Chủ nhật, 24/11/2024 07:58 (GMT+7)
Thứ sáu, 17/01/2020 15:00 (GMT+7)

Ngăn chặn thực phẩm bẩn tuồn ra thị trường dịp Tết

Theo dõi KTMT trên

Những ngày này, người dân Thủ đô tất bật tranh thủ đi mua sắm Tết. Đây cũng là thời điểm thị trường thực phẩm phục vụ Tết sôi động nhất trong năm, nguồn hàng từ khắp nơi đổ về phong phú, đa dạng và khó kiểm soát. Để người dân đón Tết an toàn, từ một tháng qua, toàn thành phố đã đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý các vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm để ngăn chặn thực phẩm bẩn tuồn ra thị trường.

Thực phẩm bẩn vẫn trà trộn

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm TP. Hà Nội, trong khoảng 3 tuần ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2020 (từ ngày 15/12/2019 - 6/1/2020), toàn thành phố đã xử phạt hành chính 507 cơ sở với số tiền gần 600 triệu đồng.

Ngăn chặn thực phẩm bẩn tuồn ra thị trường dịp Tết - Ảnh 1
Kiểm tra số hàng bánh kẹo nhập từ nước ngoài không có hóa đơn chứng từ tại Đội QLTT số 5, Cục QLTT Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Lực lượng Công an thành phố trong 15 ngày ra quân (từ ngày 15-31/12/2019) đã phát hiện và phối hợp kiểm tra 355 vụ việc vi phạm, trong đó chủ yếu là hành vi vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ.

Điển hình là chiều ngày 30/12, Đội Quản lý thị trường số 17 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Công an thành phố Hà Nội đã kiểm tra kho lạnh An Việt thuộc Khu công nghiệp Quang Minh, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 25 tấn đùi gà hun khói do Hàn Quốc sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; trong đó, 12 tấn đã hết hạn sử dụng từ ngày 9/3/2019, đang được chủ cơ sở dán lại mác hạn sử dụng đến ngày 1/3/2020. Lô hàng trị giá khoảng 5 tỉ đồng. Số đùi gà này được đóng gói trong các thùng carton đã rách nát, chảy nước, có mùi hôi thối. Một nửa trong số đó có hai hạn sử dụng được dán đè lên nhau chuẩn bị vận chuyển ra bán trên thị trường với giá từ 200.000 - 250.000 đồng/đùi.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hà - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 17, khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, chủ kho đã cất giấu một lượng lớn sản phẩm hết hạn trong kho hoa quả, sử dụng các kệ để che lấp nhưng do số lượng quá lớn, chủ hàng không thể cất giấu toàn bộ sản phẩm đã hết hạn sử dụng.

Chủ cửa hàng khai nhận, toàn bộ sản phẩm trong kho đều không có giấy tờ nhập khẩu chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp, các giấy tờ được các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận sản phẩm đủ điều kiện vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm lưu thông trên thị trường. Khi thấy sản phẩm sắp hết hạn sử dụng, chủ cơ sở đã tự ý thay đổi bằng cách gia hạn thêm thời gian sử dụng. Lực lượng chức năng đã tiến hành tịch thu toàn bộ số hàng đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan làm rõ địa chỉ mà cơ sở phân phối để xử lý theo quy định của pháp luật.

Rạng sáng ngày 30/12/2019, Đội Quản lý thị trường số 11 - Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp với Đội 5, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an thành phố Hà Nội kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 52LD-4058 do Hồ Ngọc Tuấn điều khiển và xe 52LD-4133, rơ mooc 52R-1407 do lái xe Nguyễn Hoàng Việt điều khiển đang bốc dỡ tại địa chỉ số 236 Phạm Văn Đồng (trong khuôn viên Siêu thị Mega Market Thăng Long). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện có 7,008 tấn sản phẩm động vật (trứng non, lườn ngỗng, nầm lợn, xương động vật tràng, lưỡi vịt), chủ hàng không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số hàng.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện và xử lý 30 tấn bánh kẹo các loại, ô mai, hoa quả sấy; 3,8 tấn nấm hương… không rõ nguồn gốc xuất xứ. Những vụ việc nêu trên cho thấy thị trường thực phẩm vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm nếu không được lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn kịp thời.

Tập trung kiểm tra nhóm thực phẩm nguy cơ cao

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu nâng cao trách nhiệm trong chỉ đạo quản lý an toàn thực phẩm của các cấp, các ngành; người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn. Trong tháng 1 đến ngày 25/3/2020, các đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành tập trung kiểm tra các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các cơ sở kinh doanh tại các chợ và siêu thị...

Triển khai Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán và mùa lễ hội Xuân năm 2020, thời gian qua, các quận, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân và các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh nắm rõ, thực hiện nghiêm quy định về an toàn thực phẩm. Đồng thời tăng cường kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, chất lượng, thời hạn sử dụng các sản phẩm; dư lượng chất bảo quản; kiểm soát thực phẩm đầu vào tại các chợ; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm…

Trên địa bàn quận Hà Đông có hơn 2.100 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quận Hà Đông đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vận động toàn dân tự giác thực hiện các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Cấp ủy Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội và các ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc vận động người dân thực hiện nghiêm Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với trình độ dân trí với mục đích nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đảm bảo cung cấp đến người tiêu dùng sản phẩm thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc; nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm; tạo thói quen không tiêu dùng thực phẩm không rõ nguồn gốc, sử dụng bao bì thực phẩm an toàn, không gây ô nhiễm môi trường.

Tại huyện Phú Xuyên, các cấp, ngành tiếp tục đổi mới hoạt động tuyên truyền; công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, tên địa chỉ các cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm trên đài truyền thanh huyện, xã, thị trấn, cổng thông tin điện tử của huyện; tổ chức các buổi truyền thông cộng đồng, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm và hướng dẫn chế biến, bảo quản, sử dụng thực phẩm an toàn. Đồng thời, chủ động tổ chức giám sát chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường và các vùng sản xuất trên địa bàn huyện, cảnh báo nguy cơ, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không đảm bảo an toàn; tăng cường phối hợp trong quản lý truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nông, lâm, thủy sản vào địa bàn huyện…

Năm 2019, thành phố Hà Nội đã thành lập 718 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm; tiến hành thanh tra, kiểm tra 131.071 lượt cơ sở, phạt hành chính 7.318 cơ sở với số tiền phạt trên 27,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND thành phố, việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm không rõ nguồn gốc và bảo đảm an toàn thực phẩm tuy có chuyển biến nhưng chưa chặt chẽ, kết quả chưa cao. Tình trạng ngộ độc thực phẩm còn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp, là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng, gây bức xúc trong nhân dân. Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ còn tồn tại trong dân cư gây ô nhiễm vệ sinh môi trường và không đảm bảo an toàn thực phẩm. Chính vì vậy đòi hỏi các cấp, các ngành tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn, bảo vệ sức khỏe người dân.

Tuyết Mai

Bạn đang đọc bài viết Ngăn chặn thực phẩm bẩn tuồn ra thị trường dịp Tết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới