Chủ nhật, 24/11/2024 09:26 (GMT+7)
Chủ nhật, 18/07/2021 14:27 (GMT+7)

Người tiêu dùng ‘oằn lưng’ gánh hậu quả Covid-19 cho Bách hóa Xanh

Theo dõi KTMT trên

Bách hóa Xanh vì lợi nhuận mà bỏ qua vai trò trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, bắt người tiêu dùng phải chịu mọi chi phí biến động do dịch Covid-19 đem lại?

Phạt Bách hóa Xanh treo giá một đằng, tính tiền một nẻo

Sáng ngày 18/7, ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng thông tin với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, đơn vị quản lý thị trường trên địa bàn vừa lập biên bản hành vi "bán không đúng giá niêm yết" đối với cửa hàng Bách hóa Xanh, địa chỉ số 481 Trần Hưng Đạo, Khóm 8, phường 3, TP.Sóc Trăng.

Trước đó, ngày 17/7, Đội Quản lý thị trường số 2 (thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng) đã tiến hành kiểm tra cửa hàng Bách hóa Xanh trên địa bàn quản lý, phát hiện cửa hàng bán nhiều mặt hàng cao hơn so với giá niêm yết.

Người tiêu dùng ‘oằn lưng’ gánh hậu quả Covid-19 cho Bách hóa Xanh - Ảnh 1
Cục Quản lý thị trường Sóc Trăng lập biên bản hành vi bán không đúng giá niêm yết của cửa hàng Bách hóa Xanh.

Cụ thể, sản phẩm Cháo tươi thịt thăn được Bách hóa Xanh niêm yết với giá 13.500 đồng/gói nhưng bán ra giá 14.600 đồng/gói; Cháo yến vị thịt bằm niêm yết giá 9.800 đồng/gói nhưng bán ra giá 10.300 đồng/gói; Cháo tươi gà cà rốt niêm yết giá 19.000 đồng/gói nhưng bán ra giá 19.600 đồng/gói; Cháo tươi lươn đậu xanh niêm yết giá 22.500 đồng/gói bán ra giá 24.000 đồng/gói; Cháo tươi rau củ thập cẩm niêm yết giá 14.500 đồng/gói bán ra giá 20.000 đồng/gói.

Tại buổi kiểm tra, lý giải cho hành vi treo giá một đằng, tính tiền một nẻo, đại diện Bách hóa Xanh tại TP.Sóc Trăng nói rằng, việc bán không đúng giá niêm yết không phải là có "ý đồ" mà hoàn toàn vì yếu tố khách quan, do nguồn nhân lực quá ít nên không kịp thay đổi giá niêm yết trên kệ hàng. Đồng thời, do nhà cung cấp thay đổi giá nên buộc Bách hóa Xanh phải thay đổi theo.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng khẳng định, hành vi của Bách hóa Xanh là vi phạm quy định pháp luật nên phải chịu hình thức xử phạt. Hành vi bán không đúng giá niêm yết không chỉ tại 1 cửa hàng Bách hóa Xanh (phường 3, TP.Sóc Trăng) mà còn diễn ra ở một loạt cửa hàng của hệ thống này.

"Bách hóa Xanh là đơn vị tham gia vào bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Nhưng một loạt mặt hàng tại cửa hàng Bách hóa Xanh bán không đúng với giá niêm yết nên việc xử phạt này là khách quan, đúng quy định pháp luật", ông Chiêu nói.

Bên cạnh đó, ông Chiêu cho biết, hiện các mặt hàng gần hết hạn sử dụng và mặt hàng áp dụng khuyến mãi tại cửa hàng Bách hóa Xanh trên địa bàn không đề giá cụ thể cũng bị cơ quan quản lý nhắc nhở, yêu cầu rút kinh nghiệm và thực hiện nghiêm theo quy định.

