Ngẫm về 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam: Niềm tin vào những điều tốt đẹp
Khi kinh tế khó khăn, vai trò chèo lái con thuyền doanh nghiệp, của các doanh nhân lại càng trở nên quan trọng.
Đâu đó ngoài kia, vẫn có những lùm xùm việc công hay đời tư, nhưng chúng ta cũng nên tin vào những điều tốt đẹp, sự tử tế của đại bộ phận doanh nhân Việt Nam.
Báo chí đồng hành cùng doanh nhân
Ngày 19/5/2022, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố và phát động thực hiện 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó, quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam được hoàn thiện và đề xuất với 6 điều cụ thể, được nghiên cứu dựa trên các quy tắc đạo đức kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới và các nguồn thông tin trong nước như Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh do Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam xây dựng. Cụ thể gồm: Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật, minh bạch; công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.
Trong đó, hai quy tắc đầu là những nguyên tắc đạo đức và cũng là nghĩa vụ cơ bản của doanh nhân để bảo đảm cho tính chính danh và sự tồn tại của doanh nghiệp. Doanh nhân phải góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao phúc lợi cho xã hội, đóng góp vào ngân sách Nhà nước. Hai quy tắc tiếp theo là những chuẩn mực trong hoạt động kinh doanh, trong điều hành doanh nghiệp và tương tác với các đối tác trong nước cũng như quốc tế. Và hai quy tắc cuối cùng là những phẩm chất cần có trong ứng xử với thiên nhiên, môi trường, với Tổ quốc, xã hội và gia đình.
Trong khi đó, TS Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) cho rằng, việc xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh quốc gia bắt nguồn từ các doanh nghiệp, doanh nhân cùng với sự tham gia của bên liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có các phóng viên báo chí, truyền thông.
Để kết nối, huy động sự tham gia của các chủ thể trên cùng thực hiện một mục tiêu chung về xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh, VCCI - tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực góp phần xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam.
Trong thời gian tới, VCCI tiếp tục thúc đẩy việc phổ biến và thực hành các Quy tắc đạo đức doanh nhân thông qua các hội thảo, khoá đào tạo, tập huấn cho các doanh nhân, doanh nghiệp về nội hàm của các quy tắc này. VCCI cũng phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề xây dựng các quy tắc đạo đức kinh doanh trong từng lĩnh vực cho phù hợp.
Theo TS.Lương Minh Huân, để thúc đẩy thực hành các quy tắc đạo đức doanh nhân nói riêng và xây dựng văn hoá kinh doanh tiến bộ nói chung, VCCI mong có sự phối hợp của Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí truyền thông, các nhà báo, phóng viên. Là lực lượng chủ lực trong xây dựng và phát huy môi trường truyền thông, hình thành quan điểm và dư luận xã hội, có ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động doanh nghiệp, các cơ quan báo chí, truyền thông và các phóng viên cần thúc đẩy tuyên truyền các tấm gương thực hiện tốt về đạo đức doanh nhân, tạo hiệu ứng lan tỏa thực hiện các quy tắc đạo đức doanh nhân, góp phần xây dựng văn hóa kinh doanh tiến bộ, có bản sắc dân tộc.
Những đóng góp to lớn cho kinh tế
Trải qua 2 năm đại dịch COVID-19, tưởng chừng nền kinh tế như gục ngã, nhưng rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đã biến nguy thành cơ, vươn lên mạnh mẽ. Con số minh chứng là chỉ tính riêng 10 doanh nghiệp của các doanh nhân tiêu biểu 2022 đã đóng góp tổng doanh thu gần 746.000 tỷ đồng trong năm 2021, vốn chủ sở hữu trên 611.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 136.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 59.000 tỷ đồng và tạo việc làm cho hơn 132.000 người.
Trong đó, có nhiều doanh nhân đã quá nổi tiếng như ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải; ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn GELEXIMCO; bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH; bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BRG…
Nhắc tới doanh nhân Trần Bá Dương, người ta sẽ nghĩ ngay tới Tập đoàn ô tô Trường Hải (THACO). Nhưng bên cạnh mảng ô tô, THACO còn lấn sân sang mảng nông nghiệp sạch (THACO AGRI) không chỉ ở Việt Nam. THACO AGRI đề ra chiến lược đầu tư phát triển nông – lâm nghiệp với quy mô lớn trên diện tích 84.000 hecta tại 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
Bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư, mở rộng và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, THACO AGRI còn chú trọng đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho hơn 30.000 nhân sự đang làm việc tại khu vực 3 nước Đông Dương; thông qua việc xây dựng nhà ở, nhà ăn, cửa hàng tiện ích, lớp học cho con em người lao động… ngay trong các Khu liên hợp. Ngoài ra, công ty cũng tích cực tham gia những hoạt động đóng góp cho cộng đồng như xây dựng nhà Đại đoàn kết, tặng quà Tết cho các hộ nghèo, trao học bổng cho học sinh – sinh viên, tổ chức Hiến máu tình nguyện thường niên,…THACO AGRI ưu tiên tăng trưởng bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường và thể hiện trách nhiệm xã hội.
Về nữ doanh nhân Thái Hương, thương hiệu TH: “True Happiness - hạnh phúc đích thực” được xây dựng dựa trên giá trị cốt lõi “Vì sức khỏe cộng đồng”, tiên phong xây dựng nền nông nghiệp sạch, hữu cơ; tìm thấy chiếc chìa khóa vàng trong nông nghiệp bằng cuộc cách mạng ứng dụng công nghệ cao, khởi dựng Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa năm 2008, xác lập kỷ lục Cụm Trang trại bò sữa ứng dụng công nghệ cao khép kín lớn nhất Thế giới.
Những dự án của tập đoàn TH do bà dẫn dắt và tư vấn chiến lược tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao, khoa học công nghệ và khoa học quản trị đan xen vào nhau tạo ra những sản phẩm hàng hóa với sản lượng và chất lượng vượt trội, theo hướng phát triển bền vững và vì sức khỏe cộng đồng.
Là một tập đoàn nghìn tỷ của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga – BRG Group không chỉ đi đầu trong lĩnh vực bất động sản, mà còn tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tại hệ thống BRG Mart của tập đoàn này, nhân viên, khách hàng được sử dụng thí điểm túi sinh học tự phân hủy, bảo vệ môi trường. Thông qua đó, hàng nghìn chiếc túi 100% thân thiện môi trường đã được tặng miễn phí cho khách hàng mua sắm tại siêu thị. Việc này nhằm giảm thiểu lượng túi nilon tại các siêu thị lớn, góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường. Qua đó, góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh.
Ngoài ra, từ năm 2019, BRG Group đã hành động hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa. Tập đoàn này đã chính thức tham gia Liên minh chống rác thải nhựa. Đây là Liên minh bao gồm những doanh nghiệp tiên phong, tự nguyện đồng hành cùng Phong trào chống rác thải nhựa.Thông qua các quỹ học bổng, hỗ trợ tài năng, hằng năm, BRG Group đã huy động hàng chục tỷ đồng để trao tận tay gần cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi và hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp các cơ sở học tập tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhận định, đại đa số doanh nhân Việt Nam làm ăn chân chính, bản lĩnh, sáng tạo, đang nỗ lực vươn mình vượt khó khăn, thách thức để đổi mới, phát triển để góp phần hiện thực hóa khát vọng vì một đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những mặt yếu kém, hạn chế làm ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nhân Việt Nam, đặc biệt là trong thời gian gần đây. Do đó, để phát triển cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp bền vững, vấn đề phẩm chất đạo đức cần được nhấn mạnh.
Kế Toại