuyến sông, cửa biển trên địa bàn.
Đối với công tác dự trữ vật tư để sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố, huyện này đã dự trữ được 3.643,42m3 đá hộc (2.365,75m3 tại tuyến đê biển và 1.277,67m3 trên tuyến đê tả sông Ninh Cơ). Ngoài ra còn có 50.902m2 bạt chống; 167,8 nghìn bao tải; 782 chiếc rọ thép, 3.655 chiếc bao dăm, 11,78 nghìn m2 vải lọc và 3.232 cấu kiện bê tông đúc sẵn. Ngoài công tác dự trữ vật tư, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn nghiêm túc chấp hành quy định về thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; đảm bảo đủ số lượng, chất lượng về lực lượng, phương tiện thường trực và vật tư dự trữ. Phải thường xuyên kiểm kê vật tư dự trữ tại kho, chủ động các biện pháp tổ chức thay thế, bổ sung vật tư dự trữ cho đảm bảo số lượng và chất lượng, tập kết đúng nơi, đúng thời gian quy định.
Chủ động về nhân lực tham gia PCTT, huyện giao trách nhiệm cụ thể các xã, thị trấn có đê sông, đê biển cần huy động được 200 nhân lực thường trực tại xã, 50 lao động xung kích thường trực tại các khu vực trọng điểm. Tại các xã và thị trấn nội đồng, mỗi đơn vị cần huy động 100 nhân lực thường trực tại địa phương. Chuẩn bị về mặt phương tiện, mỗi xã, thị trấn cần huy động tối thiểu 2 - 3 xe tải dự phòng để sẵn sàng chở vật tư hộ đê khi cần thiết. Đặc biệt đối với các xã, thị trấn có trọng điểm cần huy động thêm 3 - 4 xe chở khách nhằm sơ tán dân khẩn cấp khi cấp thiết.
Huyện Hải Hậu đang có 23 cán bộ quản lý đê nhân dân luôn chủ động kiểm tra, phát hiện nhằm kịp thời báo cáo các sự cố, vi phạm về đê điều thuộc địa phận được phân công để có các biện pháp xử lý; thường xuyên kiểm tra, rà soát nhằm nhanh chóng phát hiện và đề xuất các phương án xử lý ngay từ giờ đầu các sự cố đê, kè, cống.
Nhìn lại các sự cố đã từng xảy ra trong quá khứ, huyện Hải Hậu từng bị vỡ đê vào năm 2005 gây thiệt hại nghiêm trọng. Do ảnh hưởng của mưa bão, những năm qua nhiều tuyến đê biển ở Hải Hậu cũng bị nứt vỡ, sạt lở. Vì vậy, việc tăng cường củng cố, tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều luôn là nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng để huyện này kịp thời ứng phó trước các hiểm họa thiên tai ngày càng thất thường, khắc nghiệt.
Sông Hồng