Đừng lợi dụng dịch Covid-19 thổi giá kiếm lời

Thời gian qua, nhiều người dân ở tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM đều lên tiếng phản ánh, hệ thống cửa hàng Bách hóa Xanh của Công ty cổ phần Thương mại Bách hóa Xanh nâng giá sản phẩm, bán không đúng giá niêm yết trong bối cảnh cả nước đang gồng mình phòng, chống dịch Covid-19.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, trong bối cảnh hiện tại thì doanh nghiệp cần phải chung sức, đồng lòng với người dân và nhà nước để cùng nhau vượt qua khó khăn.

Người tiêu dùng ‘oằn lưng’ gánh hậu quả Covid-19 cho Bách hóa Xanh - Ảnh 2
Bách hóa Xanh có đang đứng ngoài cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19?

"Mặc dù biết rằng, giá cả thị trường phụ thuộc vào quy luật cung - cầu, mặt hàng tuy bình ổn giá nhưng không phải là không thể biến động. Tuy nhiên, giá cả chỉ được biến động ở ngưỡng cho phép.

Trong những lúc như thế này thì điều cần nhất là sự thấu hiểu giữa các bên với nhau. Người tiêu dùng thấu hiểu cho doanh nghiệp khi phải chịu nhiều khó khăn, có sự biến động về giá.

Nhưng doanh nghiệp cũng phải thể hiện trách nhiệm xã hội, chịu thiệt thòi, bình ổn giá để đảm bảo đời sống cho người dân, cũng chính là khách hàng của mình.  Doanh nghiệp không thể bấp chấp, vì nhà cung cấp tăng giá sản phẩm đầu vào rồi lại nâng giá đầu ra, để người tiêu dùng phải gánh chịu tất cả.

Ông cha ta thường nói: "Niềm vui chung đôi, nỗi buồn sẻ nửa". Chính vì thế, ở đây giữa các bên cần phải hiểu và thông cảm cho nhau, không vì lợi dụng tình hình khó khăn bởi dịch Covid-19 mà kiếm lời hay đẩy hết trách nhiệm thiệt hại cho người khác", PGS.TS Ngô Trí Long bày tỏ.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cũng cho rằng, thời điểm này là lúc các cơ quan chức năng thể hiện rõ vai trò quản lý của mình, đảm bảo ổn định đời sống cho người dân, "do dân, vì dân" mà phục vụ.

"Chính cơ quan chức năng cũng thừa nhận có tình trạng lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để găm hàng, thổi giá kiếm lời.  Để ngăn chặn tình trạng này thì cơ quan liên ngành ở các tỉnh thành cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện có hành vi vi phạm thì phải xử nghiêm, không bỏ qua cho bất kỳ trường hợp nào, cho dù cá nhân, đơn vị sai phạm có là ai đi chăng nữa. Thậm chí, nếu sai phạm lớn có thể xử lý hình sự theo quy định

Bài học găm hàng, nâng giá khẩu trang đã có từ năm 2020 và được xử lý rất tốt, nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ người dân. Đó là do có sự ra quân xử lý đồng bộ, xử nghiêm từ Trung ương cho tới dịa phương", PGS.TS Ngô Trí Long bày tỏ.

Điều 12 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định:

Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi sau đây:

- Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá.

- Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi không công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật ngoài hình thức niêm yết giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, kê khai giá.

- Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi vi phạm, trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước.

Điều 13 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định:

Phạt tiền từ 1 - 5 triệu đồng nếu hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá có tổng giá trị đến 50 triệu đồng, đối với một trong những hành vi tăng giá sau:

- Tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ cao hơn mức giá đã kê khai hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

- Tăng giá theo giá ghi trong Biểu mẫu đăng ký hoặc văn bản kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu giải trình mức giá đăng ký hoặc kê khai hoặc có văn bản yêu cầu đình chỉ áp dụng mức giá mới và thực hiện đăng ký lại, kê khai lại mức giá.

Ngoài ra, nếu hành vi tăng giá có tổng giá trị từ 50 - 500 triệu đồng sẽ bị xử phạt từ 5 - 60 triệu đồng (tùy theo tổng giá trị hàng hóa đã tăng)

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do vi phạm hành chính đối với hành vi quy định.

Thanh Sơn

Bạn đang đọc bài viết Người tiêu dùng ‘oằn lưng’ gánh hậu quả Covid-19 cho Bách hóa Xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới