Nam Định: Tập trung khắc phục thiệt hại do ngập lụt sau bão số 3
Mặc dù không bị ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 3 nhưng nước lũ tràn qua đê bối đã tàn phá nhiều hoa màu, làm ngập lụt nhiều khu dân cư ở Nam Định. Hiện tại nước đang rút, người dân trên địa bàn tỉnh này tập trung khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống.
Do nằm ở hạ lưu của nhiều con sông lớn, những ngày qua, khi nước lũ thượng nguồn đổ về đã khiến một số vị trí đê xung yếu của Nam Định gặp sự cố, làm hư hại nghiêm trọng hệ thống đê bối của tỉnh. Đê bối là tuyến đê nằm sau tuyến đê chính, gần với bờ sông có tác dụng bảo vệ nhiều khu dân cư và đất canh tác nông nghiệp. Do đó, khi nước lũ tràn qua đê bối đã tàn phá nhiều hoa màu và làm ngập lụt nhiều khu dân cư. Tính đến ngày 13/9, hệ thống đê bối ở 7/9 huyện, thành phố của tỉnh này bị nước tràn qua.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, thống kê đến thời điểm 16 giờ 00’ ngày 13/9/2024, tổng giá trị thiệt hại do bão số 3, mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh ước gần 564 tỷ đồng. Trong đó, nặng nhất là về nông nghiệp với 18.102ha lúa bị ảnh hưởng, 3.800ha rau màu bị thiệt hại. Về chăn nuôi, toàn tỉnh có khoảng 833 con gia súc, gia cầm bị chết và bị cuốn trôi; khoảng 699,5ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng.
Về nhà ở ước tính giá trị thiệt hại trên 1,52 tỷ đồng, gồm 2.114 ngôi nhà bị ngập nước, 76 ngôi nhà bị thiệt hại một phần, 4 ngôi nhà bị thiệt hại nặng, 1 ngôi nhà bị thiệt hại rất nặng. Một số điểm trường bị thiệt hại về cơ sở vật chất và bị ngập lụt; nhiều công trình như chợ, công trình phụ trợ và tường rào bị đổ.
Do ảnh hưởng của bão số 3, toàn tỉnh có 60 cột điện bị đổ bao gồm 59 cột điện hạ thế và 1 cột điện trung thế 110kV; 1.530m hệ thống đường điện liên quan bị ảnh hưởng cùng một số thiệt hại từ nhà xưởng, xí nghiệp. Nhiều tuyến đường giao thông, khu dân cư trên địa bàn tỉnh bị ngập lụt phải di dời người dân.
Tập trung khắc phục
Trước những thiệt hại do bão gây ra trên địa bàn, các lực lượng chức năng tỉnh Nam Định đã khẩn trương triển khai công tác khắc phục. Với phương châm lũ rút đến đâu, khắc phục đến đó. Những ngày qua, Công an thành phố Nam Định đã huy động hàng trăm cán bộ chiến sĩ, chia thành nhiều nhóm xuống địa bàn để hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp lại đồ đạc.
Những ngày mưa lũ lịch sử, cán bộ, chiến sỹ Công an thành phố Nam Định ứng trực 100%, nhiều ngày không về nhà. Họ có mặt ở khắp mọi nơi, từ những đoạn đê xung yếu đến những tuyến đường ngập lụt; vừa căng mình giúp dân chống lũ, vừa đảm bảo an ninh trật tự và an toàn tài sản cho người dân vùng sơ tán. Đồng thời, trực tiếp tham gia cứu hộ, cứu nạn; vận chuyển lương thực, thực phẩm hỗ trợ những hộ bị ngập.
Mưa lũ trên diện rộng khiến địa bàn TP.Nam Định có nhiều điểm bị ngập. Ban quản lý các trạm bơm Quán Chuột, Kênh Gia đã duy trì trực 24/24 giờ, chủ động vận hành hiệu quả các trạm bơm, tiêu rút nước và bố trí lực lượng ứng trực tại các hố ga, cửa xả đảm bảo tiêu thoát nước nội đô kịp thời khi có mưa lớn kéo dài, không để bị động, bất ngờ. Đặc biệt, thành phố đã bố trí tăng cường trạm bơm dã chiến (2 máy bơm, công suất 500m3/giờ và 300m3/giờ) tại khu vực Cống phai T3-11 để bơm tiêu thoát nước ra sông Vĩnh Giang - một trong những điểm thoát nước chính của nội đô thành phố.
Với 26% diện tích lúa trên toàn tỉnh bị ngập úng nặng, ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phối hợp cùng Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tập trung huy động mọi lực lượng, các phương tiện máy móc để bơm tiêu úng cứu lúa nhằm hạn chế tối đa tình trạng ngập úng và giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất.
Để khắc phục, giảm thiểu thiệt hại về hoa màu giúp người dân nhanh chóng ổn định sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định hướng dẫn người dân tranh thủ thu hoạch những diện tích hoa màu đã đến thời kỳ thu hái để đảm bảo năng suất. Với những diện tích không có khả năng phục hồi, sau khi nước rút người dân cần tiến hành thu gom tiêu hủy, vệ sinh đồng ruộng. Chủ động gieo trồng lại những loại rau ngắn ngày, rau ăn lá nhằm cung cấp rau kịp thời cho thị trường.
Đối với diện tích lúa đã trổ bông và bị đổ, người dân cần buộc, dựng (buộc từ 3 - 4 khóm/cụm) để cho cây đứng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa vào chắc, chín. Với những diện tích lúa đang làm đòng, chuẩn bị trổ bông, người dân cần nhanh chóng khoanh vùng và ưu tiên tiêu thoát nước kịp thời không để thời gian ngập đòng lâu, cây lúa sẽ ung thối đòng.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước các loại vật tư nông nghiệp như giống cây trồng, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu các loại vật tư nông nghiệp.
Sông Hồng