Chủ nhật, 24/11/2024 05:55 (GMT+7)
Thứ hai, 17/06/2024 09:17 (GMT+7)

Nghệ An: Hàng loạt bãi kinh doanh cát, sỏi không phép gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư

Theo dõi KTMT trên

Nhiều năm qua, hàng loạt bãi kinh doanh cát, sỏi không phép nằm trong khu dân cư trên địa bàn huyện Diễn Châu (Nghệ An) gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Nhiều năm qua, cùng với sự gia tăng của nhu cầu về vật liệu xây dựng thì các bãi tập kết và kinh doanh cát, sỏi xuất hiện ngày càng nhiều. Các bãi kinh doanh vật liệu xây dựng có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế hộ gia đình. Tuy nhiên, nó cũng đã đem lại nhiều hệ lụy trong quản lý nhà nước tại các địa phương, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Nghệ An: Hàng loạt bãi kinh doanh cát, sỏi không phép gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư - Ảnh 1
Hàng loạt bãi kinh doanh cát, sỏi không phép nằm gần nhau trong khu dân cư tại xã Minh Châu, huyện diễn Châu (Nghệ An) gây ô nhiễm trong nhiều năm qua.

Thời gian qua, phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường nhận được phản ánh của nhiều hộ dân xóm 7, xã Minh Châu, huyện Diễn Châu (Nghệ An) về tình trạng nhiều bãi kinh doanh cát, sỏi nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường như tiếng ồn, bụi bặm cả ngày lẫn đêm.

Theo ghi nhận của phóng viên, với chiều khoảng hơn 200 mét bám Quốc lộ 7A (thuộc xóm 7, xã Minh Châu) đã có 5 điểm tập kết, kinh doanh cát, sỏi nằm giữa khu dân cư, cạnh nhà hàng ăn uống, trung tâm mua sắm. Cứ mỗi lần máy xúc cát đổ lên xe tải gây bụi bay vào nhà dân và hàng quán kinh doanh ở cạnh, mất an toàn giao thông và có nguy cơ xảy ra tai nạn mỗi khi xe ra, vào.

Nghệ An: Hàng loạt bãi kinh doanh cát, sỏi không phép gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư - Ảnh 2
Bãi kinh doanh cát, sỏi nằm sát trung tâm mua sắm và nhà hàng ăn uống gây ô nhiễm tại xã Minh Châu.

Một số người dân sông cạnh các bãi kinh doanh cát, sỏi cho biết, tình trạng gây ô nhiễm này đã xẩy ra trong một thời gian dài, mỗi khi máy xúc cát lên xe làm cho bụi bay khắp nơi. Các xe chở cát với khối lượng lớn thường về đổ cho các bãi tập kết vào lúc 3 - 4 giờ sáng, làm cho mọi người trong gia đình đang ngủ bị tỉnh giấc. Xe vào ra nhiều lần như thế nên không ai ngủ tiếp được, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân sống cạnh như chúng tôi, nhất là người già và trẻ nhỏ.

Ông Võ Đình Quyền, Chủ tịch UBND xã Minh Châu cho biêt, năm 2023, xã đã thành lập đoàn kiểm tra các bãi kinh doanh cát sỏi trên địa bàn và lập biên bản xử phạt, giao trách nhiệm cho các hộ kinh doanh phải đảm bảo về bảo vệ môi trường. Những điểm kinh doanh trên là của ông Lê Thanh Hùng (xóm 6), ông Võ Minh Trọng (thôn Thanh Luật), ông Đặng Kim Thái (xóm 7) đều là người dân xã Minh Châu, huyện Diễn Châu, Nghệ An.

Video cận cảnh các bãi kinh doanh cát, sỏi nằm trong khu dân cư tại xã Minh Châu.

Ngoài các điểm kinh doanh tại xã Minh Châu, phóng viên còn ghi nhận được nhiều điểm kinh doanh cát sỏi không phép tại nhiều xã khác trên địa bàn huyện Diễn Châu như: Xã Diễn Đồng (bãi kinh doanh vật liệu Bình Vân tại xóm 6,), xã Diễn Kỷ (bãi ông Thi, thuê đất Ga Sy tại xóm 5), Diễn Hạnh, Diễn Hồng, Diễn Cát, Diễn Thái, Diễn An…

Nghệ An: Hàng loạt bãi kinh doanh cát, sỏi không phép gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư - Ảnh 3
Bãi kinh doanh cát, sỏi không phép, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông tại xã Diễn Đồng (ảnh trên), xã Diễn Kỹ (ảnh dưới) khiến người dân bức xúc trong nhiều năm qua.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Trương Văn Đức, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Diễn Châu cho biết, chúng tôi sẽ phối hợp với phòng kinh tế hạ tầng để thành lập đoàn kiểm tra, nếu sử dụng đất sai mục đích và gây ô nhiễm môi trường sẽ xử theo quy định của pháp luật.

Được biết, đất mà các hộ sử dụng để làm bãi tập kết kinh doanh cát sỏi đều là đất thổ cư (đất phân lô bán nền), sử dụng sai mục đích và không có giấy phép hoạt động về lĩnh này. Người dân nơi đây đã phản ánh nhiều lần đến chính quyền nhưng không có một cơ quan có thẩm quyền nào xử lý dứt điểm.

Nghệ An: Hàng loạt bãi kinh doanh cát, sỏi không phép gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư - Ảnh 4
Bãi kinh doanh cát, sỏi không phép, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông tại xã Diễn Hạnh (ảnh trên), xã Diễn Hồng (ảnh dưới).

Để chấm dứt tình trạng các bến bãi tập kết cát, sỏi trái phép và kiến nghị của người dân nêu trên, mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lý, nhằm lập lại trật tự trong kinh doanh vật liệu ở khu dân cư và bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.

Theo điều 12 Nghị định 23/2020/NĐ-CP

Cát, sỏi lòng sông được tổ chức, cá nhân kinh doanh phải là cát, sỏi có nguồn gốc hợp pháp, là cát, sỏi lòng sông được khai thác theo giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc theo đăng ký khối lượng cát, sỏi thu hồi từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa (kể cả ở lòng hồ, cửa lấy nước, vùng cửa sông ven biển) hoặc khai thác theo quy định.

Trong quá trình vận chuyển cát, sỏi trên sông, chủ phương tiện phải mang theo hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của cát, sỏi là hợp pháp; thông tin, dữ liệu, sổ sách, chứng từ về khối lượng cát, sỏi đang vận chuyển; bên bán phải xuất hóa đơn cho bên mua theo quy định của pháp luật.

Mọi hành vi buôn bán, kinh doanh cát, sỏi lòng sông không có nguồn gốc hợp pháp được xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác có liên quan; Không sử dụng cát, sỏi lòng sông có đủ chất lượng làm cát, sỏi xây dựng dùng cho mục đích san lấp, cải tạo mặt bằng. Việc kinh doanh, tập kết và vận chuyển cát, sỏi lòng sông phải đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường, nghiêm cấm sử dụng xe quá tải trọng đi trên đê.

Nguyễn Công

Bạn đang đọc bài viết Nghệ An: Hàng loạt bãi kinh doanh cát, sỏi không phép gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới