Ngành tôm tiếp tục gặp khó do giá giảm sâu
Theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay giá tôm thương phẩm ngày càng sụt giảm, cùng với đó hoạt động thả nuôi cũng có chiều hướng giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dự báo các tháng cuối năm, tôm nguyên liệu sẽ khan hiếm.
Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu dẫn đầu cả nước về xuất khẩu tôm
Theo VASEP, 3 tỉnh trọng điểm về nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm Sóc Trăng, Cà Mau và Bạc Liêu chiếm 61% xuất khẩu tôm của cả nước. Theo đó, diễn biến và kết quả xuất khẩu tôm của Việt Nam đang và sẽ phụ thuộc và tình hình sản xuất và xuất khẩu của 3 tỉnh.
Tính đến hết tháng 7, tỉnh Sóc Trăng đang dẫn đầu cả nước về xuất khẩu thủy sản với 570 triệu USD, chiếm 11,3% tổng kim ngạch. Trong đó, xuất khẩu tôm chiếm 94% với 535 triệu USD, còn lại là các sản phẩm chả cá, surimi, mực, bạch tuộc và nhuyễn thể khác.

Sóc Trăng cũng dẫn đầu cả nước về xuất khẩu tôm, chiếm gần 1/4 xuất khẩu tôm của cả nước, trong đó 95% giá trị xuất khẩu tôm của tỉnh là từ tôm chân trắng, tôm sú chỉ chiếm khoảng 4%.
Đứng thứ 2 là tỉnh Cà Mau với doanh số XK thủy sản 7 tháng đầu năm 2021 là 543 triệu USD, chiếm 10,7%. Trong đó, xuất khẩu tôm 7 tháng đầu năm nay chiếm 91% giá trị xuất khẩu thủy sản của tỉnh.
Mặt hàng xuất khẩu nhiều thứ 2 là chả cá, surimi, chiếm gần 6%. Xét riêng về sản phẩm tôm sú xuất khẩu, Cà Mau vẫn đứng đầu cả nước, chiếm 54% kim ngạch, với trên 175 triệu USD trong 7 tháng đầu năm.
Với 269 triệu USD xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm, Bạc Liêu đứng thứ 7 về doanh số thủy sản, nhưng về xuất khẩu tôm, Bạc Liêu có kinh ngạch lớn thứ 3.
Với giá trị 255 triệu USD, tôm cũng chiếm gần 95% xuất khẩu thủy sản của tỉnh, trong đó tôm chân trắng chiếm 76%, tôm sú chiếm 22%. Hiện nay, Bạc Liêu có khoảng 30 công ty xuất khẩu thủy sản.
Giá tôm liên tục giảm sâu
Tổng cục Thủy sản cho biết hiện nay giá tôm thương phẩm ngày càng sụt giảm, cùng với đó hoạt động thả nuôi cũng có chiều hướng giảm, do doanh nghiệp thu mua, chế biến, dịch vụ cung cấp vật tư đầu vào phải tạm ngừng hoạt động do Covid-19 dẫn đến tâm lý e ngại của người nuôi. Dự báo các tháng cuối năm sẽ khan hiếm tôm nguyên liệu.
Tại miền Trung, giá tôm cũng giảm hơn 20%. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam nhận định, dịch Covid-19 khiến giá tôm sụt giảm so với hàng năm khoảng 20-30%, tiêu thụ khó khăn.
Trao đổi với Zing, ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, tình hình nuôi tôm trên địa bàn không gặp nhiều khó khăn... Ông Tấn nhận định dịch Covid-19 khiến giá tôm sụt giảm so với hàng năm khoảng 20-30% là điều dễ hiểu vì các địa phương khác cũng như vậy.

Tại các tỉnh phía Nam, tôm rớt giá thê thảm trong khi chi phí nuôi tăng vọt khiến người nuôi tôm rơi vào thua lỗ. Sóc Trăng - nơi được mệnh danh là "thủ phủ tôm" với diện tích nuôi khoảng 50.000 ha, giá tôm cũng giảm mạnh.
Theo các hộ nuôi tôm, giá tôm giảm còn do nguyên nhân các nhà máy giảm công suất chế biến xuống còn khoảng 30% so với trước đây. Hiện, 70% nhà máy thủy sản đóng cửa vì không có công nhân. Mua tôm lúc này phải cấp đông nhưng lại không có kho để gửi.
Tất cả chi phí đầu vào đều tăng mạnh, kể cả phí vận chuyển container. Trong lúc khó khăn, các nhà máy chế biến tôm buộc phải tìm cách để hài hòa lợi ích giữa người nuôi và doanh nghiệp.
Nguyễn Luận (t/h)