Chủ nhật, 24/11/2024 07:45 (GMT+7)
Thứ ba, 15/10/2019 06:30 (GMT+7)

Người dân sắp được cập nhật ô nhiễm không khí qua smartphone từ nguồn chính thức

Theo dõi KTMT trên

Thời gian tới, khi hệ thống quan trắc môi trường được hoàn thiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ cập nhật mức độ ô nhiễm không khí, hiển thị thời gian trên ứng dụng điện thoại để kịp thời cảnh báo đến người dân.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 14/10 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, ngày 7/10, Bộ TN&MT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chất lượng không khí tại hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh.

Nguyên nhân sơ bộ dẫn đến tình trạng gia tăng mức độ ô nhiễm không khí và nồng độ bụi PM2.5 ở hai thành phố này thời gian qua là do thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, khối không khí lạnh từ phía Bắc khuếch tán xuống phía Nam tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí. Bên cạnh đó, những ngày này, hoạt động đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch ở khu vực ngoại thành Hà Nội cũng góp phần làm gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trong không khí.

Theo dữ liệu từ năm 2013 đến nay, tháng 9 năm nay ít mưa nhất trong 6 năm qua, liên tiếp trong nhiều ngày (từ 21-30/9/2019), toàn bộ khu vực thành phố Hà Nội không có mưa. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nồng độ bụi trong không khí của Hà Nội cao đột biến trong thời gian này.

Người dân sắp được cập nhật ô nhiễm không khí qua smartphone từ nguồn chính thức - Ảnh 1
Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường tại buổi họp báo ngày 14/10.

Theo ông Hoàng Văn Thức, cùng với nguyên nhân khí tượng thì môi trường không khí tại các đô thị chịu ảnh hưởng từ rất nhiều nguồn thải: Khí thải từ các phương tiện giao thông; hoạt động xây dựng tại các khu đô thị; hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý, đốt chất thải sinh hoạt, sản phẩm phụ nông nghiệp sau thu hoạch không đúng quy định tại các khu vực ven đô gây hiện tượng khói mù, thói quen sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt của người dân vùng ven đô; các nguồn thải vận chuyển từ xa đến (ô nhiễm xuyên biên giới) như khói bụi do cháy rừng từ các quốc gia lân cận, bụi mịn do đốt nhiên liệu hóa thạch trong các ngành công nghiệp nặng theo gió mùa Đông Bắc vận chuyển về.

Đánh giá sơ bộ bề dày quan trắc từ 2013 đến nay của Bộ TN&MT, chất lượng không khí tại các đô thị nói chung đã được cải thiện, tuy nhiên mức độ ô nhiễm tăng giảm nhất định tùy từng thời điểm. Để đánh giá chất lượng không khí đô thị tốt hay xấu phải căn cứ mật độ trạm đo cố định và tự động hóa mới kết luận được.

"Số liệu chính xác nhất là trạm quan trắc cố định liên tục thì Bộ TN&MT có 2 trạm, 2 trạm của Hà Nội và các trạm tự động hóa. Từng vị trí đặt trạm sẽ có ra kết quả đo khác nhau do các yếu tố như mật độ giao thông, xây dựng…Do đó, để đánh giá chất lượng không khí của thành phố Hà Nội hay Hồ Chí Minh thì phải căn cứ vào mật độ trạm đo từ trạm cố định, tự động. Thời gian qua, một số mạng nước ngoài như AirVisual chỉ căn cứ số liệu một trạm thì không phản ánh đại diện của cả thành phố", ông Hoàng Văn Thức thông tin.

Từ cuối năm ngoái đến nay, Bộ TN&MT đã công bố chất lượng không khí hàng năm qua cổng quan trắc của Tổng cục Môi trường, còn đối với Hà Nội thì công bố tại Cổng thông tin Sở Tài nguyên và Môi trường, các bản tin dự báo thời tiết của Hà Nội cũng đã kèm chất lượng không khí.

Vấn đề kiểm soát chất lượng không khí được Chính phủ quan tâm từ rất sớm, ngay trong Luật Bảo vệ Môi trường 2014 đã có quy định về vấn đề này và Thủ tướng cũng ban hành kế hoạch hành động quốc gia, trong đó có nhiều giải pháp tổng thể giao cho các bộ ngành, địa phương lên kế hoạch kiểm soát cụ thể. Dự kiến, cuối năm nay, Bộ TN&MT sẽ có báo cáo đánh giá kế hoạch tổng thể về kiểm soát chất lượng môi trường không khí quốc gia.

Đại diện Bộ TN&MT cho biết:"Chính phủ đã giao Bộ TN&MT thiết kế, quy hoạch mạng lưới quan trắc cho đến năm 2025, tầm nhìn 2030, chúng tôi sẽ thiết kế mạng lưới xương sống về quan trắc môi trường không khí, tức là tại các thành phố lớn sẽ đặt các trạm quan trắc không khí liên tục, xung quanh đó có một số trạm điện hóa kết nối và kết nối cùng các trạm của Sở TN&MT. Riêng Hà Nội thì từ nay đến cuối năm và 2020, Hà Nội sẽ lắp thêm 20 trạm quan trắc, trong đó có 10 trạm quan trắc cố định. Như vậy, mạng lưới tại các đô thị lớn sắp tới sẽ đủ dữ liệu để quan trắc, cảnh báo kịp thời cho người dân"

"Bộ TN&MT đã trao đổi với các Sở TN&MT, đã giao Trung tâm Quan trắc của Tổng cục, phối hợp với Cục thông tin, trong thời gian sớm nhất chúng tôi sẽ đưa thông tin, hiển thị thời gian, mức độ ô nhiễm thực từ mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia cũng như mạng lưới của tỉnh đưa vào ứng dụng trên điện thoại để kịp thời cảnh báo người dân", ông Hoàng Văn Thức khẳng định.

Cùng với đó, ông Hoàng Văn Thức cũng cho biết, Bộ đã có báo cáo Thủ tướng, yêu cầu sự vào cuộc của các bộ, ngành khác trong vấn đề kiểm soát ô nhiễm không khí như Bộ Giao thông Vận tải về kiểm soát khí thải giao thông, Bộ Xây dựng quản lý về các công trình xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chất thải nông nghiệp... Bộ TN&MT cũng đang lấy ý kiến sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường 2014, sẽ đưa điều khoản chi tiết kiểm soát chất lượng môi trường trong đó có môi trường không khí.

Bạn đang đọc bài viết Người dân sắp được cập nhật ô nhiễm không khí qua smartphone từ nguồn chính thức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới