Chủ nhật, 24/11/2024 05:50 (GMT+7)
Thứ bảy, 08/05/2021 11:45 (GMT+7)

Nghiên cứu sâu khoa học công nghệ

Theo dõi KTMT trên

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học về ứng dụng thông tin dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu không gian địa lý đã đặt ra những yêu cầu cấp bách đối với ngành Đo đạc và Bản đồ trong việc nghiên cứu để triển khai các ứng dụng trong quan trắc, giám sát TN&MT.

Công trình KHCN đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng đo đạc và bản đồ trong quan trắc, giám sát TN&MT, trong thời gian qua, nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ đã được triển khai thành công, đưa vào áp dụng kịp thời như: Nghiên cứu kết hợp công nghệ viễn thám và mô hình thủy lực xây dựng kịch bản tài nguyên nước các hồ chứa trong trường hợp sự cố; nghiên cứu ứng dụng ảnh vệ tinh Radar độ phân giải cao trong thành lập mô hình số độ cao và kiểm kê đảo, xây dựng mô hình số độ cao trên các đảo phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế biển và giám sát hiện tượng nước biển dâng; nghiên cứu ứng dụng dữ liệu đo đạc, bản đồ và viễn thám trong việc giám sát lớp phủ mặt đất, trong cảnh báo và phòng tránh thiên tai, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam; nghiên cứu ứng dụng đo trọng lực bằng máy FG-5X phục vụ điều tra, đánh giá nước dưới đất và một số khoáng sản rắn ở Việt Nam;...

Theo ông Nguyễn Phi Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ trong thời gian qua đã đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về đo đạc và bản đồ, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ trong giai đoạn mới.

Cùng với đó, việc áp dụng các kết quả nghiên cứu đã góp phần đưa trình độ công nghệ về thu nhận, xử lý thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu địa lý và hệ thống thông tin địa lý nước ta phát triển tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới, đảm bảo cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ đầy đủ, chính xác, kịp thời.

Nghiên cứu sâu khoa học công nghệ - Ảnh 1
Xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (NSDI) để thực hiện Chính phủ điện tử.

Cách mạng 4.0 và cơ hội thay đổi tư duy

Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mở ra nhiều thuận lợi, đồng thời, cũng đặt ra không ít thách thức đối với công tác quản lý và nghiên cứu khoa học công nghệ về đo đạc, bản đồ và hệ thống thông tin địa lý.

Viện trưởng Nguyễn Phi Sơn cho biết, nắm bắt cơ hội do cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đem lại, Viện đã tập trung xây dựng định hướng chiến lược một cách đúng đắn, với mục tiêu trở thành một viện nghiên cứu cơ bản đầu ngành, có năng lực và trình độ khoa học công nghệ hiện đại đạt mức tiên tiến của khu vực và tiếp cận với trình độ của các nước phát triển trên thế giới.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, thời gian tới, Viện sẽ tích cực phối hợp với Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Cùng với đó, sẽ cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ các yêu cầu của quản lý Nhà nước về lãnh thổ, đất đai, tài nguyên thiên nhiên, môi trường, phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an ninh, quốc phòng; nghiên cứu khoa học về Trái đất; phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; đồng thời đáp ứng thông tin cho nhu cầu sử dụng của cộng đồng trong hoạt động kinh tế, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, dân sinh và xã hội... trên môi trường số thay vì văn bản và in giấy như trước đây.

 Viện cũng sẽ đảm bảo công tác đào tạo, tiếp tục triển khai các công tác nghiệp vụ trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ; tăng cường công tác hợp tác quốc tế, đặc biệt trong việc trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Viện sẽ tranh thủ sự tài trợ của các tổ chức quốc tế để thực hiện các dự án ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực đo đạc bản đồ, viễn thám vào thực tiễn; nghiên cứu, trao đổi thông tin và hợp tác hoàn thành các dự án với các đối tác trong nghiên cứu, xây dựng, phát triển hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia Việt Nam; xây dựng, phát triển hệ thống thông tin địa lý quốc gia Việt Nam;...

Đặc biệt, chủ động tiếp thu các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 để áp dụng phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam; đề xuất các đề tài khoa học công nghệ phù hợp, đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành Tài nguyên và Môi trường trong thời gian tới.

Minh Khang

Bạn đang đọc bài viết Nghiên cứu sâu khoa học công nghệ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới