Chủ nhật, 24/11/2024 06:25 (GMT+7)
Thứ tư, 03/06/2020 17:02 (GMT+7)

Nếu không tăng vốn gấp, Agribank sẽ phải giảm dư nợ cho vay 60.000 tỉ

Theo dõi KTMT trên

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đang chịu áp lực tăng vốn gấp để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, đảm bảo tăng trưởng tín dụng. Bởi nếu không được cấp đủ vốn 3.500 tỉ đồng năm nay thì ngân hàng phải giảm dư nợ cho vay 60.000 tỉ đồng.

Nếu không tăng vốn gấp, Agribank sẽ phải giảm dư nợ cho vay 60.000 tỉ - Ảnh 1
Năm vừa qua, Agribank đã mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC. Tỉ lệ nợ xấu toàn ngân hàng cuối năm 2019 chỉ ở mức 1,56%, thuộc top dưới trong hệ thống ngân hàng.

Ngày 8/6 tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) với mức bổ sung 3.500 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Tỉ lệ an toàn vốn của Agribank chỉ đạt 7,3%

Trong số 4 ngân hàng thương mại Nhà nước gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, vốn điều lệ của Agribank hiện thấp nhất, ở mức 30.518 tỉ đồng. Với cơ cấu sở hữu 100% vốn nhà nước, từ năm 2012 đến nay, ngân hàng này chưa được Nhà nước cấp vốn.

Đảm nhiệm trách nhiệm nặng nề trong việc cung ứng vốn cho toàn bộ khu vực nông nghiệp - nông thôn, tổng tài sản tăng nhanh, nếu không được tăng vốn, Agribank đứng trước nguy cơ dừng tăng trưởng tín dụng, giảm dư nợ cho vay, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cung ứng vốn phục vụ phát triển kinh tế.

Xét các chỉ tiêu tài chính, tỉ lệ an toàn vốn của Agribank hiện tiệm cận ngưỡng tối thiểu theo quy địnhh (9%), chỉ đạt 9,2%. Còn theo chuẩn mực vốn Basel II, tỉ lệ an toàn vốn của Agribank chỉ đạt 7,3%, như vậy là không đảm bảo yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo quy định.

Theo dự kiến của Ngân hàng Nhà nước, nếu không được tăng vốn trong năm 2020, Agribank phải giảm tới 170.000 tỉ đồng dư nợ tín dụng trong khi nhu cầu vay vốn hiện tại là rất lớn, nhiều dự án quan trọng đang trong tiến độ giải ngân.

Cân nhắc tăng vốn cho Agribank không quá 3.500 tỉ đồng

Từ năm 2018, Agribank bắt đầu có những đề xuất chính thức lên Ngân hàng Nhà nước và các cấp về việc tăng vốn điều lệ. Cụ thể, ngân hàng đề nghị được tăng vốn thêm 12.500 tỉ đồng để có thể đáp ứng luôn chuẩn Basel II về hệ số K là 8%. Do Nhà nước vẫn sở hữu 100% vốn tại Agribank nên quyết định tăng vốn hiện đang phụ thuộc vào Chính phủ và tình hình ngân sách. Hiện nay, lộ trình tăng vốn cho Agribank đang gặp vướng mắc từ chính sách do Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 không có quy định dùng ngân sách nhà nước để cấp vốn điều lệ cho ngân hàng thương mại.

Do đó, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội cho phép bổ sung dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2020 để tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2019 vào ngày 8/6 tới đây. Tuy vậy, mức bổ sung vốn sẽ tương ứng với lợi nhuận sau thuế của Agribank thực nộp ngân sách năm 2020, tối đa không quá 3.500 tỉ đồng. Như vậy, đồng nghĩa Agribank có thể được giữ lại lợi nhuận sau thuế, tối đa 3.500 tỉ đồng để tăng vốn điều lệ trong năm nay.

