Ngân sách đã "bội thu", cần có phương án hỗ trợ người dân và doanh nghiệp
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, khi nguồn thu ngân sách Nhà nước “xông xênh” thì có thể tập trung vào những gói an sinh xã hội để hỗ trợ người dân. Đồng thời Nhà nước phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hơn nữa giúp doanh nghiệp.
Ngân sách bội thu trong 6 tháng đầu năm
Nền kinh tế dần phục hồi sau đại dịch đã giúp ngân sách 6 tháng đầu năm “bội thu” đạt 941,3 nghìn tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 747,9 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ. Dù Nhà nước đã thực hiện chính sách miễn giảm thuế lớn nhất từ trước tới nay (miễn giảm 120.000 tỷ đồng tiền thuế, phí) nhưng thu ngân sách vẫn tăng tới 230.000 tỷ đồng so với dự toán. Số tăng ngân sách gần gấp đôi so với khoản tiền miễn giảm cho người dân, doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cho biết, có 10/12 khoản thu và nhóm khoản thu nội địa có tiến độ thu khá so với dự toán. Hàng loạt khoản thu vượt dự toán như: thu nội địa tăng 16,4%. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu gần 158 nghìn tỷ đồng, tăng 28,3%. Thu từ dầu thô là một trong những khoản thu tăng đột biến.
Trong nửa đầu năm 2022, với sản lượng khai thác 4,21 triệu tấn, giá dầu thô trung bình 100,4 USD/thùng (cao hơn 40,4 USD/thùng so với dự toán) đã góp phần giúp thu ngân sách từ dầu thô đạt 35.421 tỷ đồng, vượt 125% dự toán.
Các nguồn thu vượt dự toán lớn như thu tiền sử dụng đất đạt 108 nghìn tỷ đồng, bằng 79% dự toán và tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Thu hồi vốn ngân sách đầu tư tại tổ chức kinh tế; thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế đạt 37 nghìn tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2021.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong nửa cuối năm 2022, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, chính sách thuế và trình cấp có thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
“Thu ngân sách Nhà nước phải căn cứ vào sức khỏe doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không tăng sản lượng, không phát triển sẽ không thu được ngân sách. Trong khi đó, đời sống nhân dân ngày càng khó khăn trước bão giá. Doanh nghiệp khó khăn vì giá hàng hóa đầu vào tăng cao, đầu tư xây dựng cơ bản không có lãi, vận tải thua lỗ. Chúng ta phải tham mưu cho Chính phủ để có giải pháp hỗ trợ nền kinh tế ổn định, phát triển”, Bộ trưởng Phớc đặt yêu cầu cho cán bộ ngành Tài chính.
Cần tập trung vào gói an sinh xã hội
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) phân tích, thu thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng qua tăng nhưng chủ yếu là thu nhập của người kinh doanh bất động sản và chứng khoán, còn người làm công ăn lương thì thu nhập không tăng nhiều. Chính vì vậy, khi nguồn thu ngân sách Nhà nước “xông xênh” thì có thể tập trung vào những gói an sinh xã hội để hỗ trợ người dân. Đồng thời Nhà nước phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hơn nữa giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn vay để tăng sản xuất, đặc biệt kiềm chế lạm phát để giá cả nguyên liệu đầu vào không còn phi mã.
“Tôi gặp gỡ, trao đổi với nhiều doanh nghiệp, đa số đều nêu 2 thực tế: Lúc này họ không cần giảm thuế nữa mà cần giảm các thủ tục hành chính, giảm thời gian đi lại, chi phí của doanh nghiệp trong việc xin phép này nọ. Đâu đó đã xuất hiện tình trạng “đẻ” thêm thủ tục gây khó cho doanh nghiệp. Họ cũng mong muốn được tiếp cận vốn vay để đầu tư kinh doanh với mức lãi suất tốt mà không phải là ưu đãi. Thế nên, vấn đề lúc này không phải là trong nhà có “của ăn của để” mà cải cách thủ tục, thể chế mới quan trọng”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh bổ sung.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) nhấn mạnh, thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm nay thặng dư đến 220.000 tỷ đồng là dư địa tốt cho Chính phủ triển khai các kế hoạch đề ra từ đầu năm. Đây cũng là nền tảng để Chính phủ đủ tự tin và có dư địa triển khai ngay gói kích thích hỗ trợ doanh nghiệp, làm nền tảng nâng cao năng lực của nền kinh tế trong trung và dài hạn.
Có 2 vấn đề Chính phủ cần lưu ý, đó là dùng thặng dư ngân sách Nhà nước để hỗ trợ bình ổn lạm phát. Đặc biệt, hỗ trợ nhóm yếu thế trong xã hội như người nghèo, người lao động có thu nhập thấp tại các đô thị, khu công nghiệp. Đây vừa là chính sách an sinh, vừa giúp ổn định tinh thần người lao động trong các khu công nghiệp đang cần ổn định để tăng tốc sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, có dự phòng cho những rủi ro. Ví dụ như dịch bệnh quay trở lại, hay các dự phòng cho trường hợp rủi ro về tài chính hoặc ảnh hưởng bất ổn địa chính trị trên toàn cầu từ nay đến cuối năm và có thể kéo dài sang năm sau.
“Trước mắt, để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, theo tôi, phải giảm giá xăng dầu. Cụ thể, sau thuế bảo vệ môi trường sẽ được giảm từ ngày 11.7 tới đây qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua, phải sớm giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng xăng dầu để giá cả hàng hóa, chi phí của doanh nghiệp không còn tăng như thời gian qua”, TS Nguyễn Quốc Việt chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng cần phải tiếp tục bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu để hỗ trợ người dân và cả nền kinh tế. Nguồn thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm nay tăng khá, phần lớn nhờ nguồn thu từ dầu thô.
Song song đó, các khoản thu liên quan đến xăng dầu tiêu dùng trong nước như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu cũng đã tăng thêm vài ngàn tỷ đồng khi giá dầu thế giới liên tục đi lên. Đây chính là nguồn để Chính phủ mạnh dạn giảm các loại thuế đối với hàng hóa thiết yếu này.
Chuyên gia Bùi Trinh nhấn mạnh: dầu thô cũng như các loại tài nguyên là sở hữu toàn dân. Ngân sách được hưởng lợi từ đó thì phải dùng để hạ nhiệt giá xăng dầu trong bối cảnh giá hàng loạt hàng hóa đều gia tăng. Đây là gói hỗ trợ tốt nhất, thiết thực nhất và toàn bộ người dân lẫn nền kinh tế được hưởng lợi. Việc giảm giá xăng dầu cũng sẽ ngay lập tức có tác động lan tỏa đến hoạt động của nhiều ngành nghề, từ đó sẽ góp phần vào sự phục hồi, phát triển của kinh tế trong năm nay.
Hà Lan