Chủ nhật, 24/11/2024 05:58 (GMT+7)
Thứ hai, 01/07/2019 14:04 (GMT+7)

Ngân hàng khó “nới room” tín dụng

Theo dõi KTMT trên

Đến thời điểm này, tín dụng của nền kinh tế tăng trưởng hơn 6% so với đầu năm, dòng vốn hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Một số ngân hàng muốn xin “nới room” tín dụng cao hơn…

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế NHNN cho biết, đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng của toàn Ngành đạt khoảng hơn 6%. Mức tăng trưởng tín dụng này cũng khớp với số liệu báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê vừa công bố, theo đó, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 6,22% so với cuối năm 2018, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 6,09%. Tính đến thời điểm 18/6/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 6,05% so với cuối năm 2018;

Cơ cấu tín dụng tiếp tục hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, còn tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được tăng cường kiểm soát.

Với diễn biến này, trong 6 tháng cuối năm tín dụng ngân hàng được dự báo sẽ tăng ở mức khoảng 14%.

Ngân hàng khó “nới room” tín dụng - Ảnh 1
Một số ngân hàng chưa dùng hết hạn mức tăng tín dụng vẫn xin "nới room"

Theo báo cáo của một số ngân hàng thương mại, tăng trưởng tín dụng diễn biến khá tốt, song vẫn ở mức thấp so với chỉ tiêu được cấp. Một số ngân hàng đang xin được “nới room” tín dụng cao hơn chỉ tiêu được giao, nhất là trong nửa cuối năm được dự báo sẽ có sự tăng trưởng cho vay khả quan hơn. Đơn cử, đến hết quý 1/2019 Vietcombank tín dụng tăng hơn 6%, mới chưa được một nửa của chỉ tiêu cả năm là tăng 15%. Tín dụng của VPBank cũng tăng hơn 4,3% chỉ trong 3 tháng đầu năm, hay OCB tăng trưởng tín dụng đạt hơn 15% trong gần 6 tháng qua và đang xin nới room tín dụng.

Mặc dù tín dụng của Techcombank trong 3 tháng đầu năm chỉ tăng 2,4%, trong sang quý 2, tín dụng bắt đầu tăng tốc và ngân hàng này được cấp hạn mức tăng tín dụng tới 13% trong năm nay.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hiện một số ngân hàng đã xin “nới room” tín dụng, nhưng Ngân hàng Nhà nước chưa chấp thuận cho ngân hàng nào tăng trưởng tín dụng cao hơn hạn mức được cấp. Thực tế là các ngân hàng xin nới room vẫn chưa sử dụng hết room.

Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là thận trọng với tăng trưởng tín dụng. Cơ quan điều hành đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng ngay từ đầu năm theo định hướng những ngân hàng áp dụng chuẩn Basel II sẽ được hạn mức tín dụng cao hơn mặt bằng chung. Những ngân hàng đủ vốn, nợ xấu thấp thì mức tăng trưởng tín dụng cũng ở mức tương đương với mức tăng trưởng chung của toàn Ngành. Ngược lại, ngân hàng nào không đảm bảo đủ vốn, nợ xấu cao thì không được nới room tín dụng.

Theo lãnh đạo một ngân hàng, dù Ngân hàng Nhà nước có nới room tín dụng cho ngân hàng nào thì vẫn đảm bảo bám sát các mục tiêu chung của cả hệ thống và các mục tiêu lớn hơn như ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, an toàn hệ thống…

Do đó, khả năng nới room tín dụng sẽ khó khăn hơn trên cơ sở cân đối nhiều yếu tố. Nhất là khi xem xét mở rộng tín dụng, các ngân hàng phải đáp ứng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hơn về an toàn vốn, tiêu chuẩn Basel II, kiểm soát nợ xấu, hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hạn chế cho vay lĩnh vực rủi ro cao.

Hơn nữa, theo ý kiến chuyên gia, việc nới room tín dụng cho một số ngân hàng có thể xảy ra song sẽ cân đối trên dư địa chung, đảm bảo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 14% trong năm nay. Vấn đề quan trọng là, nếu ngân hàng tăng tín dụng nhưng vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ lại tăng trưởng không tương xứng… thì sẽ làm ảnh tới hệ số an toàn vốn (CAR) càng ngày càng mỏng đi, rủi ro cao hơn.

Kim Anh

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng khó “nới room” tín dụng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới