Ngành dệt may khó đạt mục tiêu xuất khẩu trong năm 2021
Nửa đầu năm 2021, ngành dệt may đã có sự khởi sắc, tăng trưởng liên tục bất chấp dịch Covid-19. Tuy nhiên, hiện nay ngành dệt may đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có và dự báo khó đạt con số xuất khẩu năm 2021 như dự kiến.
Xuất khẩu dệt may đạt gần 23 tỉ USD trong 7 tháng đầu năm
Nửa đầu năm nay, ngay trong bối cảnh dịch bệnh, thị phần của ngành dệt may vẫn tăng lên 6,7%, vượt trội so với mức tăng 5% của năm ngoái. Trong 7 tháng qua, toàn ngành xuất khẩu đạt gần 23 tỉ USD so với mục tiêu khoảng 39 tỉ USD của năm nay. Nếu kiểm soát được dịch bệnh, năm nay toàn ngành có thể xuất khẩu được 40 tỉ USD.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 7/2021 xuất khẩu nhóm hàng dệt may tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 17 tỉ USD, chiếm gần 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại của cả nước.
Nhóm hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Mỹ, chiếm tới gần 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 7,6 tỉ USD, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm 2020.
Đứng sau thị trường chủ đạo Mỹ là thị trường Nhật Bản đạt 1,57 tỉ USD, chiếm 10,3%. Riêng tháng 6/2021 đạt 264,7 triệu USD, tăng 8,6% so với tháng 5/2021 và tăng 3,4% so với tháng 6/2020.
Điển hình như Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, Mã: VTG) ghi nhận doanh thu thuần quý II/2021 đạt gần 3.708 tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hơn 193 tỉ đồng, gấp gần 9,2 lần quý II năm ngoái.
Tương tự, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) cũng có kết quả tích cực khi doanh thu thuần quý II đạt 1.460 tỉ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế là 61 tỉ đồng, tăng 90% so với quý II/2020.
Mục tiêu khó đạt
Dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, doanh nghiệp dừng sản xuất. Ngành dệt may hiện đang đối mặt với những khó khăn chưa từng có và dự báo khó có thể đạt con số xuất khẩu năm 2021 như dự kiến là 39 tỉ USD.
Theo thống kê, tỉ lệ nhà máy phải đóng cửa đã lên tới 35% do không đủ kinh phí để thực hiện "3 tại chỗ". Trong kịch bản tích cực, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát vào cuối tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu của ngành trong năm 2021 chỉ đạt 33 tỉ USD, hoàn thành 84% kế hoạch cả năm.
Theo bà Hoàng Ngọc Ánh, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong những tháng cuối năm 2021, ngành dệt may phải đối mặt với nhiều thách thức. Dịch Covid-19 đang bùng phát ở khu vực phía Nam có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, do các công ty không thể vận chuyển nguyên liệu và thiếu nguồn nhân lực để đảm bảo thời gian giao hàng.
Ngoài ra, việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các công ty dệt may với khoảng 50% nhà máy đặt tại miền Nam.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết: "Trong 2 quý đầu năm nay, các doanh nghiệp dệt may đã nhận nhiều đơn hàng để thực hiện trong quý III và quý IV. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát đã khiến hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, một số đơn hàng buộc phải chuyển dịch để đáp ứng yêu cầu của đối tác".
Ngoài mối lo dịch bệnh làm đứt đoạn chuỗi cung ứng, chi phí logistics tăng cao, thiết hụt trầm trọng container và tình trạng nhiều cảng biển ách tắc lưu thông hàng xuất khẩu... là những trở ngại, tác động trực diện tới nhịp sản xuất của doanh nghiệp dệt may.
Đề xuất sớm tiêm vaccine cho người lao động để ổn định sản xuất
Thông tin từ VITAS cho hay dệt may Việt Nam đối mặt thách thức thiếu hụt lao động và tỉ lệ tiêm vaccine cho ngành vẫn thấp.
Theo đó, tiêm đủ vaccine trong thời gian sớm nhất cho người lao động là kiến nghị của hầu hết các doanh nghiệp trong ngành cũng như Hiệp hội Dệt May. Đây cũng là chìa khoá gần như duy nhất để giải quyết triệt để khó khăn của ngành dệt may nói riêng cả các doanh nghiệp sản xuất nói chung.
Chia sẻ với VnEconomy, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Công ty May Hưng Yên cho biết, doanh nghiệp liên tục nhận đơn hàng từ châu Âu, Hoa Kỳ… Tuy nhiên, để ổn định sản xuất và đẩy nhanh tiến độ giao hàng, người lao động cần được tiêm vaccine phòng Covid-19. Nếu có thể nhanh chóng tiêm vaccine cho người lao động thì ngành dệt may có thể tạo đà phát triển và bứt phá.
Dự báo cho những tháng cuối năm, Bộ Công thương nhìn nhận, đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam như điện tử, dệt may và da giày..., tín hiệu tốt là các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu đều trong đà hồi phục nhu cầu tiêu dùng, cùng với xu thế dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu sau dịch bệnh, các doanh nghiệp có thể có thêm các đơn hàng xuất khẩu mới.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh phức tạp tại Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp đã và đang phải cố gắng duy trì sản xuất cùng với nguy cơ rủi ro rất lớn là khách hàng quốc tế sẽ dừng, hủy đơn hàng để chuyển sang nước khác. Đến khi dịch được kiểm soát, việc nối lại các mối quan hệ kinh doanh sẽ rất khó khăn.
Do đó, để yên tâm sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường như hiện nay, ưu tiên lớn nhất vẫn là bảo vệ sức khỏe của công nhân, tăng cường tiêm vaccine cho người lao động để hoạt động sản xuất không bị đứt gãy, trong đó có lao động ngành dệt may.
Nguyễn Luận (T/h)