Trao đổi với báo chí, TS. Cấn Văn Lực đánh giá, nếu Agribank được cấp đủ 3.500 tỉ đồng trong quý 3 năm nay thì có thể tăng dư nợ cho vay thêm khoảng 60.000 tỉ đồng, tương ứng lợi nhuận tăng thêm khoảng 1.200 tỉ đồng, đóng góp cho ngân sách nhà nước tăng thêm 500 tỉ đồng. Khi đó, vốn nhà nước cũng tăng thêm khoảng 380 tỉ đồng từ trích lập các quỹ từ lợi nhuận sau thuế.

Còn TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định: "Việc tăng vốn đối với Agribank là vô cùng cấp thiết bởi với tiềm lực tài chính như hiện nay nếu không tăng được vốn thì dù Agribank muốn hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng cũng không thể làm được. Hơn nữa, tăng vốn các ngân hàng mới có "gối đệm" chống đỡ rủi ro".

Chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, căn cứ mức vốn theo tiêu chuẩn Basel II (Thông tư 41), tỉ lệ an toàn vốn của Agribank tính tới 31/3/2020 chỉ đạt 6,9% (không đảm bảo yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo quy định). Như vậy, để đáp ứng chuẩn mực vốn Basel II, mức vốn tự có thiếu hụt của Agribank giai đoạn 2019 – 2021 là rất lớn.

"Hiện tại, trong quá trình chờ được tăng vốn, do chưa đáp ứng chuẩn mực vốn Basel II nên Agribank được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện tỉ lệ an toàn vốn theo quy định tại Thông tư 22. Tính tới thời điểm 31/3/2020, tỉ lệ an toàn vốn của Agribank theo Thông tư 22 chỉ đạt 9,2%, đã sát ngưỡng tối thiểu quy định (9%). Mặc dù áp dụng các giải pháp tăng vốn từ lợi nhuận hàng năm, phát hành trái phiếu… Agribank vẫn cần được Nhà nước cấp bổ sung 3.500 tỉ đồng trong năm 2020", bà Phượng nêu rõ.

Nói về tương lai Agribank sẽ ra sao nếu kịch bản tăng vốn không được phê duyệt, bà Nguyễn Thị Phượng chia sẻ: “Nếu không tăng vốn cho Agribank ngay trong năm 2020 thì sẽ không thể đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững của Chính phủ”.

Chưa kể, trường hợp không được cấp đủ 3.500 tỉ đồng trong năm 2020, Agribank sẽ phải giảm dư nợ cho vay xuống còn 4,5-5%, nghĩa là phải giảm dư nợ cho vay nền kinh tế 60.000 tỉ đồng. Hàng chục nghìn khách hàng sẽ không có cơ hội tiếp cận vốn. Trong khi đó chỉ riêng hỗ trợ hộ sản xuất và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, Agribank đã phải tăng trưởng tín dụng ở mức 9% (tương đương 100 ngàn tỉ đồng), chưa kể cho vay khác phục vụ nông nghiệp, nông thôn”.

Hiện dư nợ tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn đang của Agribank chiếm 70% tổng dư nợ của ngân hàng và chiếm 50% thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Việc tăng vốn cho Agribank là cần thiết, không chỉ góp phần đảm bảo tỉ lệ an toàn vốn và tăng trưởng tín dụng mà qua đó còn hỗ trợ các đối tượng chính sách, vùng đặc biệt khó khăn, thực hiện các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết khả năng tín dụng tăng cao nhất chỉ 5% nếu không được cấp 3.500 tỉ vốn điều lệ trong năm nay, và không đạt chỉ tiêu 9-10% mà Ngân hàng Nhà nước giao, lợi nhuận cũng sẽ giảm hơn 20% về mức 11.000 tỉ đồng.

Trong khi ở chiều ngược lại, Agribank sẽ có dư địa phát hành trái phiếu bổ sung tăng vốn, tăng tín dụng ở mức 9-10% cũng như doanh thu có thể tăng thêm từ 4.500 tỉ đến 5.000 tỉ đồng nếu phương án tăng vốn được phê duyệt.

Nhật My

Bạn đang đọc bài viết Nếu không tăng vốn gấp, Agribank sẽ phải giảm dư nợ cho vay 60.000 tỉ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới